BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38/2012/TT-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 09
năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẦU CHUNG
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ
ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP
ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyển hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết
cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành Thông tư quy định về quản lý, khai thác cầu chung,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định về công tác quản
lý, khai thác đối với các cầu sử dụng chung giữa đường sắt quốc gia, đường sắt
chuyên dùng với đường bộ.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến công tác quản lý,
khai thác, bảo trì cầu chung và người tham gia giao thông trong khu vực cầu
chung.
Điều 3. Cầu chung
và khu vực cầu chung
1. Cầu chung là cầu có mặt cầu dùng
chung cho cả phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện giao thông đường bộ.
2. Khu vực cầu chung bao gồm toàn bộ
kết cấu công trình cầu, gầm cầu và phạm vi quản lý tính từ mép trong của mố
(giáp đầu dầm) trở ra mỗi bên:
a) Đối với đường sắt: tới cột tín hiệu
phòng vệ cầu (bao gồm cả cột tín hiệu); hoặc 10 mét (m) ở nơi không có cột tín
hiệu phòng vệ;
b) Đối với đường bộ: tới cần chắn,
giàn chắn vào cầu (bao gồm cả cần chắn, giàn chắn); hoặc 10 mét (m) ở nơi không
có cần chắn, giàn chắn.
Điều 4. Trách nhiệm
và quyền hạn của đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt
1. Chịu trách nhiệm quản lý, khai
thác và bảo trì các công trình và thiết bị ở khu vực cầu chung theo quy định tại
khoản 2 Điều 3 của Thông tư này; đảm bảo các hạng mục công trình cầu và thiết bị
ở khu vực cầu chung hoạt động theo đúng các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, thuận tiện
cho người và các phương tiện giao thông đường sắt, đường bộ qua cầu.
2. Chịu trách nhiệm điều khiển giao
thông trên cầu chung.
3. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày
Thông tư này có hiệu lực, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm
xây dựng và ban hành Quy tắc chi tiết về tổ chức hoạt động quản lý, khai thác cầu
chung để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu chung.
4. Khi sửa chữa đường, cầu hoặc làm
các công việc khác ở khu vực cầu chung có liên quan đến giao thông đường bộ thì
phải được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý đường bộ từ cấp Khu quản lý đường bộ
trở lên đối với đường do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, của Sở Giao thông
vận tải đối với quốc lộ ủy thác và đường do địa phương trực tiếp quản lý, hoặc
của chủ sở hữu đối với đường chuyên dùng.
5. Lập kế hoạch và dự toán kinh phí
quản lý bảo trì cầu chung hàng năm trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
Điều 5. Trách nhiệm
và quyền hạn của đơn vị quản lý đường bộ
1. Phối hợp với đơn vị quản lý kết cấu
hạ tầng đường sắt và các cơ quan có liên quan trong việc bảo dưỡng, sửa chữa phần
đường bộ ở khu vực cầu chung; kiểm tra phần đường bộ, tình hình giao thông trên
đường bộ theo kế hoạch hoặc đột xuất.
2. Có quyền đề nghị đơn vị quản lý kết
cấu hạ tầng đường sắt sửa chữa các hạng mục công trình cầu và thiết bị có liên
quan đến đường bộ ở khu vực cầu chung đảm bảo giao thông trên cầu chung được an
toàn, thuận lợi.
Chương 2.
MẶT CẦU VÀ MẶT
ĐƯỜNG BỘ VÀO CẦU CHUNG; HỆ THỐNG BIỂN BÁO HIỆU, TÍN HIỆU VÀ CÁC TRANG THIẾT BỊ
CÓ LIÊN QUAN KHÁC Ở KHU VỰC CẦU CHUNG
Điều 6. Mặt cầu
và mặt đường bộ vào cầu chung
1. Mặt cầu và mặt đường bộ vào cầu chung
phải đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường và đảm bảo thống nhất trên
đoạn tuyến đường sắt, đường bộ. Mặt đường bộ vào cầu chung, chỗ tiếp giáp với
đường sắt phải xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của cấp đường ngang hiện hành.
2. Trên cầu chung, trong lòng đường sắt
dọc ray chính phải đặt ray hộ bánh hoặc tạo khe ray bằng các kết cấu khác; khe
ray phải rộng từ 75 milimét (mm) đến 90 milimét (mm), chiều
sâu ít nhất 45 milimét (mm); ray hộ bánh hoặc cấu tạo khe ray phải cao bằng mặt
ray chính, độ sai lệch không quá 5 milimét (mm).
Điều 7. Biển báo
hiệu và tín hiệu trên đường sắt
1. Trên đường sắt, ở khu vực cầu
chung phải bố trí các biển báo hiệu, tín hiệu sau:
a) Tín hiệu đèn màu phòng vệ;
b) Biển kéo còi;
c) Biển tốc độ tối đa cho phép.
2. Đối với những nơi tín hiệu phòng vệ
không đảm bảo tầm nhìn 800 mét (m) liên tục thì phải bố trí tín hiệu báo trước
cho tín hiệu đèn màu phòng vệ.
