BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
26-TC/NSĐP
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1984
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 26-TC/NSĐP NGÀY 29-6-1984 HƯỚNG DẪN THI
HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 138-HĐBT NGÀY 19-11-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CẢI TIẾN
CHẾ ĐỘ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI CẤP HUYỆN.
Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành
Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân
sách cho địa phương; trong đó phần V của nghị quyết Hội đồng Bộ trưởng đã nêu
lên những quy định về việc cải tiến xây dựng và quản lý ngân sách huyện nhằm
làm cho huyện (và đơn vị hành chính tương đương) thật sự trở thành một cấp quản
lý ngân sách.
Bộ Tài chính hướng dẫn những điểm
cụ thể về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách đối với cấp huyện và đơn vị
hành chính tương đương (dưới đây gọi tắt là huyện).
I. XÁC ĐỊNH VỊ
TRÍ CỦA NGÂN SÁCH HUYỆN
Ngân sách huyện là kế hoạch tài
chính cơ bản của huyện để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở huyện.
Ngân sách huyện là một bộ phận cấu
thành của ngân sách tỉnh. Ngân sách huyện bao gồm ngân sách cấp huyện và ngân
sách các xã trong huyện. Ngân sách xã là bộ phận cấu thành ngân sách huyện.
Toàn bộ ngân sách địa phương (cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) là một bộ phận cấu
thành của ngân sách Nhà nước. Vì vậy, yêu cầu cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân
sách đối với cấp huyện cũng như cấp tỉnh theo Nghị quyết số 138-HĐBT của Hội đồng
Bộ trưởng lần này, phải nhằm:
a) Bảo đảm sự quản lý thống nhất
của Trung ương về các chính sách, chế độ thu chi tài chính và tập trung phần lớn
nguồn thu cho ngân sách Trung ương để đáp ứng những nhu cầu chi quan trọng của
cả nước.
b) Đề cao trách nhiệm của chính
quyền cấp huyện trong việc tham gia quản lý tài chính Nhà nước, đồng thời tạo
điều kiện hợp lý cho huyện chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch
thu chi ngân sách huyện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá và cải thiện
đời sống của nhân dân trong huyện.
II. NỘI DUNG
THU CHI NGÂN SÁCH HUYỆN
Ngân sách huyện do Uỷ ban nhân
dân và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là tỉnh) bố
trí trong phạm vi ngân sách của tỉnh theo các quy định thống nhất sau đây:
A. NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH
HUYỆN PHẢI PHÙ HỢP VỚI ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH THỰC TẾ VÀ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU PHÂN
CẤP VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ, VĂN HOÁ CHO HUYỆN.
Nội dung các khoản chi của ngân
sách huyện bao gồm:
1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm
để xây dựng các công trình kinh tế, văn hoá của huyện.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản
của huyện gồm có:
a) Nguồn vốn tập trung do tỉnh
phân phối chuyển về bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng các
công trình theo mục tiêu ghi trong kế hoạch Nhà nước thông báo cho tỉnh và nguồn
vốn tự có của ngân sách tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh phân phối cho huyện theo
chỉ tiêu kế hoạch xây dựng cơ bản của tỉnh quyết định cho huyện.
b) Nguồn vốn tự có của ngân sách
huyện do huyện huy động được như do tăng thu, tiết kiệm chi trong năm mà có, do
huy động kết dư ngân sách huyện năm trước, thu về sổ xố kiến thiết được tỉnh
dành cho huyện, tiền đóng góp bằng quỹ phúc lợi của các xí nghiệp quốc doanh
Trung ương hoặc tỉnh đóng trên địa bàn huyện, vốn do nhân dân tự nguyện đóng
góp bằng tiền hoặc hiện vật và lao động theo phương châm Nhà nước và nhân dân
cùng làm, vốn do xí nghiệp huyện vay ngân hàng Nhà nước để trang bị thiết bị (nếu
có).
