BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/2015/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 06 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU VỀ TIỀN LƯƠNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 05/2015/NĐ-CP NGÀY 12
THÁNG 01 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ
NỘI DUNG CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Căn cứ Nghị định
số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12
năm 2012 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định
số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền
lương;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm
2015 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều về ti ền
lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động
(sau đây gọi tắt là Nghị định số 05/2015/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đại
diện tập thể lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến
quan hệ lao động trong việc thực hiện một số quy định về tiền lương theo Nghị định
số 05/2015/NĐ-CP.
Điều 3. Tiền lương
Tiền lương theo quy định tại Khoản 1
và Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:
1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người
lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định,
bao gồm:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức
lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy
định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Điều
7, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền
lương;
b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về
điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ
thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo
công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương, cụ thể:
- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, bao gồm công việc
có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm.
- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như
công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm
cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm,
kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của người lao
động.
- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công
việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt,
vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải
thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều
kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.
- Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động, như khuyến
khích người lao động đến làm việc ở vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề,
công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến
khích người lao động làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao
hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức
lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh
trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo
quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca;
các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người
thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn
cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ
cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng
lao động.
2. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ
theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và
chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện, bảo đảm mức lương trả cho
người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ
làm việc bình thường, hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận
(không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc
vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Điều 4. Hình thức trả lương
Hình thức trả lương theo quy định tại Điều
22 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần,
theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho người lao động hưởng lương theo thời
gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
a) Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc
xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
b) Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc
xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
c) Tiền lương ngày được trả
cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm
việc bình thường trong tháng (tính theo từng tháng dương lịch và bảo đảm cho
người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày) theo quy định
của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
d) Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác
định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày
theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
2. Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao
động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng
sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
3. Tiền lương khoán
được trả cho người lao động hưởng lương khoán,
căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất
công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động lựa chọn
hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc, khuyến
khích người lao động nâng cao hiệu quả, năng suất lao động. Việc lựa chọn hoặc
thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thỏa ước
lao động tập thể.
Điều 5. Kỳ hạn trả lương đối với
người hưởng lương tháng
Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng
theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được
quy định như sau:
1. Người lao động hưởng lương
tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong
tháng mà người lao động làm việc.
2. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được
ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
Điều 6. Tiền lương làm thêm giờ
Trả lương khi người lao động làm thêm giờ theo quy
định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy
định như sau:
1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời
gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường
do người sử dụng lao động quy định theo Điều 104 của Bộ luật
lao động và được tính như sau:
Tiền lương làm
thêm giờ
|
=
|
Tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 150%
hoặc 200% hoặc 300%
|
x
|
Số giờ làm thêm
|
Trong đó:
a) Tiền lương giờ thực trả của
ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả theo
công việc đang làm của tháng mà người lao động làm thêm giờ (trừ tiền lương làm
thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm) chia cho số giờ thực tế
làm việc trong tháng (không kể số giờ làm thêm). Trường hợp trả lương theo ngày
hoặc theo tuần, thì tiền lương giờ thực trả được xác định trên cơ sở tiền lương
thực trả của ngày hoặc tuần làm việc đó (trừ tiền lương làm thêm giờ, tiền
lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm) chia cho số giờ thực tế làm việc trong
ngày hoặc trong tuần (không kể số giờ làm thêm);
b) Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;
c) Mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng
tuần;
d) Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ,
tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày
nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với người lao động
hưởng lương theo ngày.
Người lao động hưởng lương ngày là những người có
tiền lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động theo ngày và chưa bao gồm tiền
lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật
Lao động.
2. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm,
được trả lương làm thêm giờ khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa
thuận làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối
lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc theo định
mức lao động đã thỏa thuận và được tính như sau:
Tiền lương làm
thêm giờ
|
=
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 150%
hoặc 200% hoặc 300%
|
x
|
Số sản phẩm làm
thêm
|
Trong đó:
a) Mức ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào
ngày thường;
b) Mức ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào
ngày nghỉ hằng tuần;
c) Mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào
ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Điều 7. Tiền lương làm việc vào
ban đêm
Người lao động làm việc vào ban đêm theo quy định tại
Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được trả tiền
lương như sau:
1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời
gian, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm việc
vào ban đêm
|
=
|
Tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường
|
+
|
Tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 30%
|
x
|
Số giờ làm việc
vào ban đêm
|
Trong đó: Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc
bình thường được xác định theo điểm a, Khoản 1 Điều 6 Thông tư
này.
2. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm,
tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm việc
vào ban đêm
|
=
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường
|
+
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 30%
|
x
|
Số sản phẩm làm
vào ban đêm
|
Điều 8. Tiền lương làm thêm giờ
vào ban đêm
Trả lương khi người lao động làm thêm giờ vào ban
đêm theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP
được quy định như sau:
1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời
gian, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm
thêm giờ vào ban đêm
|
=
|
Tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 150%
hoặc 200% hoặc 300%
|
+
|
Tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất
30%
|
+ 20% x
|
Tiền lương giờ vào
ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của
ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương
|
x
|
Số giờ làm thêm
vào ban đêm
|
Trong đó:
a) Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình
thường được xác định theo điểm a, Khoản 1 Điều 6 Thông tư này;
b) Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc
bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ
có hưởng lương được xác định như sau:
- Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc
bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với tiền lương giờ thực trả của
ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ
vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng
150% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường đối với trường
hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm
giờ vào ban đêm).
- Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần,
được tính ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc
bình thường.
- Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết,
ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực
trả của ngày làm việc bình thường.
2. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm,
tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:
Tiền lương làm
thêm giờ vào ban đêm
|
=
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất 150%
hoặc 200% hoặc 300%
|
+
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm của ngày làm việc bình thường
|
x
|
Mức ít nhất
30%
|
+ 20% x
|
Đơn giá tiền lương
sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng
tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương
|
x
|
Số sản phẩm làm
thêm vào ban đêm
|
Trong đó:
a) Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của
ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết,
ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:
- Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày
làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với đơn giá tiền lương sản
phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm
thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất
bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối
với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước
khi làm thêm giờ vào ban đêm);
- Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày
nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với đơn giá sản phẩm của ngày
làm việc bình thường.
- Đơn giá sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết,
ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất bằng 300% so với đơn giá sản phẩm của
ngày làm việc bình thường.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08
tháng 8 năm 2015.
2. Các chế độ tại Thông tư này
được thực hiện kể từ ngày Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật
Lao động có hiệu lực thi hành.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc,
kiểm tra thực hiện các quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị
cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính
phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP;
- Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW các đoàn thể và các Hội;
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty hạng đặc biệt;
- Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Đăng Công báo;
- Website của Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Vụ LĐTL, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Minh Huân
|