Thông tư 22/2010/TT-BKH quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 22/2010/TT-BKH
Ngày ban hành 02/12/2010
Ngày có hiệu lực 16/01/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 22/2010/TT-BKH

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định 113/2009/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.

Điều 3. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư và nguồn vốn thực hiện:

1. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư là toàn bộ chi phí cần thiết để cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư.

2. Nguồn vốn để thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư bao gồm:

a) Nguồn chi thường xuyên của các tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư dành cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

b) Nguồn chi đầu tư (được tính vào tổng mức đầu tư của dự án) dành cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư cho chủ đầu tư thực hiện.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư quy định tại Nghị định số 113/2009/NĐ-CP (sau đây gọi chung là cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư) sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư phải đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả theo chế độ quản lý tài chính hiện hành của nhà nước và quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư

Kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư: Do cơ quan tài chính, tài vụ các cấp thực hiện (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính) gồm: Sở Tài chính đối với giám sát, đánh giá đầu tư và dự án đầu tư do cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý; phòng Tài chính - Kế hoạch đối với giám sát, đánh giá đầu tư do cấp quận, huyện quản lý; Vụ (ban, phòng …) tài chính đối với giám sát, đánh giá đầu tư do các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90, 91, Công ty độc lập quản lý.

Đối với các dự án thuộc xã, phường, thị trấn (cấp xã) quản lý, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý tài chính cấp xã thực hiện việc quản lý chi phí giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Thông tư này.

Hàng năm, bằng các hình thức kiểm tra định kỳ và kiểm tra không định kỳ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tài chính nói trên tổ chức kiểm tra việc quản lý sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của các cơ quan, tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình để kịp thời uốn nắn và xử lý các sai phạm trong quá trình quản lý và sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

MỤC 1. CHI PHÍ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG 30% VỐN NHÀ NƯỚC TRỞ LÊN

Điều 5. Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư của chủ đầu tư đối với dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên:

1. Phạm vi công việc:

Chủ đầu tư thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư bao gồm các nội dung công việc:

a) Theo dõi dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.

b) Kiểm tra dự án đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 113/2009/NĐ-CP.

c) Đánh giá dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định 113/2009/NĐ-CP, gồm:

[...]