BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
23/2013/TT-BNNPTNT
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT LÀ
RỪNG SẢN XUẤT
Căn cứ Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định
75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định
01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số
23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển
rừng;
Căn cứ Quyết định số
186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản
lý rừng;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư
này quy định điều kiện, điều tra, thiết kế, hồ sơ, thẩm định, phê duyệt thiết kế
cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất trong phạm vi cả nước.
2. Đối tượng áp dụng: các cơ quan,
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong nước; tổ chức, cá
nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.
3. Thông tư này không áp dụng cho
việc trồng Cao su trên đất lâm nghiệp.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Rừng tự nhiên nghèo kiệt: là rừng
tự nhiên có trữ lượng rất thấp, chất lượng kém; khả năng tăng trưởng và năng suất
rừng thấp, nếu để rừng phục hồi tự nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu về kinh
tế, yêu cầu phòng hộ.
2. Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt
là việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt không còn khả năng phục hồi có hiệu quả nếu
áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên bằng trồng lại cây rừng
để khôi phục thành rừng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và
môi trường cao hơn.
3. Cải tạo cục bộ là cải tạo rừng
tự nhiên nghèo kiệt bằng phương pháp trồng rừng theo băng, theo đám trong một
lô rừng.
4. Cải tạo toàn diện là cải tạo rừng
tự nhiên nghèo kiệt bằng phương pháp trồng rừng trên toàn bộ một lô rừng.
Điều 3. Điều
kiện rừng tự nhiên nghèo kiệt áp dụng biện pháp cải tạo
Khu rừng tự nhiên ở trạng thái
nghèo kiệt (không thuộc rừng núi đá) áp dụng biện pháp cải tạo phải đáp ứng đủ
các điều kiện sau:
1. Thuộc quy hoạch rừng sản xuất
được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, giao;
2. Có
dự án và kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
3. Tiêu chí rừng tự nhiên áp dụng
biện pháp cải tạo
a) Rừng tự nhiên nghèo kiệt áp dụng
biện pháp cải tạo, phải được đánh giá không có khả năng phục hồi thành trạng
thái rừng có chất lượng cao hơn với mức tăng trưởng tối đa 2 m3/ha/năm
đối với rừng gỗ nếu tiến hành nuôi dưỡng hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng tự
nhiên; tổ thành loài cây mục đích thấp dưới 50%, phân bố không đều.
b) Cấu trúc tầng tán rừng đã bị
phá vỡ; cây mục đích phân bố không đều trong lô rừng; độ tán che của cây gỗ có
đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên nhỏ hơn 0,3
trên một lô rừng;
c) Điều kiện lập địa phù hợp với đặc
tính sinh trưởng và phát triển của các loài cây trồng để cải tạo rừng nghèo kiệt.
Trường hợp cải tạo rừng toàn diện thì độ dốc các lô rừng cải tạo dưới 25 độ, diện
tích tối đa được cải tạo một lần không quá 100 (một trăm) héc-ta trong một tiểu
khu rừng, khi cây trồng trên diện tích đó đủ tiêu chí thành rừng mới được thực
hiện ở diện tích rừng nghèo kiệt liền kề.
Tiêu chí lâm học cụ thể đối với
các loại trạng thái rừng như sau:
- Rừng gỗ lá rộng thường xanh và nửa
rụng lá: số lượng cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao vút ngọn từ 01 mét trở
lên dưới 800 cây/ha, phân bố không đều trên diện tích một lô rừng; trữ lượng gỗ
của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08
cen-ti-mét trở lên dưới 50 m3/ha.
- Rừng gỗ lá rộng rụng lá theo
mùa: số lượng cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao vút ngọn từ 01 mét trở lên
dưới 700 cây/ha, phân bố không đều (đối với tái sinh chồi từ một gốc cây mẹ có
nhiều chồi chỉ tính 01 chồi tái sinh tốt nhất) trên một lô rừng; trữ lượng gỗ của
tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 8 cen-ti-mét trở
lên dưới 40 m3/ha trong một lô rừng.
- Rừng lá kim: số cây có đường
kính bình quân tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08 cen-ti-mét trở lên dưới 80
cây/ha, phân bố không đều trên diện tích một lô rừng.
