Thông tư 22/1998-TT-BTM hướng dẫn Quyết định 250/1998/QĐ-TTg về việc điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón năm 1999 do Bộ Thương mại ban hành
Số hiệu | 22/1998/TT-BTM |
Ngày ban hành | 30/12/1998 |
Ngày có hiệu lực | 01/01/1999 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Thương mại |
Người ký | Nguyễn Xuân Quang |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu |
BỘ
THƯƠNG MẠI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/1998/TT-BTM |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1998 |
Ngày 24/12/1998 Thủ tướng
Chính phủ có Quyết định 250/1998/QĐ-TTg về điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu
phân bón năm 1999;
Căn cứ quy định trong Quyết định nói trên và kết quả điều hành việc xuất khẩu
gạo, nhập khẩu phân bón năm 1998;
Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện bổ sung một số điểm cụ thể như sau:
1) Về tiến độ xuất khẩu gạo quý I/1999:
Để đảm bảo tiến độ giao hàng khoảng 1 triệu tấn trong quý I/1999, các doanh nghiệp đầu mối chỉ được xuất khẩu khoảng 30% số lượng gạo được giao (kể cả số lượng tham gia các hợp đồng Chính phủ - Chính phủ). Trong trường hợp cần bổ sung điều chỉnh, Bộ Thương mại sẽ có thông báo cụ thể.
2. Xuất khẩu gạo cho khách hàng mới, thị trường mới:
Các doanh nghiệp (ngoài danh sách đầu mối) có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng lương thực hoặc nông sản, nếu tìm được thị trường tiêu thụ mới hoặc khách hàng mới và ký được hợp đồng với các điều kiện thương mại và giá cả có hiệu quả (trong hợp đồng có ghi thêm điều khoản: "Hợp đồng này chỉ được thực hiện khi được Bộ Thương mại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam cho phép"), hoặc văn hản ghi nhớ, thì có văn bản (kèm theo hợp đồng hoặc bản ghi nhớ) gửi Bộ Thương mại để xem xét tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.
3. Xuất khẩu gạo sản xuất ở các tỉnh phía Bắc:
Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng lương thực hoặc nông sản nếu có khách hàng, thị trường tiêu thụ được trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu gạo sản xuất ở các tỉnh phía Bắc (trong hợp đồng có ghi điều khoản: "hợp đồng này được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất khẩu"), hoặc có văn bản ghi nhớ. Đồng thời có văn bản (kèm theo hợp đồng hoặc bản ghi nhớ) gửi Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn xem xét tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
4. Xuất khẩu gạo của các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo:
Các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế biến lúa, gạo và được Bộ Thương mại giao hạn ngạch để xuất khẩu gạo trực tiếp nhưng chỉ được mua lúa, gạo nguyên liệu qua các doanh nghiệp Nhà nước được phép kinh doanh lương thực ở các địa phương như đã quy định tại văn bản số 1182/CP-KTTH ngày 06/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định giao hạn ngạch của Bộ trưởng Bộ Thương mại là cơ sở để làm thủ tục xuất khẩu tại hải quan các cửa khẩu.
5. Doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo:
Danh sách các doanh nghiệp đầu mối được Chính phủ cho phép như phụ lục kèm theo Thông tư này.
1. Hạn mức nhập khẩu phân bón:
Các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón theo hạn mức được giao theo phụ lục số 2 của quyết định 250/1998/QĐ-TTg và được điều hàng về các cảng quốc tế Việt nam theo nhu cầu sản xuất và kinh doanh của đơn vị mình.
2. Việc nhập khẩu phân bón theo hình thức lập kho dự trữ phân bón với các nhà sản xuất nước ngoài:
- Các doanh nghiệp đã được phép hoạt động nhập khẩu phân bón theo hình thức lập khu dự trữ phân bón, gửi báo cáo thực hiện năm 1998, dự kiến kế hoạch nhập khẩu năm 1999 về Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trên cơ sở kiểm tra việc thực hiện năm 1998 các doanh nghiệp của liên Bộ, Bộ Thương mại sẽ xem xét và giao chỉ tiêu năm 1999 để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
- Đối với các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động theo hình thức này cần có đề án cụ thể, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan sẽ xem xét tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Thương mại đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể thông báo nội dung Thông tư này cho các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình biết và thực hiện, đồng thời phản ảnh cho Bộ Thương mại những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1999 đến ngày 31/12/1999.
|
Nguyễn Xuân Quang (Đã ký) |