BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 31/2022/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 11 năm 2022
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 57/2014/TT-BCT NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM
2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP, TRÌNH TỰ XÂY DỰNG VÀ
BAN HÀNH KHUNG GIÁ PHÁT ĐIỆN VÀ THÔNG TƯ SỐ 57/2020/TT-BCT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM
2020 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ PHÁT ĐIỆN,
HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN
Căn cứ Nghị định
số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện
lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
ngày 11 tháng 01 năm 2022;
Căn cứ Nghị định
số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Điện lực;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện
lực;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm
2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện,
hợp đồng mua bán điện.
Điều 1. Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung
giá phát điện
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều
2 như sau:
“2. Nhà máy điện chuẩn là nhà máy nhiệt
điện có quy mô công suất phổ biến được xác định trong Quy hoạch phát triển điện
lực quốc gia đại diện cho một loại nhà máy nhiệt điện có cùng công nghệ phát điện,
loại nhiên liệu sử dụng và được sử dụng để tính toán khung giá phát điện cho loại
nhà máy điện đó.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều
2 như sau:
“4. Tổng mức đầu tư là toàn bộ chi phí
đầu tư xây dựng của dự án được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành, phù
hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu
tư xây dựng.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều
3 như sau:
“2. Đối với nhà máy nhiệt điện: giá trần là
giá phát điện của Nhà máy điện chuẩn, phương pháp xác định giá phát điện của
Nhà máy điện chuẩn quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8
Thông tư này.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều
6 như sau:
“3. Suất đầu tư là chi phí đầu tư cho 01 kW
công suất tính bình quân của Nhà máy điện chuẩn (không bao gồm chi phí cảng và
cơ sở hạ tầng, các chi phí liên quan đến lưu trữ, tái hóa và vận chuyển LNG từ
kho cảng đến nhà máy điện) được tính toán trên cơ sở số liệu tại Báo cáo nghiên
cứu khả thi đầu tư xây dựng được duyệt, Tổng mức đầu tư có hiệu lực tại thời điểm
tính toán khung giá phát điện hoặc số liệu thực tế đàm phán hợp đồng mua bán điện
(nếu có), cập nhật tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản
4 Điều 6 như sau:
“a) Lãi suất vốn vay rd (%) được
tính bằng lãi suất bình quân gia quyền các nguồn vốn vay nội tệ và ngoại tệ
theo công thức sau:
rd = DF
x rd.R + DD x rd.D
Trong đó:
DF: Tỷ lệ vốn vay ngoại tệ trong tổng
vốn vay được quy định tại Phụ lục I Thông tư này (%);
DD: Tỷ lệ vốn vay nội tệ trong tổng
vốn vay được quy định tại Phụ lục I Thông tư này (%);
rd.R: Lãi suất vốn vay ngoại tệ được
xác định trên cơ sở lãi suất vốn vay ngoại tệ các dự án nhà máy điện đã thực hiện
đàm phán giá điện của 5 năm trước liền kề thời điểm tính toán khung giá phát điện
(%/năm);
rd.D: Lãi suất vốn vay nội tệ được
xác định trên cơ sở lãi suất vốn vay nội tệ các dự án nhà máy điện đã thực hiện
đàm phán giá điện của 5 năm trước liền kề thời điểm tính toán khung giá phát điện
(%/năm).”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều
6 như sau:
“Điện năng bình quân năm tại điểm giao nhận Abq
(kWh) của Nhà máy điện chuẩn được xác định theo công thức sau:
Abq = Pt
x Tmax x (1 - kCS)
Trong đó:
Pt: Tổng công suất tinh của Nhà
máy điện chuẩn (kW);
Tmax: Số giờ vận hành công suất cực
đại (giờ);
kCS: Tỷ lệ suy giảm công suất được
tính bình quân cho toàn bộ đời sống kinh tế của nhà máy điện trên cơ sở các tài
liệu kỹ thuật của nhà chế tạo thiết bị trường hợp không xác định được cho phép
sử dụng số liệu trung bình của các nhà máy có loại hình công nghệ và công suất
lắp đặt tương tự (%).”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 8
như sau:
“Điều 8. Phương pháp xác định giá biến đổi của
Nhà máy điện chuẩn cho năm áp dụng khung giá