- Rừng tràm: số cây có đường kính
bình quân tại vị trí 1,3 mét nhỏ hơn 6 cen-ti-mét dưới 2.500 cây/ha; từ 6 đến
10 cen-ti-mét dưới 1.500 cây/ha; từ trên 10 đến 14 cen-ti-mét dưới 1.500
cây/ha; trên 14 cen-ti-mét dưới 1.000 cây/ha trong một lô rừng.
- Rừng ngập mặn: số cây có đường
kính bình quân tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất nhỏ hơn 12 cen-ti-mét dưới 1.000
cây/ha; từ 12 đến 18 cen-ti-mét dưới 600 cây/ha; từ trên 18 đến 24 cen-ti-mét
dưới 400 cây/ha; trên 24 cen-ti-mét dưới 200 cây/ha trong một lô rừng.
- Rừng tre nứa: số cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất
từ 05 cen-ti-mét trở lên dưới 3.000 cây/ha trong một lô rừng; trường hợp lô rừng
chỉ có tre nứa đường kính nhỏ hơn thì không phụ thuộc vào mật độ.
- Rừng hỗn loài tre nứa và gỗ: trữ
lượng gỗ của tất cả các cây có đường kính tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất từ 08
cen-ti-mét trở lên dưới 25 m3/ha; số cây tre nứa có đường kính tại vị
trí 1,3 mét trên mặt đất từ 05 cen-ti-mét trở lên dưới 1.500 cây/ha trong một
lô rừng.
Điều 4. Công
tác ngoại nghiệp
1. Xác định ranh giới, diện tích
khu rừng nghèo kiệt áp dụng biện pháp cải tạo: phát hoặc đánh dấu ranh giới khu
rừng điều tra trên thực địa; tính toán diện tích, lập bản đồ hiện trạng rừng tỉ
lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000 phù hợp với quy mô diện tích khu rừng.
2. Lập
ô tiêu chuẩn đo đếm trữ lượng gỗ và số lượng cây (tổng diện tích các ô tiêu chuẩn
tối thiểu là 2 % diện tích khu rừng thiết kế), cụ thể như sau:
a) Đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt
lá rộng thường xanh, rừng rụng lá theo mùa, rừng lá kim lập ô tiêu chuẩn có diện
tích 1.000 m2 thu thập số liệu: tên, phẩm chất cây rừng theo 3 cấp
(tốt, trung bình, xấu); đo đường kính ở vị trí 1,3 mét trên mặt đất và chiều
cao vút ngọn của tất cả cây trong ô tiêu chuẩn có đường kính từ 08 cen-ti-mét
trở lên. Mỗi ô tiêu chuẩn được ghi vào một phiếu điều tra. Tính trữ lượng cây đứng
bình quân theo lô bằng tổng hợp từ việc xác định thể tích cây đứng theo công thức:
Vcây = G.Hvn.f, trong đó: Vcây là thể tích thân cây; G là
tiết diện ngang của cây tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất; Hvn là chiều cao vút
ngọn của cây; f là hình số độ thon (đối với rừng tự nhiên f = 0,45). Căn cứ vào
kết quả điều tra ô tiêu chuẩn để tính toán sản lượng gỗ, tỷ lệ gỗ tận dụng, dự
kiến sản phẩm gỗ, củi từng lô rừng và toàn bộ diện tích thiết kế.
b) Đối
với rừng tràm và rừng ngập mặn lập ô tiêu chuẩn có diện tích 1.000 m2.
Thống kê số lượng cây trong ô tiêu chuẩn có đường kính từ 6 cen-ti-mét trở lên
tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất, trên cơ sở kết quả tổng hợp trong ô tiêu chuẩn
xác định mật độ và đường kính bình quân một héc-ta của lô rừng và của toàn bộ
diện tích thiết kế.
c) Đối với rừng tre nứa lập ô tiêu
chuẩn 100 m2. Thống kê số lượng cây trong ô tiêu chuẩn có đường kính
từ 5 cen-ti-mét trở lên tại vị trí 1,3 mét trên mặt đất, trên cơ sở kết quả tổng
hợp trong ô tiêu chuẩn xác định mật độ bình quân một héc-ta của lô rừng và của
toàn bộ diện tích thiết kế.
