Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 29-TT hướng dẫn đánh giá, xếp loại học sinh cấp II phổ thông cơ sở, trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 29-TT
Ngày ban hành 06/10/1990
Ngày có hiệu lực 05/09/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Lương Ngọc Toản
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29 TT

Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 1990

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI HỌC SINH CẤP II PHỔ THÔNG CƠ SỞ, PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

Đánh giá, xếp loại trình độ được đào tạo của học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường phổ thông, góp phần đảm bảo quá trình giáo dục theo đúng mục tiêu đào tạo đã được xác định theo quyết định số 305/QĐ và 329/QĐ. Việc đánh giá xếp loại trình độ được đào tạo của học sinh phải thể hiện rõ tính toàn diện, thống nhất từ cấp I đến cấp THPT, đồng thời từng bước cải tiến, nâng cao làm cho việc đánh giá xếp loại ngày một chính xác, cụ thể, khách quan và tương đối dễ làm.

Từ năm học 1990-1991 học sinh các trường phổ thông được đánh giá, xếp loại theo hai mặt: Hạnh kiểm (thể hiện phẩm chất của con người học sinh) và học lực (thể hiện kết quả học các bộ môn văn hóa khoa học, lao động - kỹ thuật, rèn luyện thân thể... của học sinh) để phù hợp với điều kiện và thực tế giáo dục trong tình hình hiện nay.

Bộ hướng dẫn cụ thể việc đánh giá, xếp loại như sau:

A. ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI VỀ HẠNH KIỂM.

I. Những căn cứ để đánh giá về hạnh kiểm.

1. Căn cứ vào mục tiêu và kế hoạch đào tạo được Bộ qui định theo các quyết định số: 305/QĐ và 329/QĐ ngày 31-3-1990.

2. Căn cứ vào việc thực hiện nhiệm vụ học sinh từng cấp học ban hành theo quyết định số 1118/QĐ ngày 2-12-1987, tập trung vào các điểm chủ yếu sau:

- Nhận thức, tình cảm làm nền tảng cho hành động đẹp đẽ.

- Hành động cụ thể biểu hiện qua các hoạt động học tập, lao động, rèn luyện thân thể vui chơi...

- Tác dụng của cá nhân học sinh đối với tập thể.

- Ý thức tự phê bình, thái độ tự giác đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm của chính mình.

3. Hạnh kiểm của học sinh chủ yếu được đánh giá qua những hành vi, thái độ cư xử trong phạm vi nhà trường và phải phù hợp với thời gian, điều kiện được giáo dục, với trình độ phát triển về nhận thức, về tâm lý, sinh lý của học sinh.

4. Xem xét một cách đúng mức, khách quan những biểu hiện về hành vi đạo đức và thái độ cư xử trong các mối quan hệ xã hội và gia đình.

II. Tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại về hạnh kiểm.

Về mặt hạnh kiểm, học sinh được đánh giá xếp loại thành 5 loại: tốt, khá, trung bình, yếu, kém. Tiêu chuẩn cụ thể của từng loại như sau:

1.Loại tốt: Được xếp hạnh kiểm về loại tốt là những học sinh có nhận thức đúng và thực hiện khá đầy đủ nhiệm vụ học sinh; có ý thức trách nhiệm cao đối với học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, nếp sống và rèn luyện thân thể..., có tiến bộ không ngừng, đạt kết quả cao về tất cả các mặt.

Những biểu hiện chính của tiêu chuẩn trên là:

1) Xác định được mục đích học tập, chuyên cần ham học, trung thực trong học tập và đạt kết quả ngày càng tiến bộ. Luôn khiêm tốn và sẳn sàng giúp bạn cùng học tập tiến bộ. Mạnh dạn đấu tranh chống thói lười biếng, ỷ lại , thiếu trung thực trong học tập.

2) Tham gia đầy đủ và thực hiện tốt các buổi lao động, hoạt động hướng nghiệp, học nghề. Có ý thức và thực hành tiết kiệm; quí trọng và bảo vệ tài sản chung của nhà trường, của lớp học. Sẵn sàng tham gia lao động góp phần xây dựng địa phương do nhà trường tổ chức.

3) Tích cực rèn luyện thân thể và tham gia các buổi luyện tập quân sự. Luôn giữ vệ sinh cá nhân, giữ sạch đẹp trường lớp.

4) Có nhiều cố gắng rèn luyện nếp sống lành mạnh, có văn hóa có kỷ luật. Trung thực đúng mức trong quan hệ giao tiếp đối với thầy giáo, cô giáo, bạn bè, với gia đình và những người xung quanh.

5) Có ý thức thực hiện tốt pháp luật và các chính sách có liên quan đến bản thân. Có thái độ rõ ràng ủng hộ cái đúng, cái tốt, không đồng tình với những biểu hiện sai trái trong và ngoài xã hội.Tích cực tham gia các hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức ,sẵn sàng giúp bạn,các em nhỏ,người già ,những người tàn tật khi gặp khó khăn.Có ý thức đoàn kết quốc tế ,vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc ,lịch sự và không có hành động,thái độ thiếu văn hóa với người nước ngoài.

2.Loại trung bình: Được xếp loại trung bình về hạnh kiểm là những học sinh có ý thức thực hiện nhiệm vụ học sinh, có tiến bộ nhất định về hạnh kiểm nhưng còn chậm, không đều, chưa vững chắc, kết quả nói chung ở mức trung bình. Còn mắc một số khuyết điểm nhưng ít nghiêm trọng, chưa thành hệ thống, khi được góp ý kiến biết nhận ra khuyết điểm nhưng sửa chữa còn chậm.

Những biểu hiện chính của tiêu chuẩn trên là:

1) Thực hiện được những qui định tối thiểu về nề nếp, kỷ luật học tập như: đi học tương đối đều, có học và làm bài, nghỉ học có xin phép, ra vào lớp theo đúng qui định...; đôi khi còn bị nhắc nhỡ về học bài, làm bài , đôi khi còn quay cóp hoặc bàn bạc trao đổi với bạn khi làm bài kiểm tra, còn nói chuyện riêng hoặc làm việc khác trong giờ học. V v...

2) Tham gia tương đối đủ các buổi lao động, hoạt động hướng nghiệp, học nghề do nhà trường tổ chức. Hoàn thành những phần việc được giao, chấp hành sự phân công trong hoạt động, song chưa tỏ rõ sự cố gắng, hoặc còn có những thiếu sót về thái độ và kỷ luật trong khi lao động, học nghề.

[...]