Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 34/2009/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 10/06/2009
Ngày có hiệu lực 25/07/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 34/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN LOẠI RỪNG

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí xác định và phân loại rừng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chí xác định rừng và hệ thống phân loại rừng phục vụ cho công tác điều tra, kiểm kê, thống kê rừng, quy họach bảo vệ và phát triển rừng, quản lý tài nguyên rừng và xây dựng các chương trình, dự án lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định tại thông tư này.

2. Áp dụng cho toàn bộ diện tích rừng, bao gồm cả rừng tập trung và cây rừng trồng phân tán trên phạm vi toàn quốc.

Chương II

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN LOẠI RỪNG

Điều 3. Tiêu chí xác định rừng

Một đối tượng được xác định là rừng nếu đạt được cả 3 tiêu chí sau:

1. Là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ 5,0 mét trở lên (trừ rừng mới trồng và một số loài cây rừng ngập mặn ven biển), tre nứa,…có khả năng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị trực tiếp và gián tiếp khác như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Rừng mới trồng các loài cây thân gỗ và rừng mới tái sinh sau khai thác rừng trồng có chiều cao trung bình trên 1,5 m đối với loài cây sinh trưởng chậm, trên 3,0 m đối với loài cây sinh trưởng nhanh và mật độ từ 1.000 cây/ha trở lên được coi là rừng.

Các hệ sinh thái nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có rải rác một số cây lâu năm là cây thân gỗ, tre nứa, cau dừa,… không được coi là rừng.

2. Độ tàn che của tán cây là thành phần chính của rừng phải từ 0,1 trở lên.

3. Diện tích liền khoảnh tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 mét và có từ 3 hàng cây trở lên.

Cây rừng trên các diện tích tập trung dưới 0,5 ha hoặc dải rừng hẹp dưới 20 mét được gọi là cây phân tán.

Điều 4. Phân loại rừng theo mục đích sử dụng

1. Rừng phòng hộ: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường.

2. Rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường.

3. Rừng sản xuất: là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường.

Điều 5. Phân loại rừng theo nguồn gốc hình thành

1. Rừng tự nhiên: là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên.

a) Rừng nguyên sinh: là rừng chưa hoặc ít bị tác động bởi con người, thiên tai; Cấu trúc của rừng còn tương đối ổn định.

[...]