Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 23/2023/TT-BKHCN
Ngày ban hành 30/11/2023
Ngày có hiệu lực 30/11/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Bùi Thế Duy
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2023/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 65/2023/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2023 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP, QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO ĐẢM THÔNG TIN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành các quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 65/2023/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại các trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “người nộp đơn”) là tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi văn bằng bảo hộ sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là chủ văn bằng bảo hộ. Khi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, người nộp đơn được ghi nhận là người đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

2. Người khiếu nại là tổ chức, cá nhân thực hiện việc khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành thông thường và biết rõ các kiến thức chung, phổ biến trong lĩnh vực tương ứng.

4. Công ước Paris là Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, được sửa đổi năm 1967 và năm 1979.

5. Hiệp ước Budapest là Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế năm 1977, được sửa đổi năm 1980.

Điều 4. Đại diện của người nộp đơn, người khiếu nại

1. Đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại Điều 89Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 89khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ:

(i) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại;

(ii) Trường hợp người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của người nộp đơn, người khiếu nại ủy quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại; người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định pháp luật về đầu tư (nếu người nộp đơn, người khiếu nại là tổ chức nước ngoài).

Trường hợp đối tượng yêu cầu bảo hộ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được giao trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022 có hiệu lực hoặc thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng: đại diện chủ sở hữu nhà nước; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo ủy quyền của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

b) Đối với người nộp đơn, người khiếu nại là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 89khoản 2 Điều 119a của Luật Sở hữu trí tuệ: tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo ủy quyền của người nộp đơn, người khiếu nại.

2. Khi tiến hành các thủ tục liên quan, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ được phép giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại hoặc đại diện hợp pháp của người nộp đơn, người khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều này. Việc thực hiện giao dịch với các chủ thể nêu trên sau đây gọi chung là giao dịch với người nộp đơn, người khiếu nại.

Điều 5. Ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

[...]