Thông tư 3-TS/TT-1982 thực hiện Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản do Bộ Thủy sản ban hành

Số hiệu 3-TS/TT
Ngày ban hành 29/06/1982
Ngày có hiệu lực 14/07/1982
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Tấn Trịnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài nguyên - Môi trường

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-TS/TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1982

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 3-TS/TT NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ THỦY SẢN

Ngày 17 tháng 3 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 51-HĐBT về việc ban hành Điều lệ hợp tác xã thủy sản. Bộ Thủy sản ra Thông tư hướng dẫn thực hiện như sau:

Phần 1:

MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VÀ ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

a) Mục đích, ý nghĩa:

Hiện nay ở miền Bắc (và một số nơi ở miền Trung) quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa nghề thủy sản đã được thiết lập nhưng cần phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện. Ở miền Nam đang tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất nghề thủy sản.

Điều lệ hợp tác thủy sản được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng và đáp ứng yêu cầu cấp thiết, đồng thời là cơ sở pháp chế về tổ chức và kinh tế để các cấp ủy, chính quyền và ngành thủy sản tiến hành cải tạo, xây dựng quan hệ sản xuất, củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất, tổ chức lại và phát triển sản xuất thủy sản, đưa ngành khai thác thủy sản từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Đối với những hợp tác xã thuỷ sản đã xây dựng từ lâu, nay căn cứ vào bản điều lệ này để kiểm tra, đối chiếu lại tổ chức và hoạt động của mình, chổ nào đúng thì tiếp tục giữ vững và phát huy, chỗ nào chưa đúng thì phải kịp thời sửa chữa, phấn đấu đưa hợp tác xã đi vào nền nếp theo đúng quy định của bản điều lệ này.

Đối với những hợp tác xã thủy sản mới thành lập thì phải căn cứ vào những quy định trong điều lệ này để áp dụng bảo đảm cho tổ chức của hợp tác xã đúng với những nguyên tắc và những quy định điều lệ đã quy định.

b) Đối tượng thi hành:

Điều lệ này áp dụng cho tất cả các hợp tác xã, các tổ chức sản xuất thủy sản bậc cao (thực chất là hợp tác xã quy mô nhỏ) trên biển, trên sông. Đối với các tổ hợp tác sản xuất bậc thấp (còn gọi là tập đoàn sản xuất) chủ yếu thực hiện theo bản quy ước tạm thời do Bộ Thủy sản đã ban hành, đồng thời có thể vận dụng một số điều ở các chương I, II, III, V, VIII ở bản điều lệ này.

Các hợp tác xã chuyên nuôi thủy sản cũng áp dụng theo bản điều lệ này và sẽ có Thông tư hướng dẫn bổ sung thêm.

Các tổ, đội làm nghề cá trong các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp. làm muối... áp dụng theo điều lệ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, muối, đồng thời áp dụng những điểm thích hợp trong điều lệ hợp tác xã thủy sản.

Các hợp tác xã chủ yếu làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản từ nay thốg nhất gọi là hợp tác xã thủy sản, việc lấy tên các vị lãnh tụ, các anh hùng liệt sĩ để đặt tên cho hợp tác xã, phải được ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện đồng ý.

Phần 2:

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ TRONG ĐIỀU LỆ

Toàn văn bản điều lệ gồm IX chương, 33 điều, nội dung từng điều phần lớn đã nói rõ. Trong thông tư này Bộ hướng dẫn giải thích thêm một số điểm cụ thể nhằm giúp các địa phương và cơ sở nắm vững và thực hiện đúng theo tinh thần và nội dung của bản điều lệ.

1. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã (điều 2) là những nguyên tắc chỉ đạo cần phải vận dụng một các tích cực, triệt để, không những trong khi thành lập hợp tác xã mà cả trong quá trình xây dựng và củng cố hợp tác xã.

Người xin vào hợp tác xã phải tự nguyện làm đơn, tự nguyện đóng cổ phần, góp thuyền, lưới, công cụ (nếu có), tự giác thực hiện điều lệ, nội quy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ của người xã viên.

Về lãnh đạo, phải làm cho mọi người thấy rõ được lợi ích trước mắt và lâu dài của hợp tác xã để họ tự nguyện tự giác tham gia xây dựng và củng cố hợp tác xã. Không dùng mệnh lệnh hành chính, hoặc gây khó khăn để ép buộc họ vào hợp tác xã.

Trong quá trình hoạt động nếu có xã viên nào làm đơn xin ra hợp tác xã, thì ban quản lý phải xem xét một cách nghiêm túc và sau khi đã trao đổi lý do xin ra để họ suy nghĩ, song họ vẫn cố tình xin ra thì trong vòng một tháng phải làm thủ tục cho họ ra hợp tác xã, nhưng sau đó họ lại tự nguyện xin trở lại hợp tác xã thì vẫn kết nạp lại nếu có đủ điều kiện.

Hợp tác xã phải luôn luôn chăm lo lợi ích kinh tế , cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho xã viên, nhưng đồng thời phải chăm lo tích lũy vốn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã để mở rộng phát triển sản xuất. Phải làm tròn nghĩa vụ nộp thuế, trả nợ, bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều. Mặt khác phải bảo đảm quyền lợi thích đáng cho người có vốn liếng, công cụ đưa vào hợp tác xã để phát triển sản xuất. Đề cao ý thức tự lực, tự cường, bỏ lối quản lý hành chính, bao cấp, trông chở ý lại vào Nhà nước.

Hợp tác xã phải tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ tập thể của xã viên, tạo điều kiện cho mọi xã viên đều được tham gia bạn bạc quyết định về phương hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu nghề nghiệp chỉ tiêu và biện pháp thực hiện kế hoạch của Nhà nước, chỉ tiêu giao khoán của hợp tác xã, phương án ăn chia phân phối, thu chi tài chính của hợp tác xã và của tổ sản xuất.

Mọi hành động vi phạm quyền làm chủ tập thể của xã viên đều là vi phạm điều lệ, cần phải xử lý thích đáng.

Hợp tác xã là một đơn vị kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã phải căn cứ vào quy hoạch và phương hướng kế hoạch của Nhà nước, đồng thời phải có hạch toán kinh tế bảo đảm kinh doanh có lãi. Mỗi hợp tác xã không được rời quy hoạch và phương hướng kế hoạch Nhà nước làm thiệt hại đến lợi ích chung và vi phạm đến pháp luật của Nhà nước.

Về quyền hạn của hợp tác xã (Điều 4):

Mỗi hợp tác xã sau khi được ủy ban nhân dân huyện quyết định công nhận đều có đầy đủ tư cách pháp nhân, được Nhà nước bảo hộ theo pháp luật, được pháp luật thừa nhận quyền sở hữu tài sản, hợp tác xã có quyền tự chủ về sản xuất, kinh doanh, về tài chính trong khuôn khổ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước. Căn cứ vào quy hoạch và phương hướng trung của ngành, của địa phương, mỗi hợp tác xã đều có quyền tự quyết định lựa chọn phương hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu nghề nghiệp, trang bị kỹ thuật, sao cho phù hợp để có hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan quản lý cấp trên không ép buộc hợp tác xã, nếu có sự ép buộc thì mọi hậu quả về thua lỗ của hợp tác xã, người quyết định phải chịu đền bù 1 phần, hoặc toàn bộ tuỳ theo tình hình cụ thể của hợp tác xã.

[...]