Thông tư 44/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 44/2009/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 21/07/2009
Ngày có hiệu lực 04/09/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 44/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 21 tháng  07 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI THUỘC PHẠM VI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUẢN LÝ

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03/01/2008 của Chính phủ, qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP, ngày 06/6/2003 của Chính phủ, ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP, ngày 09/11/2006 của Chính phủ, ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg, ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế quản lý, sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ các thông tư của Bộ Tài chính: Thông tư số 82/2007/TT-BTC, ngày 12/7/2007, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; Thông tư số 108/2007/TT-BTC, ngày 07/9/2007, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Thông tư số 116/2005/TT-BTC, ngày 19/12/2005, hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như sau:

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu và phạm vi điều chỉnh

Thông tư này nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài, gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) đầu tư thông qua các chương trình, dự án, khoản tài trợ phi dự án cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Văn phòng Đối tác Hỗ trợ ngành, Quỹ uỷ thác ngành và các Ban Quản lý dự án thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các Văn phòng Đối tác Hỗ trợ ngành, Quỹ uỷ thác ngành và các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, được Bộ quyết định giao nhiệm vụ làm chủ chương trình, dự án, hoặc được giao nhiệm vụ điều phối, thực hiện một phần (đối với dự án có nhiều tiểu dự án hoặc nhiều hợp phần) hay toàn bộ chương trình, dự án và khoản tài trợ phi dự án (gọi chung là Chủ dự án) phải thực hiện nghiêm các quy định và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Nguồn vốn ODA và NGO đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án và các khoản tài trợ phi dự án (gọi chung là dự án) đều là nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước (NSNN), phải được hạch toán, phản ánh đầy đủ thông qua hệ thống chứng từ sổ sách, biểu mẫu báo cáo và phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật NSNN, các Nghị định và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Trừ trường hợp đặc biệt đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn đối ứng do NSNN cấp phát theo cam kết dành cho các chương trình, dự án ODA và dự án NGO thuộc phạm vi cấp nào do cấp đó (gồm trung ương và địa phương) đảm bảo cân đối, bố trí, giao dự toán và kiểm tra, phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, toàn bộ số liệu phải được phản ánh, tổng hợp trong báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán chung của toàn chương trình, dự án.

3. Chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc thực hiện các cam kết đã quy định trong các điều ước quốc tế, văn kiện dự án; các quy định của Nhà nước về thực hiện chương trình, dự án, quản lý tài chính; thực hiện chế độ lập kế hoạch tài chính, hạch toán kế toán, kiểm toán, quyết toán, quản lý tài sản dự án, báo cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Trong trường hợp các điều ước, thoả thuận, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết có quy định khác với quy định trong nước thì thực hiện theo các điều ước, thoả thuận, cam kết đó. Nếu Nhà tài trợ hoặc cơ quan, tổ chức được Nhà tài trợ uỷ nhiệm trực tiếp điều hành việc chi tiêu cho chương trình, dự án, thì việc quản lý tài chính được thực hiện theo các quy định trong các Hiệp định, Thoả thuận, Cam kết hoặc Văn kiện dự án, Biên bản ghi nhớ đã ký kết với Nhà tài trợ.

Điều 4. Nội dung quản lý tài chính

1. Nội dung quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý bao gồm: Lập và tổng hợp kế hoạch tài chính (còn gọi là dự toán thu, chi NSNN); thực hiện chế độ kiểm soát chi và hạch toán NSNN; thực hiện chế độ mua sắm và định mức chi tiêu; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán, kiểm toán và quyết toán; thực hiện chế độ quản lý vốn và tài sản hình thành từ nguồn kinh phí dự án; và thực hiện các chính sách thuế.

2. Ngoài các nội dung nêu trên, đối với các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại có tính chất độc lập (không đi kèm với dự án vốn vay) còn phải thực hiện việc xác nhận viện trợ với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) theo quy định tại Thông tư số 82/2007/TT-BTC, ngày 12/7/2007 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này.

Chương II.

LẬP VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH

Điều 5. Nguyên tắc lập kế hoạch tài chính

1. Kế hoạch tài chính là kế hoạch vốn đầu tư (đối với dự án XDCB), hoặc kế hoạch vốn hành chính sự nghiệp (đối với dự án HCSN) hoặc kế hoạch cho vay tín dụng (đối với các dự án tín dụng). Nội dung của kế hoạch tài chính bao gồm: kế hoạch vốn ODA và NGO (vốn vay nợ, vốn viện trợ không hoàn lại, phân theo từng nước hoặc tổ chức tài trợ), vốn đối ứng trong nước (vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng trong nước, vốn tự có của Chủ dự án, vốn đóng góp của người hưởng lợi dự án, nguồn vốn do được hoàn thuế Giá trị gia tăng (nếu có) và các nguồn vốn khác theo quy định của luật pháp Việt Nam).

2. Đối với các dự án hỗn hợp XDCB và HCSN, Chủ dự án lập và trình duyệt kế hoạch tài chính cụ thể theo từng nội dung chi của dự án. Đối với các dự án có nhiều Chủ dự án, từng Chủ dự án chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chính cho phần dự án do Chủ dự án thực hiện. Trường hợp dự án có nhiều Chủ dự án và có một cơ quan đầu mối điều phối chung việc thực hiện dự án, cơ quan điều phối chung sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chính phần hoạt động do cơ quan điều phối thực hiện, đồng thời tổng hợp kế hoạch chung của toàn dự án.

3. Kế hoạch tài chính hàng năm của dự án phải thể hiện các nội dung chi chi tiết theo từng hợp phần, từng hoạt động chính của dự án, chi tiết theo từng nguồn vốn tài trợ, vốn đối ứng, vốn tự có của Chủ Dự án, vốn đóng góp của người hưởng lợi, vốn tín dụng (nếu có) và phải kèm theo báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán từng khoản chi.

4. Kế hoạch tài chính hàng năm của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thông báo là cơ sở để kiểm soát chi, rút vốn đối ứng và vốn nước ngoài cho dự án. Sau khi có kế hoạch tài chính được duyệt, Ban Quản lý dự án gửi kế hoạch tài chính cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) và Kho bạc Nhà nước nơi đăng ký giao dịch.

5. Kế hoạch tài chính năm của dự án lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC, ngày 07/9/2007 của Bộ Tài chính, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức.

Để phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện tình hình thực tế, các mẫu biểu lập và tổng hợp kế hoạch được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa, bao gồm 03 phụ lục:

Phụ lục 01: Mẫu biểu tổng hợp kế hoạch tài chính năm. Biểu này được tổng hợp từ các dự án đã được lập chi tiết tại phụ lục 02 và 03.

Phụ lục 02: Kế hoạch tài chính năm

[...]