Thông tư 31/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chuyển đổi từ các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ công lập theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành

Số hiệu 31/2008/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 22/12/2008
Ngày có hiệu lực 16/01/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 31/2008/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI TỪ CÁC TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CÔNG LẬP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 80/2007/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ.

Thi hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp được chuyển đổi từ các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ công lập như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ lao động, tiền lương đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chuyển đổi từ các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ công lập (gọi tắt là tổ chức khoa học và công nghệ) theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

b) Công ty cổ phần.

Các công ty quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1 nêu trên được gọi tắt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Những người chuyển sang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động tại doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

b) Những người giữ các chức danh thành viên chuyên trách, thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị; thành viên Ban kiểm soát; thành viên chuyên trách, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên; Kiểm soát viên chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng trong doanh nghiệp khoa học và công nghệ (gọi tắt là viên chức quản lý).

c) Những người làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

II. HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

1. Những người làm việc tại các tổ chức khoa học và công nghệ khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP thì thực hiện việc ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điểm của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên như sau:

- Đối với những người đã ký hợp đồng làm việc (hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn) theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì tiếp tục ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên.

- Đối với những người chưa được ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP thì phải ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên.

- Đối với những người đã ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP khi chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp khoa học và công nghệ có sự thay đổi về công việc, chức vụ đảm nhận thì ký lại hợp đồng lao động nhưng việc ký hợp đồng lao động phải theo đúng quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên.

2. Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập mới theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thì thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên.

III. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG

1. Xếp lương:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần tự xây dựng, quyết định thang lương, bảng lương theo quy định của Nhà nước thì căn cứ vào các mức lương theo thang lương, bảng lương và chức danh nghề, công việc đảm nhiệm, công ty thực hiện xếp lương cho người lao động.

b) Trường hợp, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần vận dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ thì việc chuyển, xếp lương đối với những người chuyển sang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và những người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý được quy định như sau:

b.1. Nguyên tắc chuyển, xếp lương:

- Đối với những người đang xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ (gọi tắt là lương cũ) thì phải chuyển, xếp lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ (gọi tắt là lương mới);

- Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải theo công việc được giao, chức vụ đảm nhận. Hệ số lương mới được chuyển xếp bảo đảm bằng hoặc cao hơn gần nhất so với hệ số lương hiện hưởng. Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương cũ (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cũ cho đến khi được chuyển sang làm công việc khác, ngạch lương khác;

- Trong quá trình thực hiện chuyển, xếp lương mới, công ty không được kết hợp nâng ngạch viên chức, không được kết hợp nâng bậc lương, không được xếp lương và phụ cấp lương vào hạng cao hơn hạng của công ty được xếp;

- Phương án chuyển xếp lương và phụ cấp lương mới phải được cấp có thẩm quyền quyết định trước khi thực hiện.

[...]