Những năm trước đây, nhiều huyện
chưa được tỉnh giao nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nay Uỷ ban
nhân dân tỉnh nên giao cho huyện quản lý xây dựng các công trình kinh tế, văn
hoá của huyện có quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Việc quản lý cấp
phát thanh toán và quyết toán vốn đầu tư cơ bản của huyện phải tuân theo các
nguyên tắc, thể lệ quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước ban hành.
2. Vốn lưu động cho các cấp xí
nghiệp quốc doanh huyện.
Ngân sách huyện bảo đảm đủ vốn
lưu động định mức cho các xí nghiệp quốc doanh huyện trực tiếp quản lý theo chế
độ hiện hành.
Đối với xí nghiệp tỉnh mới bàn
giao cho huyện, khi bàn giao cần phải kiểm kê đánh giá tình hình tài sản, vốn
liếng, công nợ và phải xác định ngay định mức vốn lưu động cho xí nghiệp. Ngân
sách tỉnh cấp phát đủ vốn trước khi bàn giao tạo điều kiện thuận lợi cho huyện
quản lý. Quá trình hoạt động nếu huyện xét nhu cầu cần mở rộng thì ngân sách
huyện bảo đảm cấp bổ sung vốn.
Nếu xí nghiệp quốc doanh của huyện
sản xuất kinh doanh bị lỗ thì Uỷ ban nhân dân huyện kiểm tra xem xét kỹ về ngân
sách huyện cấp bù lỗ.
3. Chi về sự nghiệp kinh tế.
Ngân sách huyện bảo đảm kinh phí
hoạt động sự nghiệp của các tổ chức kinh tế huyện bao gồm chi lương, phụ cấp
lương, phúc lợi tập thể cho cán bộ, công nhân viên làm công tác sự nghiệp; chi
về mua sắm vật tư, thiết bị, chi phí nghiệp vụ của các trạm trại nông nghiệp
huyện chưa thực hiện hạch toán kinh tế độc lập (trại nhân giống cây, con, trạm
bảo vệ thực vật, thú y...) Sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng theo Thông tư số
1-TT/LB ngày 18-1-1984 của Liên Bộ Tài chính - Lâm nghiệp - Uỷ ban kế hoạc Nhà
nước (nếu được tỉnh phân cấp cho huyện) sự nghiệp thuỷ lợi, bảo vệ đê điều; sự
nghiệp giao thông duy tu bảo dưỡng đường sá, sửa chữa cầu phà; sửa chữa nhà cửa,
duy trì các công trình phúc lợi, vệ sinh công cộng của huyện quản lý...
4. Chi về sự nghiệp giáo dục, y
tế, văn hoá, xã hội.
Kinh phí chi về sự nghiệp giáo dục,
y tế, văn hoá, xã hội bao gồm tiền lương, phụ cấp lương, phúc lợi tập thể cho
cán bộ, công nhân viên, chi về sắm, sửa chữa trường học, bệnh viện, công trình
văn hoá, và hoạt động nghiệp vụ của các ngành giáo dục phổ thông, bổ túc văn
hoá, đào tạo cán bộ sơ cấp và công nhân kỹ thuật; y tế, vệ sinh phòng dịch, bảo
vệ sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy trẻ, thể dục
thể thao, văn hoá, văn nghệ, thông tin truyền thanh của huyện đã được tỉnh phân
cấp giao cho huyện quản lý. Ngân sách huyện còn bảo đảm cho chăm lo thăm hỏi hoặc
cứu trợ những gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng, cứu trợ
nhân dân bị tai nạn (trường hợp thiên tai, địch hoạ lớn thì ngân sách tỉnh và
ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần).
Để mở rộng công tác giáo dục,
văn hoá, xã hội, Uỷ ban nhân dân huyện vận dụng đứng đắn phương châm Nhà nước
và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng, sửa chữa và trang bị dụng cụ cho các
trường học, bệnh viện, công trình văn hoá, thể dục thể thao của huyện.
