Thông tư 23/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 23/2007/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 23/10/2007
Ngày có hiệu lực 15/11/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Huỳnh Thị Nhân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 23/2007/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2007

HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 133/2007/NĐ-CP ngày 08/08/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động (sau đây gọi là Nghị định số 133/2007/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 122/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 07 năm 2007 quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công ( sau đây gọi tắt là Nghị định số 122/2007/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn về nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động như sau
:

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG

1. Nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài lao động

a) Hoà giải các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động;

b) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công quy định tại Nghị định số 122/2007/NĐ-CP.

2. Quyền hạn của Hội đồng trọng tài lao động

a) Tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ các bên tranh chấp, những người có liên quan, những người làm chứng;

b) Thu thập tài liệu chứng cứ, yêu cầu các bên tranh chấp và những người có liên quan  cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp;

c) Yêu cầu các bên tranh chấp tới phiên họp hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp do  Hội đồng trọng tài lao động triệu tập;

d) Đưa ra phương án hoà giải để hai bên tranh chấp cùng xem xét, thương lượng;

đ) Lập biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành;

e) Ra quyết định giải quyết vụ tranh chấp tại các doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công;

g) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về hoà giải các tranh chấp lao động cho Hội đồng hoà giải cơ sở và hoà giải viên lao động tại địa phương.

h) Thư ký Hội đồng trọng tài lao động được hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 5, Điều 11 của Nghị định số 133/2007/NĐ-CP. Các thành viên Hội đồng trọng tài lao động khác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm trong những ngày thực hiện công tác hoà giải, giải quyết tranh chấp lao động, kể cả những ngày nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ hai bên tranh chấp lao động để thu thập tài liệu, chứng cứ được hưởng chế độ bồi dưỡng tương đương với chế độ bồi dưỡng phiên toà áp dụng đối với Hội thẩm nhân dân theo Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng phiên toà.

3. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động

a) Điều hành mọi hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, chủ trì các cuộc hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động;

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động;

c) Ký biên bản, Quyết định giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động;

d) Ký ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

đ) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động;

g) Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất về tình hình hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

4. Nhiệm vụ của Thư ký Hội đồng trọng tài lao động

a) Thường trực của Hội đồng trọng tài lao động thực hiện các công việc hành chính, tổ chức đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

b) Tiếp nhận hồ sơ và tìm hiểu vụ việc tranh chấp lao động;

c) Thu thập chứng cứ tài liệu có liên quan;

d) Chuẩn bị các cuộc họp của Hội đồng trọng tài lao động;

đ) Tiến hành các thủ tục và lập biên bản tại phiên hoà giải, giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động.

5. Nhiệm vụ của các thành viên khác trong Hội đồng trọng tài lao động

[...]