Thông tư 44-TC/TCĐN năm 1994 quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do nước ta đài thọ do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 44-TC/TCĐN
Ngày ban hành 21/05/1994
Ngày có hiệu lực 21/05/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 44-TC/TCĐN

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 44-TC/TCĐN NGÀY 21-5-1994 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ ĐI CÔNG TÁC NGẮN HẠN Ở NƯỚC NGOÀI DO NƯỚC TA ĐÀI THỌ.

Sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan có liên quan, Bộ Tài chính quy định chế độ phụ cấp cho cán bộ đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do nước ta đài thọ như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Chế độ phụ cấp quy định trong Thông tư này áp dụng đối với cán bộ đi công tác nước ngoài (dự hội nghị, hội chợ, thăm viếng xã giao, nghiên cứu, khảo sát, ký kết hiệp định, hợp đồng hoặc làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...) trong thời gian không quá 60 ngày kể từ ngày xuất cảnh.

Đối với cán bộ đi công tác vượt quá 60 ngày hưởng chế độ sinh hoạt phí như cán bộ đi công tác dài hạn kể từ ngày xuất cảnh.

2- Chế độ phụ cấp được quy định theo hai mức khác nhau dựa trên việc phân loại cán bộ như sau:

- Loại A: Từ cấp Thứ trưởng hoặc chuyên viên có hệ số lương cơ bản từ 6,26 trở lên.

- Loại B: Các cán bộ có hệ số lương cơ bản dưới 6,26.

3- Khi cấp phát cho đoàn ra, Bộ Tài chính cấp phát bằng đôla Mỹ. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương sẽ giải quyết bằng đôla Mỹ hoặc đồng tiền ngoại tệ chuyển đổi khác theo tỷ giá do Ngân hàng Ngoại thương công bố. Trường hợp được Bộ Tài chính cấp bằng tiền địa phương từ quỹ tạm giữ của Ngân sách Nhà nước ở Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài thì theo tỷ giá công bố của Ngân hàng nước sở tại áp dụng cho việc chuyển đổi đôla Mỹ tiền mặt tại thời điểm đoàn lĩnh tiền.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Tiền ăn tiêu:

- Phụ cấp ăn tiêu quy định trong phụ lục đính kèm để chi cho ăn uống, tiêu vặt trong đó bao gồm cả tiền đi lại bằng phương tiện công cộng.

- Số ngày được hưởng phụ cấp ăn tiêu tính từ ngày rời Việt Nam đến ngày về tới Việt Nam (bao gồm ngày làm việc tại nước sở tại, ngày chờ, ngày đi đường và ngày quá cảnh). Ngày chờ và ngày quá cảnh, cán bộ được hưởng 2/3 mức phụ cấp ăn tiêu của nước đến làm việc và nước quá cảnh. Số ngày chờ và ngày quá cảnh được thanh toán không vượt quá 6 ngày. Trường hợp công tác ở nhiều nước thì kể từ nước đến công tác thứ hai được cộng thêm một ngày chờ.

2- Tiền tiêu vặt:

Trường hợp bạn lo cho ăn, ở nhưng không cấp tiền (hoặc không cấp thêm tiền tiêu vặt) thì cán bộ được hưởng phụ cấp tiêu vặt kể từ ngày xuất cảnh theo phụ lục đính kèm (đơn vị dự toán cần xuất trình thư mời của bạn ghi rõ là bạn chỉ đài thọ ăn ở, không cấp tiền tiêu vặt).

3- Tiền vé máy bay: tiêu chuẩn mua vé máy bay được phân loại như sau:

- Vé loại đặc biệt (First class): các đồng chí lãnh đạp cấp cao của Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư; Uỷ viên Bộ Chính trị; Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ. Trưởng đoàn quyết định về tiêu chuẩn vé máy bay của số cán bộ bảo vệ hoặc phục vụ cần thiết.

- Vé loại 1: (Business class hoặc "C" class)

Cấp Thứ trưởng đương chức trở lên.

- Vé loại 2: (Economic class hoặc "Y" class)

Đối với cán bộ còn lại.

4- Tiền ở:

Cán bộ đi công tác nước ngoài, nếu bạn không chi tiền ở thì cán bộ được cấp khoản tiền ở theo mức ở phụ lục đính kèm.

Trường hợp đoàn đi thăm viếng xã giao hay dự hội nghị hoặc trong những hoàn cảnh bắt buộc phải ở khách sạn giá cao hơn mức khoán thì được quyết toán theo thực tế với điều kiện:

- Thứ trưởng hoặc cấp tương đương trở lên được ở buồng đơn.

Các cấp khác ở buồng ghép (trừ trường hợp đặc biệt như lẻ người, hoặc đoàn có cả nam và nữ không sắp xếp ở ghép được).

5- Chi phí đi lại tại nước đến công tác:

[...]