Điều 5. Công
tác nội nghiệp
Thiết kế kỹ thuật cải tạo rừng tự
nhiên nghèo kiệt thực hiện theo Quy trình thiết kế trồng rừng 04TCN 128-2006
ban hành kèm theo Quyết định số 4108 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/12/2006 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung thiết kế gồm:
1. Xác định biện pháp kỹ thuật trồng
rừng
Dựa vào điều kiện tự nhiên đã khảo
sát (loại đất, loại thực bì, dạng địa hình), đặc điểm sinh thái của loài cây trồng,
mục đích kinh doanh để chọn loài cây trồng và xác định biện pháp kỹ thuật trồng
rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng.
2. Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ
thuật
Dựa vào các chỉ tiêu kinh tế kỹ
thuật của Nhà nước, của địa phương và thực tế của đơn vị sản xuất, đơn vị thiết
kế cùng đơn vị sản xuất, xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
3. Tính toán nội nghiệp, hoàn
thành kết quả thiết kế.
a) Tính toán chi phí 1 ha cho từng
công thức trồng rừng, chi phí trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ và tạo cây giống.
b) Tổng hợp diện tích trồng rừng,
chăm sóc rừng trồng theo địa danh.
c) Tổng hợp dự toán trồng rừng,
chăm sóc rừng trồng.
4. Thành qủa thiết kế cải tạo rừng
a) Bản
thuyết minh thể hiện chi tiết về: chủ rừng và địa chỉ; mục tiêu cải tạo rừng; địa
điểm, vị trí, ranh giới và lô, khoảnh, tiểu khu rừng cải tạo; điều kiện khí hậu,
địa hình, đất đai; hiện trạng rừng; phương thức cải tạo; loài cây trồng; chỉ
tiêu, nội dung và biện pháp kỹ thuật tác động; khai thác, tận thu lâm sản trên
đất cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 35/2011/TT-BNN
ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
dự kiến năng suất, sản lượng loài cây được đưa vào trồng cải tạo; công trình cần
xây dựng; lao động và dự toán kinh phí; thời hạn hoàn thành;
b) Bản đồ thiết kế: mỗi khu rừng cải
tạo có một bản đồ tỷ lệ từ 1/5.000 hoặc 1/10.000 phù hợp với quy mô diện tích
khu rừng. Trên bản đồ thể hiện đầy đủ vị trí, ranh giới, số hiệu, trạng thái rừng,
diện tích lô, khoảnh, tiểu khu rừng và các công trình cần xây dựng.
5. Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức
việc lập thiết kế cải tạo rừng hoặc thuê tổ chức tư vấn thiết kế đảm bảo điều
kiện theo đúng quy định tại Điều 21 Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; trình cơ quan nhà nước
có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
Điều 6. Trình
tự khai thác tận dụng lâm sản trên đất rừng cải tạo.
1. Khai thác tận dụng lâm sản của
các tổ chức.
Chủ rừng hoặc chủ đầu tư xây dựng
hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phê duyệt. Hồ sơ khai thác tận dụng gồm một số nội dung sau: Xác định ranh giới,
phân chia địa danh theo lô, khoảnh, tiểu khu và lập bản đồ khu vực khai thác tỉ
lệ 1: 5.000; tính toán diện tích, sản lượng lâm sản khai thác theo cấp kính, chủng
loại gỗ của từng lô, khoảnh, tiểu khu và tổng hợp cho cả khu vực khai thác; xác
định các công trình sản xuất và dự kiến chi phí khai thác.
Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào
tình hình thực tế tại địa phương lựa chọn đơn vị có chức năng hoặc giao cho chủ
rừng, chủ đầu tư trồng cải tạo rừng để khai thác tận dụng lâm sản, nhưng phải
thực hiện đúng quy định và đảm bảo tiến độ trồng rừng theo kế hoạch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn cấp phép khai thác tận dụng lâm sản cho chủ rừng hoặc chủ đầu tư và đơn vị
có chức năng khai thác được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
Việc tổ chức khai thác tận dụng
(trước hoặc đồng thời với khai hoang), xác định giá lâm sản, cơ chế tiêu thụ gỗ,
củi tận dụng trên diện tích rừng cải tạo chuyển sang trồng rừng do Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét quyết định cụ thể.
2. Khai thác tận dụng lâm sản của
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng
dân cư thôn thống kê số cây và tính toán sản lượng lâm sản khai thác tận dụng
(nếu có) trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và cấp phép khai thác tận dụng.
