Thông tư 25-NV năm 1961 bổ sung và sửa đổi chế độ tập sự và đãi ngộ đối với sinh viên các trường Đại học, học sinh các trường chuyên nghiệp tốt nghiệp ra công tác do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 25-NV
Ngày ban hành 03/05/1961
Ngày có hiệu lực 18/05/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ NỘI VỤ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-NV

Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

BỔ SUNG VÀ SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ TẬP SỰ VÀ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, HỌC SINH CÁC TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP TỐT NGHIỆP RA CÔNG TÁC

 Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
- Tổng cục trực thuộc Hội đồng Chính phủ,
 - Các cơ quan trực thuộc Phủ Thủ tướng,
 - Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh,

Thông tư số 143-TTg ngày 09-04-1959 của Phủ Thủ tướng quy định chế độ tập sự đối với sinh viên, học sinh các trường Đại học, các trường Chuyên nghiệp khi tốt nghiệp ra công tác, qua thời gian thực hiện thấy còn một số điểm chưa được hợp lý, cần giải quyết để việc thi hành được thống nhất.

Sau khi được Phủ Thủ tướng đồng ý, Bộ Nội vụ ra thông tư này để bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể sau đây:

I. ĐỐI VỚI SINH VIÊN, HỌC SINH THƯỜNG

1. Thời gian tập sự:

Thời gian tập sự nói chung vẫn thi hành theo mục II, Thông tư số 143-TTg ngày 09-04-1959; riêng một số trường hợp sau đây thì được các cơ quan có trường phối hợp với các cơ quan sử dụng xét cụ thể để miễn, giảm:

- Sinh viên, học sinh học ở trong nước, khi chưa tốt nghiệp đã đi công tác một thời gian, rồi lại trở về trường học và thi tốt nghiệp, hoặc không về trường, nhưng được công nhận tốt nghiệp.

- Sinh viên, học sinh trong thời gian tập sự có nhiều thành tích được bầu là chiến sĩ thi đua.

2. Chế độ lương, bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể:

- Lương: Sinh viên, học sinh thường sau khi tốt nghiệp thì được tạm tuyển các cơ quan, xí nghiệp v.v… và hưởng 85% mức lương bậc khởi điểm của chức vụ đào tạo, kể từ ngày nhận công tác; hết thời gian tập sự thì được xét tuyển dụng chính thức, xếp bậc lương khởi điểm của chức vụ đào tạo và hưởng từ ngày có quyết định tuyển dụng chính thức.

- Bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể:

Trong thời gian tập sự, sinh viên, học sinh được tạm tuyển thì hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể như nhân viên ngoài biên chế; hết thời gian tập sự nếu được tuyển dụng chính thức thì được hưởng như cán bộ, nhân viên trong biên chế.

II. ĐỐI VỚI SINH VIÊN, HỌC SINH LÀ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC TRONG BIÊN CHẾ VÀ QUÂN NHÂN CHUYỂN NGÀNH ĐỦ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC GIỚI THIỆU ĐI HỌC

- Đối với loại sinh viên, học sinh này sau khi tốt nghiệp thì được xếp theo bảng lương của chức vụ được đào tạo và xếp từ bậc khởi điểm của chức vụ ấy trở lên, căn cứ vào trách nhiệm cụ thể được giao; nếu có trường hợp được bổ nhiệm giữ chức vụ điều khiển thì xếp theo bảng lương của cán bộ giữ chức vụ điều khiển.

- Nếu có trường hợp chưa rõ trình độ, khả năng để quyết định bậc lương chính thức khi bố trí công tác, thì cơ quan sử dụng tạm xếp vào bậc lương khởi điểm của chức vụ đào tạo, sau tối đa 6 tháng sẽ xét xếp chính thức và hưởng bậc lương chính thức từ tháng có quyết định.

- Khi xếp bậc lương chính thức nào thì hưởng theo bậc lương ấy.

Ngoài ra, những sinh viên, học sinh là cán bộ miền Nam trong biên chế tình nguyện đi sản xuất tập đoàn được giới thiệu đi học thì khi tốt nghiệp cũng được miễn tập sự và xếp vào mức lương khởi điểm của chức vụ được đào tạo; còn các quyền lợi khác thì hưởng như cán bộ, viên chức trong biên chế.

III. ĐỐI VỚI SINH VIÊN, HỌC SINH LÀ CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC ĐƯỢC GIỚI THIỆU ĐI HỌC, NHƯNG THIẾU TIÊU CHUẨN ĐỂ HƯỞNG SINH HOẠT PHÍ  (Trừ số tự ý xin thôi việc để đi học)

Loại này gồm có những cán bộ, công nhân, viên chức sau đây:

- Cán bộ, công nhân, viên chức, thanh niên xung phong đã ở trong biên chế, được cơ quan giới thiệu đi học, nhưng chưa đủ thâm niên;

- Cán bộ xã (bao gồm cán bộ xã miền Nam tập kết); Đảng ủy viên (hay Chi ủy viên xã), Ủy viên Ủy ban hành chính, trưởng phó các ngành, Thường vụ các đoàn thể.

- Thương binh và quân nhân phục viên về xã, cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế thôi việc có lý do chính đáng và khi về xã có tham gia công tác;

- Giáo viên dân lập được giới thiệu đi học trước ngày 04-08-1960 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 168-TTg quy định chế độ đối với giáo viên dân lập);

- Nhân viên phù động, tạm tuyển đã liên tục công tác từ 1 năm trở lên.

Những đối tượng kể trên khi tốt nghiệp ở các trường Đại học, trung cấp ra công tác, nói chung, được giảm một nửa thời gian tập sự quy định cho mỗi cấp đào tạo:

- Trung cấp: giảm 9 tháng.

[...]