Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 36/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 36/2015/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/09/2015
Ngày có hiệu lực 12/11/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2015/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2015

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI TRONG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ CON CỦA HỌ

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Người có công;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.

Điều 1. Đối tượng xác lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

3. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B (sau đây gọi chung là thương binh).

4. Con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

5. Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

6. Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

7. Con của liệt sĩ.

8. Con của thương binh.

9. Con của bệnh binh.

10. Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Điều 2. Đối tượng áp dụng chế độ ưu đãi

1. Chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo được áp dụng đối với học sinh, sinh viên là:

a) Con của người có công với cách mạng quy định tại Điều 1 của Thông tư này (sau đây gọi chung là học sinh) đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (đối với các học viên học theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông), phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là các cơ sở giáo dục phổ thông);

b) Người có công với cách mạng và con của họ quy định tại Điều 1 của Thông tư này (sau đây gọi chung là sinh viên) theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học);

2. Học sinh, sinh viên thuộc nhiều diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo thì chỉ hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất.

3. Sinh viên cùng một lúc học ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.

4. Không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với học sinh, sinh viên quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học;

b) Đã hưởng chế độ ưu đãi tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học;

c) Người có công quy định tại Điều 1 của Thông tư này bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

5. Các chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo theo quy định tại Thông tư này không thay thế chế độ học bổng chính sách, chế độ học bổng khuyến khích học tập và rèn luyện theo quy định hiện hành.

[...]