Thông tư 35/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn công tác Thi đua, Khen thưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 35/2011/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/11/2011
Ngày có hiệu lực 20/01/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Thị Hải Chuyền
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về đối tượng thi đua và khen thưởng; tổ chức thi đua và tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, tuyến trình khen thưởng, hồ sơ, quy trình xét khen thưởng và lễ trao tặng; hội đồng thi đua khen thưởng các cấp; quỹ thi đua, khen thưởng, quản lý, lưu trữ và báo cáo công tác thi đua, khen thưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Đối tượng thi đua và khen thưởng

1. Đối tượng thi đua:

a) Cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác và làm việc tại các đơn vị trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (bao gồm cả công chức, viên chức trong thời gian tập sự, nhân viên có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nhân viên có hợp đồng lao động từ một năm trở lên);

b) Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh Xã hội;

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, Phòng Lao động - Thương binh Xã hội các quận, huyện;

d) Tập thể nhỏ thuộc các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở;

đ) Tập thể, cá nhân ngoài ngành Lao động - Thương binh Xã hội làm công tác Lao động - Thương binh Xã hội.

2. Đối tượng khen thưởng

Các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 2 và tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đều được xem xét khen thưởng nếu có thành tích đóng góp cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đáp ứng tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Mục đích công tác thi đua, khen thưởng

Thi đua, khen thưởng nhằm khuyến khích và tôn vinh các tập thể, cá nhân thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập thành tích xuất sắc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 4. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

Công tác thi đua, khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc chung là có mục tiêu, mục đích cụ thể, hình thức phù hợp, tránh mọi biểu hiện phô trương, hình thức trong công tác thi đua, khen thưởng. Cụ thể là:

1. Nguyên tắc thi đua

a) Tự nguyện, tự giác, công khai;

b) Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Nguyên tắc khen thưởng

a) Bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, dân chủ, công khai trên cơ sở đánh giá đúng kết quả công tác của tập thể và cá nhân;

[...]