Nghị định 51-HĐBT năm 1982 về Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 51-HĐBT
Ngày ban hành 17/03/1982
Ngày có hiệu lực 17/03/1982
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 1982

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 51-HĐBT NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 1982 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 - 7 - 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1- Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản.

Điều 2 - Điều lệ này áp dụng cho các hợp tác xã thuỷ sản trong cả nước (các tổ hợp tác sản xuất thuỷ sản có thể vận dụng).

Điều 3 - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Các văn bản trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 4 - Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện bản điều lệ này.

Điều 5 - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)


ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 51-HĐBT ngày 17-3-1982 của Hội đồng Bộ trưởng)

LỜI NÓI ĐẦU

Nước ta có bờ biển dài 3260 kilômét, có vùng kinh tế đặc quyền rộng trên 1 triệu km2, và trên 2,5 triệu hécta hồ, ao, sông, suối ... có nhiều loại thuỷ sản, đặc sản, tài nguyên quý. Có trên 20 vạn lao động trực tiếp sản xuất nghề đánh cá biển và hàng triệu người sống bằng những nghề khai thác, chế biến thuỷ sản.

Ở miền Bắc hơn 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với nhiệt tình cách mạng của quần chúng ngư dân, công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất trong ngành thuỷ sản đã giành được thắng lợi lớn, quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa đã được xác lập và ngày càng được củng cố. Các hợp tác xã thuỷ sản ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất chính trên mặt biển. Ở miền Nam, sau ngày được hoàn toàn giải phóng, phong trào hợp tác hoá đang phát triển . Nghề cá trong cả nước đã góp phần lớn sản phẩm để giải quyết nhu cầu thực phẩm cho nhân dân và nguyên liệu cho xuất khẩu. Đời sống xã viên nghề cá được cải thiện, bộ mặt văn hoá, xã hội ở miền biển đã có những thay đổi tiến bộ. Qua thực tiễn sản xuất và đời sống xã viên, hợp tác xã thuỷ sản ngày càng tỏ rõ tính hơn hẳn so với lối làm ăn cá thể.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ở miền Bắc phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, ở miền Nam phải hoàn thành cải tạo quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, ra sức xây dựng cơ sở vật chất và kĩ thuật của ngành thuỷ sản, đưa ngành thuỷ sản từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản được ban hành nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng xã viên và thực hiện đầy đủ sự quản lí của Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu nói trên.

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1- Tính chất, mục đích của hợp tác xã.

Hợp tác xã thuỷ sản là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa, một đơn vị sản xuất cơ sở, kinh doanh về nghề thuỷ sản do những người lao động nghề thuỷ sản tự nguyện lập ra, được Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng dẫn, giúp đỡ và quản lí.

Mục đích của hợp tác xã là tổ chức lại nghề khai thác thuỷ sản từ sản xuất nhỏ, từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không ngừng mở rộng và phát triển sản xuất, cung ứng ngày càng nhiều thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, sản phẩm cho xuất khẩu và nguyên liệu cho các ngành khác. Trên cơ sở tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho xã viên, xây dựng hợp tác xã thuỷ sản vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 2- Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã:

- Tự nguyện.

- Cùng có lợi (kết hợp hài hoà quan hệ giữa ba lợi ích: lợi ích của xã viên, lợi ích của hợp tác xã và lợi ích của Nhà nước).

- Quản lí dân chủ. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên.

[...]