5. Chi về quản lý hành chính.
Trừ các ngành huyện đội, công
an, viện kiểm sát, thống kê, thuế công thương nghiệp, văn phòng huyện uỷ, bưu
điện, ngân hàng, lương thực (ngành dọc) do Ngân sách Trung ương đảm nhiệm cấp
phát quản lý theo hệ thống dọc, còn lại các tổ chức khác thuộc bộ máy quản lý
Nhà nước của huyện, và các đoàn thể huyện đều thuộc ngân sách huyện bảo đảm
chi, bao gồm tiền lương, phụ cấp, phúc lợi tập thể và mọi chi tiêu hoạt động
theo đúng chính sách, chế độ và tiêu chuẩn của Nhà nước quy định.
6. Các khoản chi khác.
Ngoài các nguồn vốn và kinh phí
về các khoản chi nêu trên, ngân sách huyện còn bảo đảm các khoản chi về huấn
luyện dân quân du kích và tuyển quân, nuôi dưỡng lực lượng của dân quân thường
trực bảo vệ biên giới, và các khoản chi khác theo chế độ quy định của Nhà nước.
7. Chi chuyển trả ngân sách xã về
về các khoản điều tiết thuế và trợ cấp ngân sách xã.
Trong khi chưa thống nhất quản
lý và hạch toán ngân sách xã theo chế độ quản lý ngân sách nhà nước, các khoản
thu về thuế nông nghiệp, thuế mới, thuế sát sinh và thuế công thương nghiệp
khác do xã trực tiếp thu đều phải nộp cả 100% vào ngân sách nhà nước rồi mới điều
tiết cho xã thì phần thu điều tiết cho ngân sách xã phải kế hoạch hoá và ghi
vào ngân sách huyện, sau đó ngân sách huyện chi chuyển trả ngân sách xã theo tỷ
lệ điều tiết mà huyện đã quy định cho từng xã.
Khoản thu về giao nộp nông sản
(5%) thu cho ngân sách xã cũng được kế hoạch hoá trong ngân sách huyện và ngân
sách huyện chi chuyển trả cho ngân sách xã.
Đối với những xã thực sự có khó
khăn, thu ngân sách xã chưa thể bảo đảm chi thì ngân sách huyện trợ cấp cho những
năm đầu nhằm hỗ trợ để xã vươn lên phấn đấu nhanh chóng tự cân đối được ngân
sách xã.
8. Chi bù giá hàng bán cung cấp
cho công nhân viên chức và người ăn theo thuộc huyện quản lý.
Tùy theo tình hình phân cấp quản
lý kinh tế cho huyện và trình độ quản lý tài chính của huyện, Uỷ ban nhân dân tỉnh
có thể phân cấp cho ngân sách huyện đảm nhiệm khoản chi về bù giá hàng hoá cung
cấp cho công nhân viên chức và người ăn theo thuộc cơ quan, xí nghiệp của huyện
quản lý. Khoản chi này phải tính toán theo đúng các đối tượng định lượng và đơn
giá bù theo chế độ Nhà nước quy định.
9. Ngoài ra, ngân sách huyện còn
được bố trí một khoản dự bị phí bằng từ 3% đến 5% tổng số chi thường xuyên của
ngân sách huyện để ứng phó với những nhu cầu đột xuất mà dự toán ngân sách huyện
hàng năm chưa lường được.
B. NGUỒN THU VÀ TỶ LỆ ĐIỀU TIẾT
THU CHO NGÂN SÁCH HUYỆN .
Phân bố nguồn thu cho ngân sách
huyện phải chú trọng trước hết đến những khoản thu đòi hỏi tính năng động và cố
gắng chủ động của huyện nhằm phát triển kinh tế của huyện , ra sức khai thác tạo
ra nguồn thu cho ngân sách ngày càng nhiều hơn, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ chi
của ngân sách huyện, hạn chế đến mức thấp nhất biện pháp trợ cấp để cân đối
ngân sách huyện.
Nguồn thu và tỷ lệ điều tiết thu
cho ngân sách huyện được quy định như sau:
1. Các khoản thu để lại 100% cho
ngân sách huyện gồm:
a) Thu về khấu hao cơ bản, hoàn
vốn lưu động và tiền bán tài sản thải loại của xí nghiệp thuộc huyện trực tiếp
quản lý.
b) Thu về sự nghiệp của huyện.
c) Thu về nuôi trồng rừng và bảo
vệ rừng (nếu tỉnh phân cấp cho huyện).
d) Thu về quỹ phúc lợi của các
xí nghiệp quốc doanh Trung ương đóng trên địa bàn huyện (phần dành cho huyện).
e) Thu về giao nộp nông sản 10%
trên giá trị nông sản giao nộp cho tỉnh và trung ương theo giá chỉ đạo thu mua
của Nhà nước, trong đó có 5% cho ngân sách huyện và 5% để chuyển trả cho ngân
sách xã theo quy định của Nhà nước.
g) Thu về xổ số kiến thiết (phần
dành cho huyện)
h) Các khoản thu khác như lệ
phí, tiền phạt ở huyện được Nhà nước cho phép thu, tiền và hiện vật (quy thành
tiền) của nhân dân đóng góp để xây dựng và sửa chữa các công trình thuỷ lợi,
giao thông, trường học, bệnh viện và sự nghiệp phúc lợi khác.
2. Các khoản thu của ngân sách Nhà
nước được Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định tỷ lệ điều tiết thống nhất chung cho tất
cả các huyện trong tỉnh:
a) Thu quốc doanh và lợi nhuận
(kể cả chênh lệch giá hàng xuất nhập khẩu địa phương nếu có) của các xí nghiệp
quốc doanh huyện quản lý, bao gồm cả xí nghiệp quốc doanh do ngân sách huyện bỏ
vốn hoặc vay vốn ngân hàng xây dựng.
b) Thu quốc doanh và lợi nhuận của
các xí nghiệp quốc doanh thuộc tỉnh quản lý nằm trên địa bàn huyện, bao gồm cả
thu chênh lệch giá (nếu có).
c) Thuế nông nghiệp (kể cả 10%
điều tiết cho ngân sách xã).
d) Thuế công thương nghiệp (kể cả
phần điều tiết cho ngân sách xã, nếu có).
Tỷ lệ điều tiết chung cho ngân
sách các huyện không được vượt quá tỷ lệ điều tiết chung Trung ương quy định
cho ngân sách tỉnh.
3. Các khoản thu điều tiết bổ
sung.
Đối với những huyện mà nguồn thu
theo tỷ lệ điều tiết chung chưa đáp ứng cân đối nhu cầu chi theo chính sách, chế
độ Nhà nước quy định thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định bổ sung tỷ lệ điều tiết
và các khoản thu cho ngân sách huyện theo thứ tự sau đây:
a) Thuế nông nghiệp.
b) Thuế công thương nghiệp.
c) Thu quốc doanh và lợi nhuận
xí nghiệp quốc doanh do huyện quản lý.
d) Thu quốc doanh và lợi nhuận
xí nghiệp quốc doanh do tỉnh quản lý.
4. Tỷ lệ các khoản điều tiết thu
dành cho ngân sách huyện (kể cả tỷ lệ điều tiết chung và tỷ lệ điều tiết bổ
sung nếu có) không vượt quá tỷ lệ điều tiết mà Trung ương đã quy định thông báo
cho ngân sách tỉnh (thành phố và đặc khu) và được giữ ổn định từ nay cho đến hết
năm 1985.
5. Trợ cấp ngân sách tỉnh cho
ngân sách huyện.
Sau khi đã xác định nguồn thu và
mức tỷ lệ điều tiết tối đa (bằng mức Trung ương dành cho ngân sách tỉnh) mà số
thu của ngân sách huyện vẫn chưa đủ đáp ứng cân đối nhu cầu chi thì ngân sách tỉnh
xét trợ cấp cho ngân sách huyện một khoản đủ bù vào số thiếu hụt đó. Khoản trợ
cấp này mỗi năm xét một lần và thông báo cho huyện ngay từ đàu năm.
III. CHỈ TIÊU
KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH GIAO CHO HUYỆN.
