Thông tư 36-GD/TT-1976 hướng dẫn xếp lương cho giáo viên phổ thông, công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 36-GD/TT
Ngày ban hành 29/12/1976
Ngày có hiệu lực 13/01/1977
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Hồ Trúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-GD/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1976

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 36-GD/TT NGÀY 29-12-1976 HƯỚNG DẪN XẾP LƯƠNG CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC MỚI GIẢI PHÓNG ĐƯỢC TUYỂN DỤNG CHÍNH THỨC

Thi hành Quyết định số 87-TTg-B ngày 20-8-1976 và Quyết định số 435-TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Thông tư liên Bộ Giáo dục - Nội vụ số 10/TT-LB ngày 09-9-1976 và Thông tư số 20/TT-LB ngày 08-11-1976 của Bộ Lao động về việc tuyển dụng và trả lương cho công nhân, viên chức mới được giải phóng đang làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp ở miền Nam.

Bộ Giáo dục hướng dẫn xếp lương cho giáo viên phổ thông và công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức đang công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh, thành phố và các cơ sở trường học ở phía Nam trực thuộc Bộ Giáo dục như sau

A- NGUYÊN TẮC XẾP LƯƠNG

1. Sử dụng các bảng lương và vận dụng các quy định về xếp lương hiện hành cho giáo viên và công nhân, viên chức mới giải phóng được tuyển dụng chính thức.

2. Việc xếp lương phải căn cứ vào ngành nghề đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện trên kết quả công tác đạt được qua việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Bảo đảm sự hướng dẫn thống nhất của Bộ, năm vững và thực hiện thống nhất chế độ xếp lương đã quy định; thực hiện đúng đắn trách nhiệm và quyền hạn được phân cấp.

B- ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XẾP LƯƠNG

I- ĐỐI TƯỢNG XẾP LƯƠNG

Giáo viên phổ thông các cấp và công nhân viên chức mới giải phóng đã được tuyển dụng chính thức theo quyết định số 87-TTg-B ngày 20-8-1976 và quyết định số 435/TTg ngày 30-10-1976 của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư hướng dẫn số 10-TT-LB ngày 9-9-1976 của Liên Bộ Giáo dục - Nội vụ và Thông tư số 20/TT-LB ngày 8-11-1976 của Bộ Lao động.

II- TIÊU CHUẨN XẾP LƯƠNG

Việc xếp lương cho giáo viên và công nhân viên chức mới giải phóng được tuyển dụng phải theo những tiêu chuẩn chung:

- Tinh thần thái độ công tác, ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật.

- Ngành nghề đào tạo, khả năng công tác, khả năng giảng dạy và nhiệm vụ được giao.

- Kết quả giảng dạy và công tác từ khi được sử dụng đến nay.

Tiêu chuẩn cụ thể đối với giáo viên từng cấp và công nhân viên chức như sau:

1. Giáo viên cấp III:

a) Được công nhận giáo viên cấp III, những người có đủ điều kiện sau:

- Về nhiệm vụ: Được phân công chính thức dạy ở các lớp cấp III (lớp 10, 11, 12) và có trình độ dạy cấp III. Trường hợp được phân công dạy cả cấp II-III thì số giờ dạy cấp III phải là chủ yếu.

- Về trình độ và văn bằng: Có 1 trong những văn bằng đại học sau:

- Đã tốt nghiệp ngành "giáo sư đệ nhị cấp" tại các trường Đại học sư phạm.

- Có bằng cử nhân giáo khoa (khoa học hay văn khoa) hay 1 văn bằng cử nhân khoa học ứng dụng khác. (Ví dụ: Cử nhân khoa học ứng dụng ban Sinh hoá được tuyển dụng để dạy sinh vật).

- Những người có bằng cử nhân tự do, đã kinh qua giảng dạy nhiều năm ở các lớp cấp III các trường công lập hoặc tư thục, hay được công nhận đủ trình độ dạy cấp III.

b) Tiêu chuẩn xếp bậc:

Những giáo viên được tuyển dụng và công nhận giáo viên cấp III chính thức (đủ điều kiện quy định tại điểm 1a trên) được xét xếp các bậc lương trong bảng lương giáo viên cấp III (bậc khởi điểm: 55đ - 60đ, bậc 1: 65đ, bậc 2: 75đ, bậc 3: 85 đ, bậc 4: 100đ, bậc 5: 115đ).

Bậc lương 55đ: Những người có bằng cử nhân tự do, đủ trình độ dạy cấp III.

Bậc lương 60đ: Những người đã tốt nghiệp "ngành giáo sư đệ nhị cấp" tại các trường đại học sư phạm và những người có bằng cử nhân giáo khoa, cử nhân khoa học ứng dụng.

[...]