Thông tư 34-TC năm 1991 hướng dẫn Nghị định 388-HĐBT 1991 và Chỉ thị 393-CT 1991 về Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước do Hội đồng bộ trưởng ban hành

Số hiệu 34-TC
Ngày ban hành 25/11/1991
Ngày có hiệu lực 28/01/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Trần Đức Lương
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34-TC

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1991

 

THÔNG TƯ

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 34-CT NGÀY 28-1-1992 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 388-HĐBT NGÀY 20 THÁNG 11  NĂM1991 VÀ CHỈ THỊ 393-CT NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 1991.

Để đảm bảo cho Nghị định 388- HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị 393-CT ngày 25 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được thực hiện có kết quả và thống nhất trong cả nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

1. Đối tượng áp dụng Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 388-HĐBT là tất cả các doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương và địa phương trực tiếp quản lý, không có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc vốn góp của các thành phần kinh tế khác ở trong nước.

Các Công ty (xí nghiệp liên doanh) đã thành lập trước đây theo Nghị định 28- HĐBT ngày 22 tháng 3 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng thì áp dụng thủ tục thành lập và giải thể theo Luật Công ty, như đã nói tại Điều 2 Bản quy định của Hội đồng Bộ trưởng cụ thể hoá một số điều trong Luật Công ty ban hành kèm theo Nghị định 222- HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập trước khi ban hành Nghị định 388- HĐBT có vốn góp của các thành phần kinh tế khác ở trong nước thì áp dụng thủ tục thành lập và giải thể theo luật công ty được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Nghị định 222- HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

Các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập trước khi ban hành Nghị định 388- HĐBT có vốn đầu tư của nước ngoài thì áp dụng thủ tục thành lập và giải thể theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987 và Luật bổ xung sửa đổi một số điều trong Luật nói trên được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.

Nghị định 388- HĐBT chỉ quy định về việc thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Việc quản lý các loại hình doanh nghiệp Nhà nước có vốn đầu tư của Nhà nước được quy định tại các văn bản khác.

2. Vốn pháp định của doanh nghiệp Nhà nước nói tại Điều 5 trong bản quy định ban hành kèm theo Nghị định 388- HĐBT là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp Nhà nước, không thấp hơn mức vốn pháp định của các Công ty trách nhiệm hữu hạn cùng ngành nghề được quy định trong Nghị định 222-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

3. Hồ sơ làm lại thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhà nước thành lập trước khi ban hành Nghị định 388-HĐBT mà hiện nay xét có đủ điều kiện để tồn tại và phát triển, được phép vận dụng như sau:

a) Doanh nghiệp phải nộp bản điều lệ (hoặc bản quy chế, nội quy) hiện có và được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp (Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) xác nhận cho phép áp dụng.

b) Thay cho Mục 3, Điều 5 trong bản Quy định ban hành kèm theo Nghị định số 388- HĐBT, doanh nghiệp phải nộp:

- Bản báo cáo về quá trình hình thành, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, sự thay đổi mục tiêu và ngành nghề, lý do sự thay đổi đó và khẳng định lại mục tiêu, ngành nghề.

- Kế hoạch năm 1992 và phương hướng kế hoạch 1993 - 1995 được thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp xác nhận.

c) Thay cho bản khai mức vốn pháp định, doanh nghiệp phải nộp:

- Biên bản giao nhận vốn được tiến hành theo Chỉ thị 138-CT ngày 25 tháng 4 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (đối với những doanh nghiệp đã được giao vốn).

- Bản khai các nguồn vốn bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường theo kế hoạch kinh doanh năm 1992.

Vốn này được coi là vốn điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm làm lại thủ tục thành lập. Trong trường hợp số vốn này của doanh nghiệp thấp hơn mức vốn pháp định của các Công ty trách nhiệm hữu hạn cùng ngành nghề như đã nói tại điểm 2 của Thông tư này hoặc vốn lưu động, trong đó bao gồm vốn lưu động pháp định được cơ quan tài chính xác nhận giải quyết theo Quyết định 378-HĐBT ngày 16 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng, không bảo đảm đủ cho yêu cầu hoạt động thì cần phải xem xét lại trước khi cho thành lập lại doanh nghiệp này.

4. Việc phân công các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước được quy định tại Điều 6 Bản quy chế ban hành kèm theo Nghị định 388- HĐBT là đúng đắn và cần thiết. Sự phân công này bảo đảm cho Nhà nước nắm chắc kinh tế quốc doanh được phát triển có định hướng theo quy hoạch, cho các Bộ kinh tế - kỹ thuật quản lý xuyên suốt toàn ngành được phân công và cho Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy được chức năng quản lý Nhà nước trên lãnh thổ.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn các tiêu chuẩn về giá trị tài sản, doanh số, vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập; đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ căn cứ vào thực tế phân công quản lý ngành hiện hành để lập bản danh mục ngành nghề cụ thể thuộc từng Bộ kinh tế - kỹ thuật, nhằm hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương gửi các hồ sơ xin thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước đến đúng địa chỉ cần thiết và bảo đảm cho các Bộ, ngành kinh tế - kỹ thuật tham gia ý kiến trong việc xem xét cho phép thành lập những doanh nghiệp thuộc ngành mình nhưng do các Bộ, ngành khác đề nghị thành lập.

5. Tiến độ thực hiện việc làm lại thủ tục thành lập và đăng ký lại doanh nghiệp ghi trong Chỉ thị 393-CT ngày 25 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được điều chỉnh lại như sau:

a) Chậm nhất là đến 31 tháng 5 năm 1992: Các Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, sắp xếp, phân loại xong các doanh nghiệp Nhà nước và xác định được các doanh nghiệp có đủ điều kiện tồn tại và phát triển.

Các doanh nghiệp thuộc diện làm lại thủ tục thành lập và đăng ký phải khai báo xong và nộp đầy đủ hồ sơ lên cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp (Bộ hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trước ngày 31 tháng 3 năm 1992.

b) Chậm nhất là đến 30 tháng 6 năm 1992: Các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp Nhà nước (Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải gửi đầy đủ danh sách, hồ sơ các doanh nghiệp Nhà nước cần xin phép thành lập lại thuộc phạm vi phụ trách của mình lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và xem xét việc ra quyết định thành lập.

c) Đến hết quý III năm 1992 phải hoàn thành việc làm lại thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh, làm con dấu mới cho các doanh nghiệp Nhà nước có đủ điều kiện tồn tại và phát triển.

Về việc thành lập và đăng ký lại các Liên hiệp xí nghiệp và Tổng Công ty sẽ có hướng dẫn riêng.

6. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước được giao làm cơ quan đầu mối trong việc triển khai thực hiện Nghị định 388- HĐBT, có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc, kiểm tra các ngành liên quan khẩn trương ban hành xong trước ngày 31 tháng 1 năm 1992 các thông tư hướng dẫn cần thiết; tổng hợp tình hình và hàng tháng báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng thời có kiến nghị giải pháp đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết những vướng mắc vượt thẩm quyền xử lý của các ngành chức năng và các Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.

7. Các Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng của mình phải khẩn trương, chủ động triển khai thực hiện Nghị định 388- HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991, Chỉ thị 393-CT ngày 25 tháng 11 năm 1991 và Thông tư hướng dẫn này bảo đảm đúng nội dung, tiến độ và đạt kết quả thiết thực.

[...]