Căn cứ vào Nghị quyết số
138-HĐBT về cải tiến chế độ phân cấp quản lý ngân sách và Nghị định số 158-HĐBT
ngày 17-2-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh
của kế hoạch Nhà nước năm 1984, sau khi xác định rõ nhiệm vụ chi, nguồn thu và
tỷ lệ điều tiết thu (tỷ lệ thống nhất chung và tỷ lệ bổ sung) cho ngân sách từng
huyện trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh có nhiệm vụ giao các chỉ tiêu về kế hoạch
ngân sách hàng năm dưới đây cho chính quyền huyện.
1. Tổng số thu ngân sách Nhà nước
trên địa bàn huyện, trong đó ghi rõ nhiệm vụ thu về thu quốc doanh, lợi nhuận của
xí nghiệp quốc doanh, thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp.
2. Tỷ lệ điều tiết bổ sung cho
ngân sách huyện (nếu có).
3. Trợ cấp của ngân sách tỉnh
cho ngân sách huyện (nếu có).
4. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập
trung được tỉnh phân phối cho huyện theo mục tiêu.
Đi đôi với việc giao chỉ tiêu
pháp lệnh trên, Sở tài chính có thể giao các chỉ tiêu kế hoạch ngân sách hướng
dẫn nhằm giúp cho chính quyền huyện bố trí ngân sách huyện được thống nhất ăn
khớp với ngân sách tỉnh, phân phối đủ nhu cầu vốn và kinh phí cho những công việc
cần thiết sát hợp với phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước tại địa phương.
IV. QUYỀN HẠN
VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC HUYỆN TRONG VIỆC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH HUYỆN.
Hàng năm, căn cứ vào chỉ tiêu kế
hoạch Nhà nước do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho chính quyền huyện và
chỉ tiêu hướng dẫn của Sở tài chính, Uỷ ban nhân dân huyện lập dự toán ngân
sách chính thức của huyện trình Hội đồng nhân dân huyện phê chuẩn, sau đó thông
báo giao nhiệm vụ thu, chi cho các đơn vị, xí nghiệp cơ sở của huyện, giao nhiệm
vụ thu thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp và thu chi ngân sách xã cho
chính quyền các xã thực hiện, đồng gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở tài chính để
theo dõi quản lý.
Kế hoạch ngân sách của huyện xây
dựng phải thể hiện bảo đảm tối thiểu tổng mức thu ngân sách Nhà nước và các khoản
thu chủ yếu trên địa bàn huyện như chỉ tiêu của Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho
huyện. Nếu Uỷ ban nhân dân huyện khai thác thêm được nguồn thu, xây dựng kế hoạch
thu ngân sách huyện (tính theo tỷ lệ điều tiết dành cho ngân sách huyện) cao
hơn mức của Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho huyện thì Uỷ ban nhân dân huyện có
quyền bố trí chi ngân sách huyện cao hơn với nguyên tắc là không được vượt quá
khả năng thu của ngân sách huyện và trước hết bố trí tăng vốn đầu tư xây dựng
cơ bản tự có của huyện, tăng cấp vốn lưu động thiếu cho xí nghiệp huyện (nếu có
nhu cầu) hoặc cho nhu cầu phát triển sự nghiệp kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế
của huyện.
Trong khi điều hành ngân sách,
huyện cố gắng tiết kiệm chi tiêu về hành chính để điều hoà chi tiêu cho sự nghiệp
phát triển kinh tế, văn hoá và bảo đảm cho nhu cầu xây dựng cơ bản.
Quá trình chấp hành ngân sách, nếu
huyện hoàn thành vượt mức kế hoạch thu thì ngoài phần vượt của ngân sách huyện
được hưởng theo tỷ lệ điều tiết do tỉnh dành cho huyện, ngân sách huyện còn được
xét trích trong số tiền thưởng của ngân sách Trung ương quyết định thưởng cho
ngân sách tỉnh và phần thu vượt của ngân sách tỉnh để thưởng cho ngân sách huyện
(tỷ lệ thưởng do tỉnh quy định).
