Thông tư 289/2004/TT-UBTDTT hướng dẫn Nghị định 141/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao do Uỷ ban Thể dục Thể thao ban hành

Số hiệu 289/2004/TT-UBTDTT
Ngày ban hành 24/12/2004
Ngày có hiệu lực 20/05/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thể dục Thể thao
Người ký Nguyễn Danh Thái
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Thể thao - Y tế

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 289/2004/TT-UBTDTT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO SỐ 289/2004/TT-UBTDTT NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 141/2004/NĐ-CP NGÀY 01/7/2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC, THỂ THAO

Ngày 01 tháng 7 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao. Để thống nhất thi hành, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn thi hành một số nội dung cụ thể như sau:

1. Trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao và hành vi vi phạm của thí sinh dự tuyển:

a) Trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục, thể thao bao gồm: Câu lạc bộ thể thao; trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao các tỉnh, thành, ngành; các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và các cơ sở đào tạo vận động viên khác;

b) Các điều kiện mà thí sinh gian lận để được tham gia thi tuyển bao gồm: Họ tên, tuổi, nơi sinh, quê quán; các chỉ số về sức khoẻ và thành tích thể thao;

c) Gian lận khi thi tuyển vào các trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao là những hành vi vi phạm quy chế thi do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Thành viên Hội đồng tuyển chọn và hành vi vi phạm:

a) Thành viên Hội đồng tuyển chọn là những người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tuyển chọn thí sinh vào trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục, thể thao;

b) Các hành vi vi phạm của thành viên Hội đồng tuyển chọn bao gồm: Làm sai lệch hồ sơ liên quan đến thí sinh, kết quả thi tuyển của thí sinh; quyết định tuyển chọn thí sinh không đủ điều kiện hoặc không tuyển chọn thí sinh có đủ các điều kiện.

3. Hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong huấn luyện, giảng dạy tại các trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao:

a) Huấn luyện, giảng dạy những bài tập, môn tập bị cấm;

b) Phương pháp huấn luyện, giảng dạy bị cấm là phương pháp huấn luyện không đúng đối tượng; phương pháp bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấm hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện.

4. Hành vi vi phạm của học viên trong các trường, lớp năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao:

a) Học viên cố ý dùng công cụ, phương tiện, hoá chất để tạo ra bệnh, hoặc thương tích cho mình hoặc cho người khác;

b) Học viên tự ý chấm dứt tập luyện, thi đấu cho nhà trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

5. Trách nhiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền:

a) Cơ quan y tế có thẩm quyền bao gồm: Phòng y tế tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; trung tâm y học thể thao; bệnh viện thể thao; bệnh viện đa khoa từ cấp huyện trở lên;

b) Cơ quan y tế có thẩm quyền có trách nhiêmphối hợp với các cơ quan có liên quan để xác nhận các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tham gia luyện tập, thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao.

6. Hành vi xử ép của trọng tài trong thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao là việc cố tình lợi dụng quyền hạn để xử phạt hoặc không xử phạt nhằm tạo thuận lợi hoặc gây bất lợi cho tập thể hoặc cá nhân tham gia thi đấu biểu diễn.

7. Việc sử dụng chất kích thích bị cấm:

a) Danh mục các chất kích thích bị cấm trong luyện tập, thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao thực hiện theo quy định của Uỷ ban Thể dục Thể thao hoặc Hiệp hội phòng chống doping quốc tế;

a) Áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với huấn luyện viên, bác sĩ, vận động viên dùng chất kích thích bị cấm nếu do vô ý hoặc không cập nhật được thông tin.

8. Các điều kiện mà vận động viên gian lận để được tham gia thi đấu, biểu diễn thể dục thể thao bao gồm: Họ tên, tuổi, nơi sinh, quê quán; các chỉ số về sức khoẻ; thành tích thể thao; đối tượng và khu vực tham gia thi đấu theo quy định của điều lệ giải.

9. Hành vi móc ngoặc, cá độ trong thi đấu thể thao:

a) Móc ngoặc là hành vi bàn bạc, thoả thuận, thống nhất của hai hay nhiều đối tượng, trong đó có ít nhất một đối tượng liên quan đến các bên tham gia thi đấu, nhằm làm thay đổi kết quả theo ý đồ của người tham gia moc ngoặc;

b) Cá độ là hành vi đánh bạc bất hợp pháp trong thi đấu thể thao;

c) Móc ngoặc nhằm mục đích cá độ gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi móc ngoặc làm thay đổi kết quả toàn giải, gây dư luận xấu trong xã hội.

[...]