Thông tư 41-NV năm 1962 hướng dẫn chính sách đối với các gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích miền Nam, tập kết ra Bắc do Bộ Nội Vụ ban hành
Số hiệu | 41-NV |
Ngày ban hành | 01/09/1962 |
Ngày có hiệu lực | 16/09/1962 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Nội vụ |
Người ký | Tô Quang Đẩu |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
BỘ
NỘI VỤ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 41-NV |
Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 1962 |
Kính gửi: Các ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
Trong Thông tư số 47-LB-LS3 ngày 28/5/1956 và Thông tư số 58-TB-LS4 ngày 10/10/1956, Bộ Thương binh đã có quy định việc giải quyết quyền lợi đối với các gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần và quân nhân mất tích miền Nam, tập kết ra Bắc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn sót lại một số gia đình chưa được tặng bằng Tổ quốc ghi công và trợ cấp tiền tuất.
Để giải quyết nốt quyền lợi cho các gia đình trên, nay Bộ bổ sung một số điểm cụ thể và hướng dẫn cách thi hành cho thống nhất từ nay về sau.
I. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC TẶNG BẰNG TỔ QUỐC GHI CÔNG VÀ TRỢ CẤP TIỀN TUẤT.
1. Gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích miền Nam, tập kết ra Bắc, nếu có một người trong số những thân nhân gần nhất là vợ hay chồng, các con và cha mẹ đẻ thì coi như đủ tiêu chuẩn hưởng quyền lợi về tiền tuất hoặc bằng Tổ quốc ghi công (không kể thứ bậc trước sau như quy định trước đây). Cụ thể là:
- Vợ hay chồng của Liệt sĩ (chưa lấy chồng hay lấy vợ khác) ra tập kết ở miền Bắc.
- Các con của Liệt sĩ ra tập kết ở miền Bắc, dù vợ (hoặc chồng) của Liệt sĩ hiện ở trong Nam (nếu có giấy tờ đầy đủ xác nhận là gia đình Liệt sĩ).
- Các cha mẹ của Liệt sĩ ra tập kết ở miền Bắc, dù vợ (hoặc chồng) con của Liệt sĩ hiện ở trong Nam (nếu có giấy tờ đầy đủ xác nhận là gia đình Liệt sĩ)
Ngoài ra, nếu Liệt sĩ không có vợ (hoặc chồng), con và cha mẹ đẻ, thì em Liệt sĩ dưới 16 tuổi (tính đến ngày 27/7/1956 là ngày ban hành Nghị định số 980-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều lệ ưu đãi gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân) hay người nào đã thực sự nuôi nấng Liệt sĩ từ bé đến lớn như con đẻ ra tập kết ở miền Bắc (có đủ giấy tờ xác nhận là Liệt sĩ không còn thân nhân gần nhất nào khác hiện ở trong Nam hoặc tập kết ra Bắc) cũng được coi là thân nhân gần nhất của Liệt sĩ.
Gia đình quân nhân từ trần, mất tích, nếu có đủ những điều kiện quy định như trên đối với gia đình Liệt sĩ thì được hưởng khoản tiền tuất hoặc tiền trợ cấp theo chính sách chung (riêng em quân nhân mất tích thì tính 16 tuổi đến ngày 09/9/1960 là ngày ban hành Nghị định số 35-CP của Hội đồng Chính phủ quy định các khoản ưu đãi đối với gia đình quân nhân mất tích).
Các thân nhân khác như anh, chị, cô, dì, chú, bác v.v… không nằm trong tiêu chuẩn được hưởng quyền lợi của gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích.
2. Việc xác nhận Liệt sĩ quân nhân từ trần, quân nhân mất tích miền Nam sẽ căn cứ vào hồ sơ của các gia đình đứng khai gồm có giấy báo tử, giấy báo mất tích của đơn vị bộ đội cấp và các giấy tờ cần thiết khác ( như giấy chứng của những người biết việc).
Riêng đối với việc xác nhận Liệt sĩ, nếu không có giấy báo tử của cơ quan, đơn vị thì phải được tổ chức đồng hương xã hay huyện chứng nhận có sự xét duyệt chính thức của Ban thường trực Hội đồng hương tỉnh. Trong giấy chứng nhận của tổ chức đồng hương cần ghi rõ chức vụ; trường hợp hy sinh, ngày thoát ly, ngày hy sinh của Liệt sĩ.
3. Nếu gia đình có nhiều thân nhân gần nhất như cha mẹ và các con tập kết ra Bắc thì tờ khai đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công hoặc tiền tuất phải ghi rõ họ tên và chỗ ở của tất cả những thân nhân này và có giấy ủy nhiệm mang chữ ký của các thân nhân để một người đại diện cho gia đình đứng khai nhận tiền tuất và bằng Tổ quốc ghi công ở một nơi.
II. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN ĐỂ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI CHO GIA ĐÌNH
- Đối với các con Liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tích học ở các trường nội trú miền Nam, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh phối hợp với các sở, ty giáo dục và các trường để thẩm tra lại danh sách và lý lịch của các cháu. Gia đình nào trước đây đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công mà chưa được cấp tiền tuất thì xét giải quyết thêm tiền tuất. Gia đình nào đủ tiêu chuẩn được hưởng quyền lợi thì lập ngay hồ sơ, theo bản hướng dẫn kèm theo đây ([1]). Chú ý đối với một số con em các gia đình còn nhỏ tuổi các bằng Tổ quốc ghi công và tiền tuất không nên giao riêng cho từng cháu sử dụng để tránh thất lạc hoặc chi tiêu hoang phí. Nhà trường sẽ đảm nhiệm việc cất giữ cho các cháu và phân phối dần tiền khi các cháu cần mua sắm, bồi dưỡng, như khi nghỉ hè, nghỉ Tết…
- Đối với các cha mẹ Liệt sĩ và các con Liệt sĩ đang công tác ở cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp thì ở địa phương nào cho địa phương ấy phụ trách, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh nơi cư trú của người đứng khai, sẽ căn cứ vào những hồ sơ đầy đủ có bảo đảm như trên để giải quyết tiền tuất: đồng thời lập danh sách gửi về Bộ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình này.
- Ngoài những quyền lợi nói trên, các gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích miền Nam, tập kết ra Bắc còn được hưởng những quyền lợi khác như các gia đình Liệt sĩ, gia đình quân nhân từ trần, mất tích ở miền Bắc. Gia đình nào gặp hoàn cảnh khó khăn túng thiếu cũng được xét trợ cấp khó khăn theo tiêu chuẩn quy định trong thông tư liên Bộ Nội vụ - Tài chính số 38-TT-LB ngày 01/8/1962 hướng dẫn thi hành, Nghị định số 14-CP ngày 02/02/1962 của Hội đồng Chính phủ.
Riêng đối với các con Liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tích ở các trường nội trú miền Nam, ngoài các tổ chức đồng hương có trách nhiệm chăm nom săn sóc, Bộ đề nghị các Ủy ban hành chính phối hợp với đoàn Thanh niên Lao động và hội Liên hiệp Phụ nữ vận động các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội… đỡ đầu các cháu ở từng trường một, để thường xuyên thăm hỏi giúp đỡ các cháu về tinh thần và vật chất, tạo điều kiện cho các cháu vui vẻ và học tập tiến bộ.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |