Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 26/2018/TT-BCT sửa đổi Phụ lục IV kèm theo Thông tư 20/2014/TT-BCT quy định về thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 26/2018/TT-BCT
Ngày ban hành 14/09/2018
Ngày có hiệu lực 29/10/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2018/TT-BCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHỤ LỤC IV BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 20/2014/TT-BCT NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 2014 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG HIỆP ĐỊNH KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN - HÀN QUỐC

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

Thực hiện Quyết định phê chuẩn danh mục chuyển đổi hàng hóa đối với một số hàng hóa đặc biệt trong Phụ lục 3 Quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ của các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc do Ủy ban thực thi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA-IC) lần thứ 14 phê chuẩn ngày 20 tháng 7 năm 2016 tại Xinh-ga-po;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (sau đây gọi là Thông tư số 20/2014/TT-BCT).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT

Bãi bỏ Phụ lục IV - Hướng dẫn thực hiện Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT và thay thế bằng Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 10 năm 2018

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Quốc hội; Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Viện KSND tối cao, Tòa án ND tối cao;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Công Thương;
- BQL các KCN và CX Hà Nội;
- Sở Công Thương Hải Phòng;
- Bộ Công Thương: Bộ trưởng; các Thứ trưởng; Vụ Pháp chế; các Vụ, Cục; các Phòng QLXNK khu vực (19);
- Lưu: VT, XNK (3).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU 6 PHỤ LỤC I BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 20/2014/TT-BCT
(ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BCT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV, Thông tư số 20/2014/TT-BCT)

Điều 1. Danh mục hàng hóa đặc biệt

Việt Nam áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT đối với hàng hóa đặc biệt được liệt kê tại danh mục riêng kèm theo Phụ lục này. Tổng số mặt hàng trong danh mục hàng hóa đặc biệt gồm 100 (một trăm) mặt hàng có mã số hàng hóa ở cấp HS 6 (sáu) số.

Điều 2. Quy tắc xuất xứ quy định cho hàng hóa áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT

1. “Hàng hóa đặc biệt” nêu tại Điều 1 Phụ lục này được tái nhập khẩu dưới dạng sản phẩm không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, chế biến đơn giản nào quy định tại Điều 8 Phụ lục l ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT trong lãnh thổ của nước thành viên tái nhập khẩu để xuất khẩu được coi là có xuất xứ từ lãnh thổ của nước tái nhập khẩu đó, với điều kiện:

a) Tổng trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ[1] không vượt quá 40% (phần trăm) trị giá FOB của thành phẩm được coi là có xuất xứ; và

b) Trị giá nguyên liệu có xuất xứ được xuất khẩu từ một nước thành viên phải đạt ít nhất 60% (phần trăm) tổng trị giá các nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất thành phẩm.

2. Trừ khi có quy định khác tại Phụ lục này, các quy tắc liên quan trong Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT được áp dụng với những sửa đổi thích hợp đối với việc cấp xuất xứ cho hàng hóa đặc biệt áp dụng Điều 6 Phụ lục I Thông tư số 20/2014/TT-BCT được liệt kê tại danh mục riêng kèm theo Phụ lục này.

Điều 3. Thủ tục cấp C/O đối với hàng hóa áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT

1. C/O cho hàng hóa áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT do Tổ chức cấp C/O[2] của nước thành viên xuất khẩu cấp theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT.

2. Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu phải ghi rõ trên C/O hàng hóa đặc biệt đó áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT.

3. Trừ khi có quy định khác tại Phụ lục này, các quy tắc liên quan trong Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT phải được áp dụng với những sửa đổi thích hợp đối với hàng hóa đặc biệt áp dụng Điều 6 Phụ lục I Thông tư số 20/2014/TT-BCT được liệt kê tại danh mục riêng kèm theo Phụ lục này.

4. Hàn Quốc hỗ trợ cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu tiến hành kiểm tra hàng hóa áp dụng Điều 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT phù hợp với Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT.

[...]