Giá biến đổi của Nhà máy điện chuẩn cho năm
áp dụng khung giá (VC) là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu, các chi phí
biến đổi khác của Nhà máy điện chuẩn với số giờ vận hành công suất cực đại, được
xác định theo công thức sau:
VC = HR x Pnlc
x (1 + f)
Trong đó:
VC: Giá biến đổi của Nhà máy điện chuẩn (đồng/kWh);
HR: Suất tiêu hao nhiệt tinh được tính toán ở
mức tải quy định tại Phụ lục I Thông tư này, được tính bằng kcal/kWh, kJ/kWh hoặc
BTU/kWh;
f: Tỷ lệ phần trăm tổng các chi phí khởi động,
chi phí nhiên liệu - vật liệu phụ và các chi phí biến đổi khác cho phát điện so
với chi phí nhiên liệu chính và được quy định tại Phụ lục I Thông tư này (%);
Pnlc: Giá nhiên liệu chính của Nhà
máy điện chuẩn (chưa bao gồm thuế VAT) được tính bằng đồng/kcal, đồng/kJ hoặc đồng/BTU
được xác định như sau:
- Đối với nhà máy nhiệt điện than, giá than
đã bao gồm hao hụt, phí điều hành, phí quản lý, bảo hiểm (nếu có) và không bao
gồm cước vận chuyển. Trường hợp không xác định được cước vận chuyển theo hợp đồng
cung cấp nhiên liệu thì giá nhiên liệu chính được xác định bằng giá nhiên liệu
trong hợp đồng mua bán nhiên liệu chính;
- Đối với nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp
sử dụng khí tự nhiên, giá nhiên liệu chính là giá khí tại miệng giếng không
tính đến chi phí vận chuyển về đến nhà máy;
- Đối với nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp
sử dụng LNG, giá nhiên liệu chính bao gồm giá LNG nhập khẩu, thuế nhập khẩu LNG
(nếu có), chi phí vận chuyển LNG về đến kho cảng tái hóa và không bao gồm chi
phí tồn trữ, tái hóa, phân phối khí sau tái hóa (nếu có).
Trường hợp nhà máy điện chưa có hợp đồng cung
cấp nhiên liệu cho phép sử dụng số liệu tại các văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu
tư và các đơn vị cung cấp nhiên liệu hoặc số liệu do các tổ chức tư vấn tính
toán.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10
như sau:
“Điều 10. Trình tự xây dựng và ban hành khung
giá phát điện
1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi
Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của nhà máy điện được duyệt. Chủ đầu
tư các nhà máy điện này có trách nhiệm cung cấp Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu
tư xây dựng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
2. Trước ngày 01 tháng 11 hàng năm, Tập đoàn
Điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
a) Trên cơ sở các số liệu tại Báo cáo nghiên
cứu khả thi đầu tư xây dựng được duyệt, Tổng mức đầu tư có hiệu lực tại thời điểm
tính toán khung giá phát điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận được trước ngày
15 tháng 10 hàng năm hoặc số liệu thực tế đàm phán hợp đồng mua bán điện (nếu
có). Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán hoặc có thể thuê tư vấn tính toán giá
phát điện các nhà máy nhiệt điện căn cứ theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều
7 và Điều 8 Thông tư này;
b) Đề xuất lựa chọn Nhà máy điện chuẩn, lựa
chọn các thông số được sử dụng tính toán giá phát điện cho Nhà máy điện chuẩn
quy định tại Phụ lục I Thông tư này phù hợp với thực tế thực hiện các hợp đồng
mua bán điện và lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện theo quy định
tại Điều 11 Thông tư này, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định:
c) Tính toán giá trần của nhà máy thủy điện
theo phương pháp quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày
nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện nêu tại điểm b khoản 2 Điều này,
Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.
Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực
Việt Nam sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ. Chậm
nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi. Tập đoàn Điện lực
Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ
theo yêu cầu.
4. Chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được hồ sơ hợp lệ và báo cáo giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Tập
đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lựa chọn nhà máy
điện chuẩn và tổ chức thẩm định khung giá phát điện do Tập đoàn Điện lực Việt
Nam trình.
5. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ
chức thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn
thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho
năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực.
Trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, cho phép tạm
thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực gần nhất.”
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều
11 như sau:
“1. Tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về
lựa chọn thông số của Nhà máy điện chuẩn và tính toán về khung giá phát điện
các nhà máy điện quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 10
Thông tư này.”
10. Sửa đổi, bổ sung suất tiêu hao nhiên liệu
tinh và giá nhiên liệu chính tại Phụ lục 2 như sau:
1
|
Suất tiêu hao nhiệt tinh
|
HR
|
kcal/kWh hoặc kJ/kWh hoặc BTU/kWh
|
2
|
Giá nhiên liệu chính
|
Pnlc
|
đồng/kcal hoặc đồng/kJ hoặc đồng/BTU
|
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Thông tư số 57/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng
Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện
1. Sửa đổi, bổ sung khoản
4 Điều 3 như sau:
“4. Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung
giá phát điện Năm cơ sở
a) Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong
khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban
hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung
giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng
với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.
Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy nhiệt điện
không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện
được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với
khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó:
b) Đối với các dự án đã khởi công nhưng chưa
ký kết hợp đồng mua bán điện trước thời điểm thông tư này có hiệu lực:
Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong
khung giá phát điện năm đàm phán hợp đồng mua bán điện, trong đó giá hợp đồng
mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung giá phát điện được tính
toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí
tính toán khung giá phát điện.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản
3 Điều 7 như sau:
“3. Thành phần giá biến đổi điều chỉnh theo
biến động khác của nhà máy điện Năm cơ sở VCkb được xác định
theo công thức sau:
VCkb
=
|
Cvlp + Ckđ
+ Ck
|
(đồng/kWh)
|
AGN
|
Trong đó:
Cvlp: Tổng chi phí vật liệu phụ
hàng năm của nhà máy điện được xác định theo khối lượng và đơn giá các loại vật
liệu phụ sử dụng cho phát điện Năm cơ sở (đồng). Trường hợp không có số liệu
tính toán tổng chi phí vật liệu phụ hàng năm tại Năm cơ sở, cho phép sử dụng
các thành phần chi phí này tại các thời điểm có đủ số liệu và trượt về Năm cơ sở
theo tỷ lệ 2,5%/năm để tính tổng chi phí vật liệu phụ năm cơ sở;
Ckđ: Tổng chi phí khởi động bao gồm
chi phí nhiên liệu, chi phí khác cho khởi động (đồng); số lần khởi động cho
phép do Hai bên thỏa thuận trên cơ sở nhu cầu hệ thống điện và đặc tính vận
hành của nhà máy điện. Trường hợp không có số liệu tính toán tổng chi phí khởi
động tại Năm cơ sở, cho phép tính toán giá trị tổng chi phí này tại thời điểm đàm
phán và trượt về Năm cơ sở theo tỷ lệ 2,5%/năm;
Ck: Chi phí sửa chữa bảo dưỡng thường
xuyên hàng năm bao gồm chi phí sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên được tính trên
cơ sở tổng vốn đầu tư xây dựng và thiết bị của nhà máy điện, tỷ lệ chi phí sửa
chữa thường xuyên do Hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá quy định tại Phụ lục
I Thông tư này và chi phí nạo vét luồng vào cảng do Hai bên thỏa thuận (nếu có)
(đồng). Trường hợp không có số liệu tính toán chi phí nạo vét luồng vào cảng tại
Năm cơ sở, cho phép tính toán giá trị tổng chi phí này tại thời điểm đàm phán
và trượt về Năm cơ sở theo tỷ lệ 2,5%/năm;
AGN: Điện năng phát bình quân nhiều
năm tại điểm giao nhận điện giữa Bên mua và Bên bán và được tính toán theo quy
định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này (kWh).
