Thông tư 34/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 34/2021/TT-BGTVT
Ngày ban hành 16/12/2021
Ngày có hiệu lực 15/02/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2021/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm kiểm tra tải trọng xe gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (sau đây gọi là Trạm) là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường, quá trọng tải cho phép tham gia giao thông và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ.

2. Cơ quan quản lý đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ, Cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là Sở Giao thông vận tải).

3. Tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi là Tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ) là Doanh nghiệp dự án PPP hoặc Doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Hoạt động kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ được tiến hành công khai, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ được thực hiện thông qua:

a) Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định có hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới lắp đặt cố định trên đường bộ, thiết bị ghi hình và các thiết bị phụ trợ khác;

b) Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động có hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới không lắp đặt cố định trên đường bộ và các thiết bị phụ trợ khác;

c) Thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới lắp đặt cố định trên đường bộ; vị trí lắp đặt độc lập hoặc kết hợp với Trạm thu phí;

d) Thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới (cân xách tay) của lực lượng chức năng có thẩm quyền;

đ) Hệ thống giám sát, quản lý tập trung dữ liệu tải trọng xe của ngành Giao thông vận tải trên các hệ thống đường bộ cả nước do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành, khai thác (sau đây gọi là Hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam);

e) Các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Yêu cầu của Trạm kiểm tra tải trọng xe khi đưa vào hoạt động

1. Đáp ứng Quy chuẩn Trạm kiểm tra tải trọng xe.

2. Có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đo lường.

3. Dữ liệu kết quả của Trạm (trừ dữ liệu kết quả của cân xách tay) phải được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Điều 5. Hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định do cơ quan quản lý đường bộ quản lý, vận hành

[...]