Điều 8. Biển báo
hiệu, tín hiệu và thiết bị trên đường bộ
Trên đường bộ vào cầu chung và khu vực
cầu chung phải bố trí các biển báo hiệu, tín hiệu và thiết bị sau theo đúng quy
định:
1. Biển báo hiệu giao cắt giữa đường
sắt và đường bộ có rào chắn;
2. Các biển cấm (tùy theo tiêu chuẩn
và cấp kỹ thuật tại khu vực cầu chung);
3. Biển cự ly tối thiểu giữa hai xe;
4. Biển tốc độ tối đa cho phép;
5. Các biển báo hiệu, tín hiệu khác
theo quy định;
6. Cần chắn hoặc giàn chắn đường bộ
(nếu có).
Điều 9. Trạm gác
cầu chung
1. Ở mỗi đầu cầu chung phải có một trạm
gác để điều khiển giao thông, trạm gác phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Vị trí và các cửa sổ của trạm gác
phải bố trí để khi ngồi trong trạm gác nhân viên gác cầu nhìn được rõ người và
các phương tiện hoặc các chướng ngại vật ở trên cầu; nhìn được rõ đoạn đường bộ
và đoạn đường sắt vào cầu;
b) Trạm gác không làm che khuất tầm
nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ; bộ phận
gần nhất của trạm gác phải cách ray ngoài cùng và cách mép đường bộ ra phía
ngoài tối thiểu 3,5 mét (m); nền nhà trạm gác phải cao bằng hoặc cao hơn mặt cầu,
xung quanh có lan can; diện tích của trạm gác đảm bảo tối thiểu là 4 mét vuông
(m2).
2. Trong mỗi trạm gác cầu chung tối
thiểu phải có đầy đủ các thiết bị sau đây và phải đảm bảo sẵn sàng làm việc:
a) Điện thoại liên lạc với hai ga gần
nhất;
b) Đèn, chuông điện, điện thoại liên
lạc giữa hai trạm đầu cầu;
c) Thiết bị điều khiển cần chắn hoặc
giàn chắn đường bộ;
d) Thiết bị điều khiển tín hiệu đường
bộ;
đ) Thiết bị điều khiển tín hiệu đường
sắt;
e) Đồng hồ để bàn.
Chương 3.
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
VÀ BIỂU THỊ CỦA CÁC BÁO HIỆU, TÍN HIỆU TRONG KHU VỰC CẦU CHUNG
Điều 10. Quy định
chung
Hệ thống biển báo hiệu, tín hiệu trên
đường sắt, đường bộ vào cầu chung và ở khu vực cầu chung phải hoạt động và biểu
thị theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tín hiệu đường sắt và Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành.
Điều 11. Nguyên
tắc đóng, mở tín hiệu
1. Ở trạng thái không có tàu qua cầu
chung:
a) Tín hiệu đèn màu phòng vệ đường sắt
ở trạng thái đóng (sáng màu đỏ biểu thị cấm tàu qua cầu);
b)Tín hiệu đường bộ ở trạng thái mở
(sáng màu lục biểu thị cho phép các phương tiện giao thông đường bộ qua cầu);
c) Chắn đường bộ ở trạng thái mở (cho
phép các phương tiện giao thông đường bộ qua cầu).
2. Ở trạng thái có tàu tới cầu chung:
a) Tín hiệu đường bộ ở trạng thái
đóng (sáng màu đỏ biểu thị cấm các phương tiện giao thông đường bộ qua cầu);
b) Chắn đường bộ ở trạng thái đóng (cấm
các phương tiện giao thông đường bộ qua cầu);
c) Tín hiệu đèn màu phòng vệ đường sắt
ở trạng thái mở (sáng màu lục biểu thị cho phép tàu qua cầu). Điều kiện để mở
tín hiệu phòng vệ đường sắt là tín hiệu đường bộ ở trạng thái đóng, chắn đường
bộ ở trạng thái đóng và không có chướng ngại vật ở trên cầu.
3. Sau khi tàu đã qua khỏi cầu, các
thiết bị lần lượt hoạt động theo trình tự sau:
a) Tín hiệu đèn màu phòng vệ đường sắt
đóng;
b) Tín hiệu đường bộ mở;
c) Chắn đường bộ mở.
Điều 12. Thời
gian đóng chắn và báo hiệu bằng tín hiệu
Chắn đường bộ phải đóng ở thời điểm bảo
đảm không có người, phương tiện giao thông và các chướng ngại vật khác trên cầu
trước khi tàu tới cầu ít nhất 2 (hai) phút và nhiều nhất không quá 5 (năm)
phút.
Chương 4.
TỔ CHỨC ĐIỀU
HÀNH GIAO THÔNG TRÊN KHU VỰC CẦU CHUNG
Điều 13.
Giao thông trên khu vực cầu chung
1. Trên khu vực cầu chung, các phương
tiện giao thông đường sắt được quyền ưu tiên đi trước.