3. Bổ sung khoản 5 Điều 12 như sau:
“5. Năm cơ sở của các nhà máy đàm phán giá điện
theo Vốn đầu tư quyết toán là năm phê duyệt Vốn đầu tư quyết toán.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản
2 Điều 13 như sau:
“2. Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và
khả năng tài chính của dự án, hai bên thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà
máy điện thành giá cố định từng năm (FCj: Giá cố định năm j) với điều
kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được hai
bên thỏa thuận và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
a) Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán
giá cố định từng năm do hai bên thỏa thuận bằng tỷ suất sinh lợi nội tại về tài
chính (IRR) của nhà máy điện;
b) Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các
khoản vay cho đầu tư xây dựng mày máy điện theo thời hạn hoàn trả vốn vay.”
5. Sửa đổi, bổ sung điểm
c khoản 3 Điều 15 như sau:
“c) Thành phần giá biến đổi điều chỉnh theo
biến động khác của nhà máy điện năm j VCkj được xác định
theo công thức sau:
VCkj
= VCkb x (1 + (l - 1) x kHS) x (1 + i)m-1
Trong đó:
VCkb: Thành phần giá biến
đổi điều chỉnh theo biến động khác của nhà máy điện Năm cơ sở được xác định tại
khoản 3 Điều 7 Thông tư này;
i: Tỷ lệ trượt giá thành phần giá biến đổi điều
chỉnh theo biến động khác theo tỷ lệ quy định tại Phụ lục I Thông tư này.
kHS: Tỷ lệ suy giảm hiệu suất năm
j (%);
l: Thứ tự năm vận hành thương mại của nhà máy
(tính từ ngày vận hành thương mại của Nhà máy điện. Năm vận hành thương mại đầu
tiên của Nhà máy điện được tính từ Ngày vận hành thương mại của tổ máy đầu tiên
đến hết Năm vận hành thương mại đầu tiên của nhà máy điện, l=1);
m: Số thứ tự năm thanh toán tính từ Năm cơ sở
(đối với Năm cơ sở m=1).”
6. Bổ sung khoản 6 tại Điều 28 như sau:
“6. Đối với nhà máy điện đã ký kết Hợp đồng
mua bán điện, trường hợp cần thiết Hai bên đàm phán sửa đổi công thức thành phần
giá biến đổi điều chỉnh theo biến động khác của nhà máy điện được quy định tại
điểm c khoản 3 Điều 15 Thông tư này.”
7. Sửa đổi, bổ sung
điểm c khoản 1.3 mục I Phụ lục V của Hợp đồng mua bán điện mẫu ban hành kèm
theo Thông tư như sau:
“c) Thành phần giá biến đổi điều chỉnh theo
biến động khác:
Thành phần giá biến đổi điều chỉnh theo biến
động khác của nhà máy điện năm j VCkj (đồng/kWh) được xác
định theo công thức sau:
VCkj
= VCkb x (1 + (l - 1) x kHS) x (1 + i)m-1
Trong đó:
VCkb: Thành phần giá biến
đổi điều chỉnh theo biến động khác của nhà máy điện Năm cơ sở là … (đồng/kWh);
kHS: Tỷ lệ suy giảm hiệu suất năm
j (%);
l: Thứ tự năm vận hành thương mại của nhà máy
(tính từ ngày vận hành thương mại của Nhà máy điện. Năm vận hành thương mại đầu
tiên của Nhà máy điện được tính từ Ngày vận hành thương mại của tổ máy đầu tiên
đến hết Năm vận hành thương mại đầu tiên của nhà máy điện, l=1);
m: Số thứ tự năm thanh toán tính từ Năm cơ sở
(đối với Năm cơ sở m=1);
i: Tỷ lệ trượt thành phần giá biến đổi điều
chỉnh theo biến động khác theo quy định tại Thông tư này.”
Điều 3. Hiệu lực thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28 tháng
12 năm 2022.
2. Bãi bỏ Điều 4 Thông tư số
57/2014/TT-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện.
3. Bãi bỏ Điều 27 Thông tư số
57/2020/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc,
vấn đề mới phát sinh, yêu cầu các đơn vị có liên quan phản ánh về Cục Điều tiết
điện lực để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Công Thương giải
quyết./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Tổng bí thư;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
- Tòa án Nhân dân Tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Các Tổng công ty Điện lực;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC, ĐTĐL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đặng Hoàng An
|