Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 26/2006/TT-BTC hướng dẫn Chế độ tài chính và thủ tục hải quan áp dụng đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 26/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 04/04/2006
Ngày có hiệu lực 01/05/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH VÀ THỦ TỤC HẢI QUAN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y, TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Luật, Pháp lệnh về thuế, phí, lệ phí;
Căn cứ Quyết định số 217/2005/QĐ-TTg ngày 05/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum;
Căn cứ Quyết định số 273/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu biên giới
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng:

Chế độ tài chính và thủ tục hải quan quy định tại Thông tư này được áp dụng trong phạm vi địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (sau đây gọi tắt là Khu KTCK) có diện tích 68.570 ha, được quy định cụ thể tại Điều 2, Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu KTCK quốc tế Bờ Y ban hành theo Quyết định số 217/2005/QĐ-TTg ngày 05/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính quy định tại Thông tư này là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu KTCK quốc tế Bờ Y, bao gồm:

a. Các nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và cá nhân hành nghề độc lập.

b. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh; người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh được tiến hành trên địa bàn Khu thương mại và công nghiệp mới được hưởng các ưu đãi dành cho địa bàn khu thương mại và công nghiệp quy định tại Thông tư này. Trường hợp các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh cả trên địa bàn Khu thương mại và công nghiệp và trong nội địa Việt Nam thì phải hạch toán riêng các hoạt động kinh doanh trên địa bàn Khu thương mại và công nghiệp làm căn cứ xác định chế độ ưu đãi.

Đối với dự án khuyến khích đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư có mức ưu đãi về thuế cao hơn mức ưu đãi quy định tại Quyết định 217/2005/QĐ-TTg thì tiếp tục thực hiện theo mức ưu đãi ghi trong giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho thời gian còn lại của dự án; trường hợp trong giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư quy định mức ưu đãi về thuế thấp hơn thì được hưởng mức ưu đãi theo quy định của Quyết định 217/2005/QĐ-TTg cho thời gian ưu đãi còn lại.

3. Giải thích từ ngữ:

Trong Thông tư này, cụm từ “Khu Thương mại và công nghiệp” là Khu Thương mại và Công nghiệp (sau đây gọi tắt là KTM-CN) thuộc Khu KTCK quốc tế Bờ Y, là một loại hình khu phi thuế quan, có quy mô, vị trí được xác định trong quy hoạch chung và chi tiết của Khu KTCK quốc tế Bờ Y.

Cụm từ “nội địa Việt Nam” là phần còn lại của Khu KTCK quốc tế Bờ Y không bao gồm KTM-CN và phần lãnh thổ nước Việt Nam ngoài Khu KTCK quốc tế Bờ Y.

4. Điều kiện áp dụng chế độ tài chính đối với KTM-CN:

KTM-CN được hưởng các chế độ ưu đãi về tài chính quy định tại Thông tư này khi bảo đảm đồng thời các điều kiện sau:

- Có hàng rào cứng bảo đảm cách ly các hoạt động trong KTM-CN với nội địa Việt Nam;

- Trong KTM-CN không có khu dân cư, không có dân cư cư trú thường xuyên hoặc tạm trú (kể cả người nước ngoài);

- Có Trạm Kiểm soát hải quan để giám sát, kiểm tra người, hàng hoá và các phương tiện vào và ra KTM-CN.

5. Một số quy định chung về hải quan:

- Các tổ chức kinh tế hoạt động trong KTM-CN được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.

- Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa KTM-CN và nội địa Việt Nam được coi là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và phải tuân theo các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của pháp luật của Việt Nam.

- Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nội địa Việt Nam chỉ được nhập từ KTM-CN những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu, chỉ được xuất khẩu vào KTM-CN những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của hải quan.

- Cục Hải quan tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành lập các trạm kiểm soát hải quan KTM-CN tại các cổng ra-vào KTM-CN. Các trạm hải quan KTM-CN chịu sự quản lý trực tiếp của Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc loại hình nào thì áp dụng quy trình thủ tục hải quan hiện hành đối với loại hình đó.

- Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và có trách nhiệm phối hợp với các ban ngành liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu theo chỉ đạo của Ban quản lý KKTCKQT Bờ Y.

6. Nguyên tắc ưu đãi đầu tư:

[...]