Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư liên bộ 38-TT-LB năm 1962 hướng dẫn Nghị định 14-CP về việc trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gặp khó khăn trong đời sống do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 38-TT-LB
Ngày ban hành 01/08/1962
Ngày có hiệu lực 16/08/1962
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thanh Sơn,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-TT-LB

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 14-CP NGÀY 02-02-1962 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRỢ CẤP CHO GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, GIA ĐÌNH QUÂN NHÂN, CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TỪ TRẦN HAY MẤT TÍCH GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ giữ được mức sinh hoạt bình thường và nâng cao dần mức sống, chính sách của Chính phủ là: đối với những gia đình còn lao động sản xuất được, thì giúp đỡ trong công việc làm ăn, thi hành đúng Chỉ thị số 445/TTg ngày 14-12-1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp; đối với một số gia đình vì già yếu, bệnh tật thiếu hoặc mất sức lao động mà đời sống gặp nhiều khó khăn, thì ngoài sự giúp đỡ của nhân dân, Nhà nước có thể trợ cấp thêm.

Đối với những gia đình quân nhân từ trần hay mất tích, gia đình cán bộ, công nhân viên chức từ trần hay mất tích thì cũng dựa theo tinh thần chính sách trên đây mà có sự giúp đỡ thích hợp.

Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ sửa đổi chế độ trợ cấp khó khăn quy định ở thông tư Liên bộ Nội vụ - Tài chính số 50-TT/LB ngày 14-10-1959 cho thích hợp với tình hình mới, nhằm giúp đỡ các gia đình giải quyết những khó khăn về đời sống một cách tích cực hơn nữa.

Nhưng nếu chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Nhà nước, thì không thể nào giải quyết hết những khó khăn của các gia đình trên. Vì vậy cùng với việc thi hành chế độ trợ cấp này, phải đẩy mạnh hơn nữa sự giúp đỡ của nhân dân và phát huy tinh thần tự lực cánh sinh của các gia đình để giải quyết khó khăn.

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Kết hợp chặt chẽ, đúng mức sự trợ cấp của Nhà nước với sự giúp đỡ của nhân dân và sự nỗ lực bản thân của các gia đình, tạo điều kiện cho các gia đình gặp khó khăn nâng dần mức sống ngang với mức sinh hoạt chung của nhân dân địa phương.

2. Tùy theo mức độ khó khăn nhiều hay ít mà xét trợ cấp hoặc không trợ cấp; sau khi được trợ cấp rồi, mức sinh hoạt của những gia đình được trợ cấp không cao hơn nhiều so với mức sinh hoạt của những gia đình không được trợ cấp ở cùng một địa phương.

3. Phải tiến hành một cách tích cực, thận trọng, đảm bảo đúng chính sách, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo sự đoàn kết trong nhân dân, giữa các gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích.

III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT TRỢ CẤP

Đối tượng trợ cấp nói ở điều 1 và điều 2 trong Nghị định số 14-CP  ngày 02-02-1962 của Hội đồng Chính phủ là gia đình của những liệt sĩ, gia đình của những quân nhân từ trần hay mất tích, gia đình của những cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích trước ngày thi hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội (tức là ngày 31-12-1961 trở về trước) mà đời sống có nhiều khó khăn vì già yếu, bệnh tật, thiếu sức lao động hay vì tai nạn bất thường, Liên bộ giải thích thêm như sau:

1. Tiêu chuẩn liệt sĩ thì theo như quy định trong các văn bản đã ban hành. Cụ thể là những trường hợp hy sinh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công, hoặc đã được nhân dân địa phương xác nhận là liệt sĩ, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh xét duyệt và đề nghị tặng bằng Tổ quốc ghi công.

2. Quân nhân từ trần và quân nhân mất tích, mà gia đình được xét trợ cấp khó khăn nói trong Nghị định số 14-CP, là những quân nhân tình nguyện chết vì ốm đau hay tai nạn hoặc mất tích trong khi còn tại ngũ. Đối với quân nhân làm nghĩa vụ quân sự mà chết hay mất tích, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu quy định cụ thể sau.

3. Cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích trước ngày thi hành điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội, nếu có những điều kiện sau đây thì gia đình được xét trợ cấp khó khăn theo quy định trong Nghị định số 14-CP:

a) Là công nhân, viên chức làm việc trong biên chế ở các cơ quan, công trường, nông trường, xí nghiệp Nhà nước hoặc là cán bộ thoát ly của các đoàn thể cách mạng (kể cả các cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám) hoặc là thanh niên xung phong thoát ly kinh tế gia đình có tổ chức thành đơn vị hẳn hoi.

b) Chết vì tai nạn lao động, hoặc chết do dịch gây ra, hoặc mất tin mất tích trong khi làm nhiệm vụ, trong thời kỳ kháng chiến hoặc chết vì bị xử trí oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (có sự xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ cũ, nếu cơ quan này đã giải thể, thì do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh nơi gia đình cư trú xác nhận).

c) Chết vì ốm đau hay tai nạn rủi ro, nhưng phải có hai năm công tác liên tục trong kháng chiến, hoặc có năm năm công tác liên tục trong kháng chiến và hai năm trong hòa bình.

Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức chết từ ngày thi hành điều lệ bảo hiểm xã hội trở về sau (kể cả những người đủ tiêu chuẩn xác nhận là liệt sĩ), gia đình hưởng theo chế độ bảo hiểm xã hội, không hưởng theo chế độ trợ cấp quy định ở Nghị định số 14-CP ngày 02-02-1962.

4. Gia đình của liệt sĩ, gia đình của quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần hay mất tích gồm những thân nhân gần nhất như sau:

- Vợ hay chồng (chưa lấy chồng hay lấy vợ khác);

- Các con;

- Cha mẹ đẻ.

Nếu không có vợ hay chồng, các con và cha mẹ đẻ, thì người nào công nuôi người chết hay mất tích từ nhỏ đến lớn như con đẻ, hay khi còn sống người chết có trách nhiệm phải nuôi dưỡng như: em nhỏ dưới 16 tuổi (hay 18 tuổi nếu còn đi học) không còn anh nào khác, ông bà nội không còn con cháu nào khác, cũng coi là thân nhân gần nhất. Các thân nhân khác không tính vào diện gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức từ trần, mất tích để được xét trợ cấp khó khăn nói trong Nghị định số 14-CP.

IV. TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT TRỢ CẤP

Chỉ những gia đình nào có người già yếu, bệnh tật, thiếu sức lao động, hay vì tai nạn bất thường mà đời sống gặp nhiều khó khăn thì mới được xét trợ cấp.

Tiêu chuẩn để phân biệt những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn là mức sinh hoạt của các gia đình thấp hơn mức sinh hoạt bình thường của nhân dân ở địa phương (xã, thành phố, thị xã, thị trấn) một cách rõ rệt. Cụ thể những gia đình ở vào một trong những trường hợp sau đây sẽ được xét trợ cấp:

[...]