Nếu không hoàn thành kế hoạch
thu của ngân sách huyện thì huyện phải chủ động sắp xếp lại các khoản chi để tự
cân đối ngân sách; chỉ sau khi sắp xếp lại mà vẫn không bảo đảm tự cân đối được,
hoặc vì nguyên nhân khách quan do thiên tai lớn xảy ra, do địch hoạ thì tỉnh
xét và được ngân sách huyện hỗ trợ bằng hình thức cho vay hoặc trợ cấp thêm.
Nếu do tăng thu, tiết kiệm chi
mà cuối năm ngân sách huyện có kết dư thì huyện được sử dụng số kết dư đó vào
hai mục tiêu:
- Dành một nửa (50%) để lập quỹ
dự trữ tài chính của huyện.
- Còn lại được ghi thu vào năm
sau để làm vốn xây dựng cơ bản tự có của huyện nhằm mở mang công trình kinh tế,
phúc lợi văn hoá của huyện.
Quỹ dự trữ tài chính của huyện
được gửi vào một tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và được bổ sung hàng năm bằng
vốn kết dư ngân sách huyện, phấn đấu đạt mức bằng 2 đến 3 tháng chi thường
xuyên của ngân sách huyện. Quỹ dự trữ tài chính của huyện được dùng để ứng phó
khi nguồn thu ngân sách chưa tập trung kịp, nên chỉ được phép tạm vay và phải
hoàn trả vào cuối năm ngân sách.
Đối với ngân sách xã, Bộ Tài
chính sẽ có thông tư hướng dẫn riêng.
V . ĐỀ CAO KỶ
LUẬT TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC
Cải tiến chế độ phân cấp quản lý
ngân sách lần này có tầm quan trọng đổi mới cơ chế quản lý, khắc phục tình trạng
tập trung quan liêu, gò bó, bao cấp, nhằm tạo điều kiện cho chính quyền các cấp
tỉnh, huyện, xã chủ động khai thác tiềm năng phát triển kinh tế địa phương, đẩy
mạnh sản xuất, tích cực tăng thu để đáp ứng nhu cầu chi của địa phương, đưa dần
công tác quản lý ngân sách vào thế ổn định và có nề nếp. Do đó cần phải đề cao
kỷ luật tài chính, tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp huyện,
tăng cường kiểm tra kiểm soát của chính quyền cấp tỉnh, bảo đảm chấp hành
nghiêm chỉnh mọi chính sách, chế độ, thể lệ tài chính của Nhà nước quy định.
Nội dung quan trọng nhất của kỷ
luật tài chính Nhà nước đã được nêu trong Nghị quyết số 138-HĐBT của Hội đồng Bộ
trưởng, Bộ Tài chính hướng dẫn rõ như sau:
1. Mọi khoản thu, chi tài chính
từ xã đến huyện, tỉnh, Trung ương đều phải chấp hành đúng các chính sách, chế độ,
do Trung ương thống nhất quy định. Nếu địa phương thấy có chỗ nào không hợp lý
phải nghiên cứu đề xuất thì phản ánh để Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung sửa đổi.
Các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không dược tuỳ tiện đặt ra các
chính sách, chế độ thu, chi trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ
Tài chính.
2. Mọi khoản thu ngân sách thuộc
ngân sách cấp nào phải thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách cấp đó theo đúng tỷ lệ
điều tiết từng khoản thu mà Trung ương đã quy định cho ngân sách tỉnh và tỉnh
quy định cho ngân sách huyện. Mọi khoản chi ngân sách thuộc nguồn vốn nào phải
sử dụng đúng vào mục đích của khoản đó. Chính quyền các cấp không được tự tiện
ra lệnh thu các khoản thu của ngân sách cấp trên hoặc ra lệnh trích quỹ ngân
sách cấp trên để chi cho ngân sách cấp mình vì ngân sách của cấp nào thuộc quyền
hạn của chủ tài khoản ngân sách cấp đó. Người ra lệnh sai và người thi hành lệnh
sai đều là vi phạm kỷ luật tài chính Nhà nước.
