Thông tư 27/2005/TT-BTC hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với Hạn mức tín dụng của Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 27/2005/TT-BTC
Ngày ban hành 12/04/2005
Ngày có hiệu lực 11/05/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

BỘ TÀI CHÍNH

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*********

Số:  27/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2005

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIẢI NGÂN VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HẠN MỨC TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ BẮC ÂU

Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Quyết định số 02/2000/QĐ-BTC ngày 14/1/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế cho vay lại từ nguồn vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
Căn cứ Hiệp định vay số PIL 04/11 ký ngày 21/9/2004 giữa Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) (sau đây gọi là Hiệp định) về việc NIB cung cấp cho Việt Nam hạn mức tín dụng trị giá 30 triệu USD (sau đây gọi là Hạn mức tín dụng);
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính và giải ngân Hạn mức tín dụng như sau:

I. CÁC QUI ĐỊNH CHUNG

1. Hạn mức tín dụng của NIB là khoản vay nước ngoài của Chính phủ, toàn bộ tiền vay được hạch toán vào Ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía NIB khi đến hạn.

2. Các dự án sử dụng vốn vay từ Hạn mức tín dụng (sau đây gọi là Dự án) phải thuộc danh mục dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định là cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị phía NIB tài trợ Dự án theo Hạn mức tín dụng.

3. Cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với Dự án là cơ chế cho vay lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại công văn số 1259/CP-QHQT ngày 3/9/2004 của Chính phủ) và theo các điều kiện cụ thể quy định tại điểm 2, phần II của Thông tư này.

4. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại vốn vay từ Hạn mức tín dụng theo Hợp đồng ủy quyền ký ngày 21/9/2004 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng ủy quyền).

 5. Các Chủ dự án có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện qui định của Hiệp định và thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng qui định tại Hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (sau đây gọi là Hợp đồng tín dụng).

II. CÁC QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Các điều kiện vay chính theo Hiệp định :

- Đồng tiền vay là đồng Đôla Mỹ (USD) hoặc đồng Euro (EUR) tùy theo từng Dự án cụ thể sẽ được NIB phê duyệt.

- Tổng trị giá Hạn mức tín dụng là tương đương 30 triệu USD, trong đó trị giá mỗi khoản vay thuộc Hạn mức tín dụng (sau đây gọi là Khoản vay - Sub Loan) tối thiểu tương đương 1 triệu USD và tối đa tương đương 10 triệu USD, nhưng không vượt quá 50% tổng mức đầu tư Dự án.

- Lãi suất vay : LIBOR + Margin (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng USD) hoặc EURIBOR + Margin (nếu Khoản vay được giải ngân bằng đồng EUR). Margin sẽ do NIB xác định cụ thể cho từng Khoản vay (mức hiện tại là 0,85%/năm).

- Đối với những Khoản vay có trị giá từ 2 triệu USD trở lên, sau khi đã giải ngân toàn bộ Khoản vay, Bộ Tài chính và NIB có thể thỏa thuận chuyển sang áp dụng lãi suất cố định cho toàn bộ Khoản vay nếu Chủ dự án có đề nghị bằng văn bản gửi cho Bộ Tài chính chậm nhất là 60 ngày trước Kỳ hạn trả nợ đầu tiên ngay sau đợt giải ngân cuối cùng của Khoản vay.

- Kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) và thời gian trả nợ gốc của mỗi Khoản vay sẽ được xác định cụ thể trong thông báo quyết định tài trợ Dự án của NIB (nêu tại điểm 3.2 dưới đây) theo nguyên tắc thời gian trả nợ của Khoản vay (bao gồm cả thời gian ân hạn trả gốc tối đa là 5 năm) sẽ không vượt quá 17 năm kể từ ngày phía NIB thông báo quyết định tài trợ Dự án.

- Hạn rút vốn của toàn bộ Hạn mức tín dụng là ngày 15/12/2007 và có thể được gia hạn theo thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và NIB.

- Phí thu xếp (out-of-pocket fee) : 5.000 USD tính một lần cho toàn bộ Hạn mức tín dụng, đã được Bộ Tài chính ứng trả trước cho NIB sau khi ký Hiệp định.

- Phí cam kết (commitment fee) : 0,25%/năm tính trên số vốn đã cam kết nhưng chưa giải ngân của mỗi Khoản vay và được tính từ ngày phía Việt Nam chấp nhận Khoản vay của NIB hoặc sau 30 ngày kể từ ngày NIB thông báo quyết định tài trợ Dự án tùy theo ngày nào đến trước. Phí cam kết sẽ phải trả 6 tháng/lần vào Kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) của Khoản vay.

- Lãi phạt chậm trả bằng 2%/năm cộng thêm vào lãi suất vay, tính trên số nợ quá hạn và tính từ ngày đến hạn mà không trả được nợ cho đến ngày trả nợ thực tế.

2. Điều kiện cho vay lại :

Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, cho Chủ dự án vay lại vốn vay từ Hạn mức tín dụng theo đúng các điều kiện vay của NIB nêu tại điểm 1 trên đây.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại Hạn mức tín dụng đối với Chủ dự án và được hưởng phí cho vay lại là 0,15%/năm theo quy định của Hợp đồng ủy quyền.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tài chính về các điều kiện cụ thể của Khoản vay cho Dự án, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm ký Hợp đồng tín dụng với Chủ dự án quy định cụ thể các điều kiện cho vay lại Khoản vay đối với Dự án. Đồng thời, Chủ dự án sẽ phải chuyển trả cho Bộ Tài chính, qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, phí thu xếp (1.000 USD/dự án) đã được Bộ Tài chính ứng trả trước cho NIB.

Vào mỗi Kỳ hạn trả nợ của Khoản vay, căn cứ thông báo của NIB, Chủ dự án có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn phí cam kết theo quy định của Hiệp định và trả nợ (gốc, lãi) và phí cho vay lại cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam theo quy định của Hợp đồng tín dụng.

Căn cứ Hợp đồng tín dụng, thông báo rút vốn của NIB và chứng từ ghi thu ghi chi các khoản rút vốn vay nước ngoài qua Ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trách nhiệm thông báo và ký khế ước nhận nợ vốn vay từng lần với Chủ dự án.

3. Thủ tục tài trợ của NIB :

3.1 Nguyên tắc chung : Nguồn vốn vay của NIB là tín dụng có ràng buộc, chỉ sử dụng để tài trợ cho các hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ từ các nước Bắc Âu (Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland) và các nước vùng Baltic (Estônia, Lítva, Látvia) hoặc đồng tài trợ cho các dự án có sự tham gia (về vốn, công nghệ kỹ thuật...) của các nước trên. Thông thường, mức tài trợ của NIB cho một dự án sẽ tùy thuộc vào tỷ lệ tham gia của các nước Bắc Âu và Baltic nói trên trong dự án đó nhưng không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án.

[...]