Điều 7. Hồ sơ,
thẩm định, phê duyệt cải tạo rừng
1. Hồ sơ đề nghị cải tạo rừng
a) Đối với chủ rừng là tổ chức, hồ
sơ gồm: Đề nghị cải tạo rừng theo mẫu
tại Phụ
lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; thiết kế kỹ thuật cải tạo rừng
quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Thông tư này; biên bản kiểm tra hiện trường theo mẫu tại Phụ lục
3 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Đối với chủ rừng là hộ gia
đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn: Đề nghị cải tạo rừng, trong đó nêu rõ địa chỉ; mục tiêu cải tạo rừng; địa điểm, vị
trí, ranh giới và lô, khoảnh, tiểu khu rừng cải tạo; hiện trạng rừng; phương thức
cải tạo; loài cây trồng; thời hạn hoàn thành theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra hiện
trường theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo
Thông tư này.
c) Số lượng hồ sơ: 05 bộ hồ sơ (01
bản chính, 04 bản sao chụp).
d) Cách thức nộp hồ sơ: tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nộp hồ sơ quy định tại Điểm a, b của
Khoản này trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền quy định
Điểm a, Khoản 2 của Điều này.
2. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ cải
tạo rừng
a) Thẩm quyền
Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định, phê
duyệt hồ sơ cải tạo rừng đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và các chủ rừng
là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng đối với chủ rừng
là tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
b) Tổ chức thẩm định
Cơ quan có thẩm quyền quy định tại
Điểm a của Khoản này tổ chức lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cải tạo rừng. Thành
phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan, tổ chức khoa học có liên quan
với số thành viên tối thiểu là 5 (năm); đại diện lãnh đạo cơ quan thẩm định là
chủ tịch Hội đồng. Kết quả thẩm định của Hội đồng phải được lập thành biên bản
có chữ ký của chủ tịch Hội đồng và ủy viên thư ký.
Ngay sau khi hoàn thành việc thẩm
định, chủ tịch Hội đồng trình Thủ trưởng cơ quan xem xét phê duyệt hoặc không
phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng.
c) Trình tự thẩm định phê duyệt
Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày
làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị cải tạo rừng, cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt phải lập Hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc
lý do không phê duyệt hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng
đồng dân cư thôn đã đề nghị. Trường hợp cần phải xác minh thực địa thì thời
gian phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng được kéo dài không quá 15 (mười lăm) ngày làm
việc.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì
trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp
nhận hồ sơ phải thông báo cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
thôn biết.
Điều 8. Trách
nhiệm thực hiện
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân,
cộng đồng dân cư thôn cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất phải thực
hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của Thông tư này; phải thực hiện ngay
việc trồng lại rừng và hoàn thành trồng lại trên toàn bộ
diện tích cải tạo trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm khai thác, phát dọn
thực bì rừng tự nhiên nghèo kiệt.
2. Tổ chức thiết kế cải tạo rừng tự
nhiên nghèo kiệt phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này và chịu trách
nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của hồ sơ thiết kế.
3. Chủ rừng có trách nhiệm tổ chức
thực hiện, kiểm tra, giám sát việc cải tạo rừng theo đúng quy định tại Thông tư
này và quy định của pháp luật.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo rừng chịu trách nhiệm trước pháp luật
về kết quả phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng.
Điều 9. Hiệu lực
thi hành
1. Bãi bỏ Khoản 2,
Mục II, Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng
ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng
Chính phủ; Thông tư số 56/2012/TT-BNNPTNT ngày 06/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản
xuất
2. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 7 năm 2013.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nôn g thôn xem xét, sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng CP (để
b/c);
- VP quốc hội;
- VP Chính phủ, website Chính phủ; Công báo;
- Các Bộ, Cq ngang Bộ, Cq thuộc Chính phủ;
- Viện KSND Tối cao; Toà án ND Tối cao;
- Cq Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- HĐND, UBND các tỉnh, Tp trực thuộc TW;
- Sở NN & PTNT các tỉnh, Tp trực thuộc TW;
- Chi cục KL các tỉnh, Tp trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VP Bộ, TCLN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|
PHỤ LỤC 01:
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẢI TẠO RỪNG CỦA TỔ
CHỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2013/TT-BNNPTNT
ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------
……………, ngày ......tháng ..... năm......
