Thông tư 39/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 39/2016/TT-BTNMT
Ngày ban hành 19/12/2016
Ngày có hiệu lực 10/02/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Chu Phạm Ngọc Hiển
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2016/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ QUAN TRẮC VÀ ĐIỀU TRA KHẢO SÁT XÂM NHẬP MẶN

Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn tại các vùng sông, kênh, rạch ven biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưi đây được hiểu như sau:

1. Xâm nhập mặn là quá trình nước biển lấn sâu vào đất liền qua cửa sông do ảnh hưởng của hiện tượng thủy triều làm cho nước sông bị nhiễm mặn.

2. Điều tra khảo sát bao gồm các công việc: lập kế hoạch, thu thập thông tin, xác định điểm đo, thực hiện đo đạc tại hiện trường, phân tích đánh giá kết quả, báo cáo tổng hợp.

3. Độ mặn là lượng muối Natri clorua (NaCl) tính ra gam có trong 1.000 gam nước ở điều kiện bình thường (‰ hay g/l).

4. Độ mặn bình quân thủy trực là độ mặn bình quân của các độ mặn thực đo ở các tầng mặt, giữa và đáy trên thủy trực.

5. Chu kỳ mặn (con mặn) là khoảng thời gian giữa 2 chân mặn liền kề.

6. Chân mặn là độ mặn bình quân thủy trực nhỏ nhất của một con mặn.

7. Đỉnh mặn là độ mặn bình quân thủy trực lớn nhất của một con mặn.

8. Độ mặn bình quân của con mặn là độ mặn bình quân của các độ mặn bình quân thủy trực.

9. Trạm hoặc điểm đo mặn là nơi được lựa chọn để thực hiện đo mặn, được xác định trên một mặt cắt ngang sông.

10. Giờ tròn là các giờ: 0 giờ 00 phút 00 giây, 1 giờ 00 phút 00 giây, 2 giờ 00 phút 00 giây, …….. 23 giờ 00 phút 00 giây.

Điều 4. Quy định về an toàn lao động trong quan trắc và điều tra khảo sát

Trong quá trình quan trắc và điều tra khảo sát, thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động hiện hành.

Chương II

[...]