3. Mọi khoản thu, chi ngân sách
đều phải hạch toán kế toán đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước và phải phản
ánh, báo cáo trung thực cho chính quyền cấp mình và cơ quan tài chính cấp trên.
Tuyệt đối nghiêm cấm các đơn vị, cơ quan, các cấp chính quyền tự động lập và
duy trì các quỹ trái phép. Mọi khoản thu để ngoài ngân sách, dù ký gửi tại ngân
hàng Nhà nước đều coi là quỹ ngoài ngân sách, quỹ trái phép.
4. Phải tăng cường công tác kiểm
tra và thanh tra tài chính của chính quyền các cấp. Mọi hành động làm trái với
các điều quy định trên đều coi là vi phạm kỷ luật tài chính Nhà nước và phải xử
lý nghiêm minh.
Cơ quan tài chính và ngân hàng
Nhà nước cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về
nội dung kỷ luật tài chính nêu trên, đồng thời kiểm tra phát hiện những cơ
quan, đơn vị lập quỹ ngoài ngân sách, quỹ trái phép, chấp hành không đúng những
chế độ tiêu chuẩn của Nhà nước quy định.
VI. BIỆN PHÁP
THỰC HIỆN
Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng
về cải tiến phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương bắt đầu thi hành từ ngày
1 tháng 1 năm 1984.
Để thực hiện đúng chủ trương của
Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc
khu trực thuộc Trung ương:
1. Căn cứ vào kế hoạch ngân sách
năm 1984 của tỉnh, tình hình và các chủ trương, quyết định phân cấp kinh tế của
tỉnh cho chính quyền huyện, vận dụng Thông tư hướng dẫn này ra quyết định xác định
rõ nhiệm vụ các khoản chi giao cho huyện trên cơ sở đó xác dịnh các khoản thu
và tỷ lệ điều tiết thống nhất chung về các khoản thu dành cho ngân sách huyện.
Đối với những huyện mà các khoản thu chế độ chung không đủ đáp ứng nhu cầu chi
thì tỉnh quyết định tỷ lệ điều tiết bổ sung (có thể đến hết mức tỷ lệ điều tiết
trung ương dành cho ngân sách tỉnh) và mức trợ cấp (nếu có), tổ chức thông báo
ngay cho Uỷ ban nhân dân các huyện, cơ quan tài chính và ngân hàng Nhà nước các
cấp tỉnh, huyện thi hành.
2. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các
huyện tính toán lập kế hoạch thu chi ngân sách năm 1984 theo đúng chủ trương và
chính sách phân cấp quản lý ngân sách mới như Nghị quyết số 138-HĐBT của Hội đồng
Bộ trưởng, Thông tư hướng dẫn này của Bộ Tài chính và Nghị quyết của tỉnh về
phân cấp cho ngân sách huyện. Những điều hướng dẫn trong Thông tư số 8-TC/QLNS
ngày 31-5-1979 của Bộ Tài chính về phân cấp quản lý ngân sách đối với cấp huyện
trái với quy định trong Thông tư này đều bãi bỏ.
3. Chỉ đạo Sở Tài chính tổng hợp
kế hoạch ngân sách các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cùng với kế hoạch
thu chi ngân sách cấp tỉnh, lập thành kế hoạch thu chi ngân sách của tỉnh,
thành phố và đặc khu (chia rõ 3 cấp tỉnh, huyện, xã) theo đúng mẫu biểu hướng dẫn
trong Thông tư số 44-TC ngày 20-12-1983 của Bộ Tài chính về lập ngân sách Nhà
nước năm 1984 theo chế độ phân cấp mới, gửi cho Bộ Tài chính chậm nhất trước
ngày 31-7-1984.
4. Thực hiện điều chỉnh các khoản
thu ngân sách của các tháng đầu năm 1984 giữa các cấp ngân sách Trung ương, tỉnh,
huyện theo đúng Công văn hướng dẫn số 8-TC/NSĐP ngày 24-2-1984 của Bộ Tài
chính.
Quá trình thực hiện có điểm nào
còn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính biết để nghiên cứu và
giải quyết.