ĐỀ NGHỊ CẢI TẠO RỪNG
Kính gửi :
……………….............................
Tên tổ chức:
Địa chỉ:
Căn cứ Thông tư /2013
/TT-BNNPTNT ngày / /2013 về việc Quy định cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đề
nghị (Tổng cục Lâm nghiệp/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cải tạo rừng
tự nhiên nghèo kiệt như sau:
Vị trí: thuộc lô…khoảnh…, tiêu
khu....
Hiện trạng rừng...., diện
tích….ha; diện tích cải tạo:…..ha
Trữ lượng:... m3; bình
quân........m3 /ha;
Phương án cải tạo:
- Cải tạo theo
băng……………....................………………………
- Cải tạo theo
đám………………………………………………….
- Cải tạo toàn diện:…………………………………………………..
- Trồng lại rừng: Loài cây trồng.......,
thời gian trồng ..........................
Thời gian thực hiện: từ
ngày…..tháng……năm ….. đến ngày .…tháng ….năm ……
................(tên tổ chức) cam
đoan thực hiện đúng quy định của nhà nước về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt,
nếu vi phạm hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
PHỤ LỤC 02:
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẢI TẠO RỪNG CỦA HỘ
GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ THÔN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23 /2013/TT-BNNPTNT
ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------
……………, ngày......tháng ...... năm .....
ĐỀ NGHỊ CẢI TẠO RỪNG
Kính gửi : ……………….
Tên chủ hộ/cá nhân/cộng đồng
dân cư thôn
Địa chỉ:
Căn cứ Thông tư /2013/TT-BNNPTNT
ngày / /2013 về việc Quy định cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đề nghị cải tạo
rừng tự nhiên nghèo kiệt như sau.
Vị trí: thuộc lô…....khoảnh…...,
tiêu khu.......
Hiện trạng rừng........, diện
tích….ha; diện tích cải tạo:….....ha
Trữ lượng:.........m3; bình
quân........m3/ha;
Mục
tiêu cải tạo rừng:
Phương án cải tạo:
- Cải tạo theo
băng……………....................………………………
- Cải tạo theo
đám………………………………………………….
- Cải tạo toàn diện:…………………………………………………..
- Trồng lại rừng: Loài cây trồng.......,
thời gian trồng ..........................
Thời gian thực hiện: từ
ngày…..tháng……năm ….đến ngày .…tháng ….năm ……
Tôi cam đoan thực hiện đúng quy định
của nhà nước về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, nếu vi phạm tôi hoàn toàn chịu
trách nhiệm trước pháp luật./.
Đại diện cơ
quan kiểm lâm sở tại
(ký và đóng dấu)
|
Đại diện UBND xã
(ký
và đóng dấu)
|
Người làm đơn
(ký,
ghi rõ họ và tên)
|
PHỤ LỤC 03:
MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA HIỆN TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 23 /2013/TT-BNNPTNT ngày
04 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------
……..Ngày.....
tháng..... năm.....
BIÊN
BẢN KIỂM TRA HIỆN TRƯỜNG
1. Tên hồ sơ cải
tạo rừng:
2. Địa điểm:
3. Thành phần
kiểm tra:
- Đại diện Chủ rừng quản lý khu rừng đề nghị cải tạo
- Đại diện UBND xã nơi khu rừng được cải tạo;
- Đại diện cơ quan kiểm lâm sở tại
- Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế lập hồ sơ.
4. Kết quả kiểm
tra:
- Về vị trí lô
rừng.....................................
- Về điều kiện
rừng cải tạo ( 5 điều kiện theo Thông tư quy định)
................................................................................................................................
................................................................................................................................
...............................................................................................................................
Kết luận và kiến
ghị:
.................................................................................................................................
.................................................................................................................................
…………………........................................................................................................
Biên bản được lập
thành 05 bản và thông qua vào hồi ….giờ …..ngày … tháng………….năm …………………
Đại diện cơ
quan kiểm lâm sở tại
(ký và đóng dấu)
|
Đại diện UBND xã
(ký
và đóng dấu)
|
Người làm đơn
(ký,
ghi rõ họ và tên)
|