Thông tư 222/NH-TT hướng dẫn Chỉ thị 330-CT năm 1990 về việc tăng cường quản lý ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 222/NH-TT
Ngày ban hành 20/10/1990
Ngày có hiệu lực 20/10/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Cao Sĩ Kiêm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 222/NH-TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1990

 

THÔNG TƯ

SỐ 222/NH-TT NGÀY 20-10-1990 CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ 330-CT NGÀY 13-9-1990 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

Ngày 13-9-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị 330-CT về việc tăng cường quản lý ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện như sau:

1. Các tổ chức xuất nhập khẩu và dịch vụ phải chuyển toàn bộ số ngoại tệ thu được do xuất khẩu hàng hoá hay dịch vụ về nước vào các tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam uỷ quyền cho phép hoạt động kinh doanh ngoại tệ: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng xuất nhập khẩu, Ngân hàng Công thương thành phố Hồ Chí Minh, Sài gòn công thương Ngân hàng... (dưới đây gọi chung là Ngân hàng được uỷ quyền).

Các tổ chức kinh tế kinh doanh hàng hoá và làm dịch vụ ở trong nước được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép trực tiếp thu ngoại tệ, hàng ngày phải nộp số ngoại tệ thu được vào tài khoản tiền gửi tại các Ngân hàng phục vụ mình.

Các Ngân hàng được uỷ quyền phải đảm bảo chi trả và thanh toán kịp thời theo yêu cầu của chủ tài khoản trong phạm vi số dư trên tài khoản của họ; mọi sự chậm trễ gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ tài khoản thì Ngân hàng được uỷ quyền phải chịu phạt theo các quy định hiện hành.

Chủ tài khoản được sử dụng ngoại tệ trên tài khoản của mình để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ tiền vay, chi trả dịch vụ và các khoản kinh phí cho cán bộ đi nước ngoài cũng như cơ quan đại diện của mình ở nước ngoài trong khuôn khổ quy định quản lý ngoại hối của Nhà nước và chế độ chi tiêu ngoại tệ do Bộ Tài chính quy định, hoặc bán cho Ngân hàng.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức xuất nhập khẩu, dịch vụ và cá nhân có ngoại tệ nếu chưa có nhu cầu sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, hoặc không muốn gửi vào tài khoản tại Ngân hàng thì bán cho các ngân hàng được uỷ quyền theo hình thức mua bán trả tiền ngay hoặc mua bán có kỳ hạn.

Mọi việc thanh toán, mua bán, chuyển nhượng bằng ngoại tệ giữa các tổ chức hoặc cá nhân với nhau đều phải thực hiện thông qua các Ngân hàng đựơc uỷ quyền.

Các tổ chức và cá nhân không được mua bán ngoại tệ dưới bất cứ hình thức nào ngoài các Ngân hàng được uỷ quyền.

2. Các tổ chức có ngoại tệ không được mở tài khoản và gửi ngoại tệ ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước Trung ương cho phép.

a) Những tổ chức (kể cả các Ngân hàng được uỷ quyền) đã được Ngân hàng Nhà nước Trung ương cho phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ quản lý ngoại hối) tình hình các tài khoản hiện đang gửi ở nước ngoài với những chi tiết sau đây: Số hiệu tài khoản, Ngân hàng mở tài khoản, doanh số hoạt động (Nợ, Có) trong 10 tháng qua và số dư có trên tài khoản đến cuối ngày 31-10-1990.

Từ tháng 11-1990 trở lại, hàng tháng báo cáo tình hình hoạt động của các tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước quy định đính kèm theo Thông tư này (Phụ lục số 1).

b) Những tổ chức hiện đang có tài khoản ngoại tệ ở Ngân hàng nước ngoài hoặc gửi ngoại tệ ở nước ngoài mà chưa được Ngân hàng Nhà Nước Trung ương cho phép đều phải báo cáo trước ngày 15-11-1990 cho Thủ trưởng Bộ, Ngành chủ quản đồng gửi Ngân hàng Nhà nước Trung ương về số dư tài khoản ngoại tệ và số ngoại tệ để ở nước ngoài đến cuối tháng 10-1990. Đồng thời làm đơn gửi Ngân hàng Trung ương xin được mở tài khoản Ngoại tệ ở nước ngoài. Trong đơn cần nói rõ lý do và sự cần thiết phải mở tài khoản ở nước ngoài và phải được Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý xem xét đề nghị.

