Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 39/2015/TT-BTC
Ngày ban hành 25/03/2015
Ngày có hiệu lực 01/04/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRỊ GIÁ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Hiệp định thực hiện điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuếLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận; hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.

Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ.

2. Hoa hồng mua hàng là khoản tiền mà người mua trả cho đại lý đại diện của mình để mua hàng hóa nhập khẩu với mức giá hợp lý nhất.

3. Hoa hồng bán hàng là khoản tiền được trả cho đại lý đại diện cho người bán để bán hàng hóa xuất khẩu cho người mua.

4. Phí môi giới là khoản tiền người mua hoặc người bán hoặc cả người mua và người bán phải trả cho người môi giới để đảm nhận vai trò trung gian trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu.

5. Phần mềm là các dữ liệu, chương trình hoặc hướng dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác khi chuyển tải vào một thiết bị xử lý dữ liệu thì có khả năng làm thiết bị đó thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Các sản phẩm âm thanh, phim hoặc hình ảnh không được coi là phần mềm theo quy định này.

6. Phương tiện trung gian là đĩa mềm, đĩa CD, đĩa DVD, băng từ, thẻ từ, ổ cứng ngoài hoặc bất kỳ vật thể nào lưu giữ được thông tin, được sử dụng như một phương tiện lưu giữ tạm thời hoặc để chuyển tải phần mềm. Để sử dụng, phần mềm được chuyển, cài đặt hoặc tích hợp vào thiết bị xử lý dữ liệu. Phương tiện trung gian không bao gồm các mạch tích hợp, vi mạch, bán dẫn và các thiết bị tương tự hoặc các bộ phận gắn vào các bảng mạch hoặc thiết bị đó.

7. Hàng hóa có trị giá được coi là “xấp xỉ” với nhau nếu sự chênh lệch giữa chúng do các yếu tố khách quan sau đây tác động đến:

a) Bản chất của hàng hóa, tính chất của ngành sản xuất ra hàng hóa;

b) Tính thời vụ của hàng hóa;

[...]