2. Khi sắp tới khu vực cầu chung, lái
tàu phải chú ý quan sát khu vực cầu và các tín hiệu trong khu vực cầu chung, chấp
hành đúng các quy định về kéo còi và tốc độ.
3. Khi tín hiệu đường bộ ở trạng thái
đóng (chắn đóng, đèn đỏ, cờ đỏ, biển “dừng xe”), người tham gia giao thông đường
bộ phải dừng lại trên phần đường của mình và cách chắn đường bộ khoảng cách 1,0
mét (m); khi có hiệu lệnh qua cầu (chắn mở, đèn xanh, cờ vàng, biển “lối đi thuận
chiều”) người tham gia giao thông đường bộ mới được đi qua.
4. Xe thô sơ, người đi bộ, súc vật có
người dắt phải đi trên phần đường đã quy định cụ thể của từng cầu.
Các loại xe thô sơ chở hàng nặng, cồng
kềnh, đi chậm (như xe ba gác, xe súc vật kéo, các đàn gia súc có người dắt) chỉ
được đi qua cầu trong các giờ quy định và bảo đảm cho gia súc và các loại xe
này ra khỏi cầu trước khi tàu đến ít nhất là 10 (mười) phút.
5. Cấm dừng, đỗ xe; cấm quay đầu xe;
cấm vượt nhau trong khu vực cầu chung.
6. Cấm dừng tàu trên cầu trừ trường hợp
có trở ngại, tai nạn hoặc được phép của đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt,
sự thỏa thuận của đơn vị quản lý đường bộ từ cấp Khu quản lý đường bộ trở lên đối
với đường do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, của Sở Giao thông vận tải đối
với quốc lộ ủy thác và đường do địa phương trực tiếp quản lý, hoặc của chủ sở hữu
đối với đường chuyên dùng.
Điều 14. Xử lý
tai nạn và trở ngại trên cầu chung
Khi có tai nạn hoặc trở ngại trên cầu,
người tham gia giao thông trên cầu hoặc có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, trở ngại
phải báo ngay cho nhân viên gác cầu và các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết, giúp đỡ người bị nạn, nhanh chóng đưa
phương tiện gây trở ngại ra khỏi cầu.
Điều 15. Điều
khiển giao thông trên cầu chung
1. Việc tổ chức điều khiển giao thông
trên cầu chung do đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm và
phải tiến hành liên tục suốt ngày đêm.
2. Việc điều khiển giao thông trên cầu
chung do nhân viên gác cầu chung và các lực lượng tăng cường khác cùng phối
hợp thực hiện, trong đó nhân viên gác cầu chung chịu trách nhiệm
chính;
3. Mỗi đầu cầu phải bố trí tối thiểu
một nhân viên gác cầu; trong các trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn giao
thông phải bố trí tối thiểu hai nhân viên; thời gian làm việc của mỗi nhân viên
không quá 12 (mười hai) giờ/01 (một) ngày đêm.
Điều 16. Nhiệm vụ,
quyền hạn của nhân viên gác cầu
1. Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ,
đường sắt tại khu vực cầu chung.
2. Điều khiển giao thông để các
phương tiện và người qua cầu an toàn, nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định.
3. Phối hợp với các cơ quan có liên
quan giải quyết khi có tai nạn, trở ngại, hư hỏng trên cầu ảnh hưởng đến an
toàn giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực cầu chung.
4. Có quyền bắt buộc người tham gia
giao thông phải chấp hành đúng các quy định khi qua cầu chung và ở khu vực cầu
chung; có quyền lập biên bản và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý người
vi phạm theo quy định.
Điều 17. Phương
thức chỉ huy và liên lạc giữa các trạm gác cầu
1. Các đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng
đường sắt căn cứ vào phương tiện thiết bị và tình hình thực tế của từng cầu,
quy định phương thức chỉ huy và liên lạc giữa các trạm gác cầu để điều khiển
giao thông trên cầu.
2. Phương thức chỉ huy và liên lạc phải
đảm bảo các quy định của Thông tư này và đảm bảo nguyên tắc an toàn, thuận tiện
cho các phương tiện qua cầu.
3. Liên lạc giữa các trạm gác cầu phải
đảm bảo các phương tiện trong lòng cầu phía đang lưu hành
ra hết khỏi cầu rồi mở chắn phía đối diện và ngược lại, đảm
bảo chỉ cho các phương tiện giao thông đường bộ đi theo một chiều.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18. Hiệu lực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2013; thay thế Quyết định số 356-QĐ/PC ngày 22 tháng 3 năm
1982 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Điều lệ cầu chung.
Điều 19. Tổ chức
thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh
tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Vụ trưởng - Trưởng ban thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng
cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt
Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt
Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải: Lào Cai, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc
Ninh, Quảng Bình, Đồng Nai; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn, vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ
Giao thông vận tải để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Như khoản 1 Điều 19;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo GTVT, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT (5 bản)
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|