Những tổ chức xin mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài mà Ngân hàng Nhà nước Trung ương xét không đủ điều kiện cấp giấy phép Kèm theo Thông tư này (phụ lục số 2) thì phải tất toán tài khoản và chuyển hết số ngoại tệ đó về nước trước ngày 15-11-1990.

3. Đối với số ngoại tệ của cá nhân là công dân nước ngoài, Việt kiều và công dân Việt Nam được áp dụng theo Thông tư số 33/NH-TT ngày 15-3-1989 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối (Nghị định 161-HĐBT 18-10-1988).

4. Các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải chuyển đủ phần góp vốn bằng ngoại tệ vào Việt Nam theo cam kết và phải gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại các Ngân hàng được uỷ quyền.

Trong tháng 10 và tháng 11 năm 1990, các Ngân hàng được uỷ quyền quản lý các tài khoản của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức: hợp đồng hợp tác kinh doanh, Xí nghiệp liên doanh, Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài... căn cứ vào giấy phép do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp và hồ sơ có liên quan để kiểm tra lại việc góp vốn bằng ngoại tệ của bên nước ngoài và báo cáo kết quả về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (danh sách các tổ chức được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cấp giấy phép sẽ được thông báo cho các Ngân hàng).

5. Tất cả các tổ chức bán hàng, làm dịch vụ thu ngoại tệ và dịch vụ kiều hối tại Việt Nam đã có giấy phép của các Ngân hàng hay của cơ quan nào khác cấp trước đây hoặc chưa có giấy phép đều phải làm lại thủ tục để xin Ngân hàng Nhà nước Trung ương cấp giấy phép. Kể từ ngày 15-11-1990, các giấy phép không phải do Ngân hàng Nhà nước Trung ương cấp đều không có giá trị để hoạt động thu ngoại tệ.

Ngân hàng Nhà nước Trung ương sẽ cấp giấy phép cho các tổ chức hoạt động thu ngoại tệ đối với những trường hợp sau đây:

a) Các tổ chức bán hàng và làm dịch vụ thu ngoại tệ:

- Các cửa hàng bán miễn thuế cho người nước ngoài (duty free Shop) tại các sân bay và hải cảng quốc tế;

- Các tổ chức làm dịch vụ thu ngoại tệ như hàng không quốc tế, hàng hải quốc tế, bưu điện quốc tế, cung ứng tàu biển và một số dịch vụ thu ngoại tệ khác ở trong và ngoài nước;

- Một vài điểm bán hàng thu ngoại tệ.

Những tổ chức, đơn vị trên đây đều phải làm đơn nói rõ loại hình hoạt động thu ngoại tệ là bán hàng hoá hay làm dịch vụ gì ? Doanh số thu ngoại tệ trong 3 năm gần đây, tỷ lệ hàng nhập khẩu so với hàng xuất khẩu tại chỗ, hiệu quả kinh doanh, hướng phát triển sắp tới...

Đơn phải có nhận xét và đề nghị của thủ trưởng Bộ, Ngành chủ quản hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu và ý kiến của Giám đốc Ngân hàng được uỷ quyền hoặc Ngân hàng Nhà nước (nơi không có Ngân hàng uỷ quyền) trên địa bàn.

Thời gian Ngân hàng Nhà nước Trung ương nhận đơn chậm nhất là ngày 5-11-1990 (mẫu đơn xin cấp giấy phép xem phụ lục số 3).

Tổ chức nào không đủ điều kiện để cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Trung ương sẽ thông báo ngay để tổ chức đó đình chỉ hoạt động thu ngoại tệ và chuyển sang phương thức bán hàng hoá và làm dịch vụ thu bằng tiền Việt Nam.

[...]