Thông tư 28-TC/NT-1984 Sửa đổi Thông tư 25-TC/NT-1980 về việc thu và sử dụng 10% phí phục vụ đối với ngành du lịch do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 28-TC/NT
Ngày ban hành 26/07/1984
Ngày có hiệu lực 26/07/1984
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Ngô Thiết Thạch
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-TC/NT

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1984

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 28-TN/NT NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1984 SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 25-TC/NT NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 1980 VỀ VIỆC THU VÀ SỬ DỤNG 10% PHÍ PHỤC VỤ ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH

Thi hành Công văn số 2815/V7 ngày 2-7-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí phục vụ của khách nước ngoài. Bộ Tài chính đã có Thông tư số 25-TC/NT ngày 5-12-1980 hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng số phí này.

Qua kết quả kiểm tra thực tế ở một số đơn vị khách sạn Bộ Tài chính thấy việc thực hiện chế độ thu và sử dụng 10% phí phục vụ có những điểm chưa đúng với tinh thần và nội dung chế độ đã ban hành.

- Có những trường hợp đã thu mức 10% phí phục vụ trên giá bảo đảm kinh doanh;

- Thu chưa đúng đối tượng cho phép. Đã thu cả những trường hợp khách hàng là các Bộ, ngành trường học, các đơn sản xuất kinh doanh;

- Thu về các dịch vụ bán hàng nguyên đai, nguyên kiện như rượu, bia bán cả chai, thuốc lá, kẹo nguyên gói, hàng mỹ nghệ v.v...

Việc mở rộng diện thu 10% phí như trên, trong nhiều trường hợp thực chất là gián tiếp lấy tiền từ Ngân sách Nhà nước để tăng thu nhập ngoài quỹ lương và tăng phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên trái với chế độ chung.

Việc phân phối và sử dụng nguồn thu 10% phí phục vụ cũng chưa hợp lý như phân phối số phí thu được không những cho bộ phận trực tiếp phục vụ mà cả cho bộ phận quản lý gián tiếp theo một tỉ lệ thuận với mức lương (coi như tăng mức thu nhập bình quân) nên thực tế đã làm giảm tác dụng kích thích những cá nhân và tập thể có hoạt động trực tiếp phục vụ khách, không thúc đẩy được công tác nâng cao chất lượng phục vụ trong ngành du lịch, không cân đối với chế độ tiền thưởng đối với ngành sản xuất khác và trái với tinh thần cơ bản của chủ trương thu phí phục vụ này.

Để thực hiện đúng tinh thần Công văn số 2815-V7 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí phục vụ của khách nước ngoài đồng thời để khuyến khích ngành du lịch mở rộng hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ khách tận thu phí phục vụ ở các đối tượng không thuộc nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp, Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm đã quy định tại Điều 3 và Điều 5 của Thông tư số 25-TC/NT ngày 5-12-1980 như sau:

I. MỤC ĐÍCH THU VÀ SỬ DỤNG 10% PHÍ PHỤC VỤ

Việc thu 10% phí phục vụ phải có tác dụng khuyến khích cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch làm tốt nhiệm vụ phục vụ khách nước ngoài, làm cho khách cảm thấy được phục vụ chu đáo hơn nên đã tự nguyện đóng góp thêm 10% phí phục vụ.

Ở những đơn vị mà số thu này sau khi chấn chỉnh đúng chế độ mà vẫn còn dồi dào thì ngoài việc dành phần thích đáng làm tiền thưởng trực tiếp cho những người trực tiếp phục vụ có năng suất lao động cao, có thái độ, tác phong và kỹ thuật phục vụ tốt, còn có thể sử dụng một phần số thu 10% phí phục vụ làm nguồn tăng thêm quỹ phúc lợi cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị.

II. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG KHÁCH VÀ NHỮNG NGHIỆP VỤ KINH DOANH DU LỊCH ĐƯỢC PHÉP THU 10% PHÍ PHỤC VỤ

1. Đối tượng khách được phép thu 10% phí phục vụ:

Trong trường hợp bảo đảm chất lượng phục vụ tốt các nghiệp vụ nói ở điểm 2, mục II thì được phép thu ở các đối tượng:

a. Khách nước ngoài:

- Khách quốc tế đi theo đường du lịch;

- Khách vãng lai do họ tự đài thọ mọi chi phí (thương nhân, thuỷ thủ, chuyên gia đến công tác tại Việt Nam);

- Khách thuộc các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế thường trú tại Việt Nam;

- Việt kiều trong các đoàn du lịch do các hãng du lịch nước ngoài tổ chức vào Việt Nam

b. Khách trong nước:

- Khách du lịch nội địa;

- Khách tự trả tiền mặt;

2. Những nghiệp vụ kinh doanh du lịch được phép thu 10% phí phục vụ (vào các đối tượng ghi ở điểm 1, mục II nói trên):

- Thuê phòng ngủ;

- Ăn tại quầy, tại bàn;

- Uống (pha chế "cốc tay" phục vụ tại quầy, bàn tiệc);

[...]