Thông tư 23TC/TCT-1996 hướng dẫn thủ tục miễn thuế đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 23TC/TCT
Ngày ban hành 26/04/1996
Ngày có hiệu lực 26/04/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23TC/TCT

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 23 TC/TCT NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC MIỄN THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Căn cứ các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành và Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người tàn tật; Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục miễn thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

a. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh) là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Hợp tác xã, tổ sản xuất được thành lập theo quy định của pháp luật, có đủ các điều kiện dưới đây thì thuộc đối tượng miễn thuế theo Điều 10 Nghị định 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ:

- Được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật.

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc mở sổ sách kế toán, sử dụng chứng từ mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo quy định của chế độ hiện hành.

- Có giấy phép kinh doanh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Có từ 10 lao động trở lên, trong đó có 51% số lao động là người tàn tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. Đối với các cơ sở SXKD là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, tổ sản xuất, thì ngoài số lao động là người tàn tật, số lao động còn lại chủ yếu phải là thân nhân của người tàn tật, người góp vốn cổ phần là người có trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật.

- Có quy chế hoặc điều lệ phù hợp đối tượng lao động là người tàn tật và quản lý cơ sở SXKD chủ yếu là người tàn tật.

- Có đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế.

b. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

- Các cơ sở kinh doanh của người tàn không đủ các điều kiện nêu tại điểm a mục 1 Thông tư này.

- Các cơ sở kinh doanh của người tàn tật hoạt động buôn chuyến.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật có địa điểm kinh doanh cố định khi mua hàng, vận chuyển hàng đi bán hay trao đổi không chấp hành đúng các quy định về chế độ chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường phải nộp thuế theo hoạt động buôn chuyến.

II. CÁC LOẠI THUẾ ĐƯỢC MIỄN:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật (dưới đây gọi tắt là cơ sở SXKD) trong quá trình kinh doanh nếu đủ các điều kiện tại điểm 1 nêu trên thì được miễn các các loại thuế sau:

- Thuế doanh thu;

- Thuế lợi tức;

- Thuế nhà đất;

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

III. THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN MIỄN THUẾ:

a. Thủ tục và thẩm quyền miễn thuế doanh thu và thuế lợi tức:

Việc xem xét miễn thuế doanh thu, thuế lợi tức cho cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật được tiến hành hàng năm. Cơ sở SXKD chỉ được miễn thuế đối với các ngành nghề kinh doanh đã ghi trong giấy phép kinh doanh, nếu có các hoạt động sản xuất khác với ngành nghề đã ghi trong giấy phép thì phải nộp thuế theo quy định của các Luật thuế, Pháp lệnh thuế hiện hành. Sau khi kết thúc năm sản xuất kinh doanh, cơ sở SXKD phải lập hồ sơ xin miễn thuế và gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ xin miễn thuế gồm có:

- Đơn đề nghị miễn thuế của cơ sở có kèm theo xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

- Giấy phép đăng ký kinh doanh.

- Đăng ký nộp thuế.

- Quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận là cơ sở SXKD dành riêng cho lao động là người tàn tật.

[...]