Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 21/2015/TT-BGTVT Quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 21/2015/TT-BGTVT
Ngày ban hành 05/06/2015
Ngày có hiệu lực 01/08/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 21/2015/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG VIỆC CÓ TÍNH CHẤT ĐẶC BIỆT TRONG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt quốc gia; đối với đường sắt chuyên dùng và đường sắt đô thị tùy thuộc vào thực tế sản xuất, kinh doanh để áp dụng các quy định của Thông tư này cho phù hợp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chế độ làm việc theo ban là chế độ người lao động luân phiên thay nhau làm việc liên tục cả ban ngày và ban đêm (24 giờ liên tục) của tất cả các ngày trong năm để thực hiện các công việc theo yêu cầu của vận tải đường sắt và bảo đảm cho người lao động có đủ thời giờ để nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật lao động.

2. Thời gian lên ban là độ dài thời gian quy định người lao động có mặt tại nơi làm việc trong một ngày (24 giờ) để thực hiện công việc được giao, bao gồm thời gian chuẩn bị, thời gian tác nghiệp, thời gian thường trực nghỉ tại chỗ và thời gian kết thúc công việc theo quy định của công nghệ vận tải đường sắt.

3. Thời gian xuống ban là độ dài thời gian quy định nghỉ sau khi hết ban để chuyển sang ban sau.

4. Chế độ làm việc trên đoàn tàu là chế độ người lao động luân phiên thay nhau làm việc liên tục trên đoàn tàu để đảm bảo hành trình chạy tàu và có đủ thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

5. Hành trình chạy tàu là thời gian đoàn tàu chạy từ ga xuất phát đến ga quay đầu theo biểu đồ chạy tàu và bao gồm cả thời gian tác nghiệp cần thiết tại ga xuất phát, ga quay đầu theo quy định của công nghệ vận tải đường sắt.

6. Thời giờ thực hiện công việc cần thiết trong ngày (24 giờ liên tục) là thời giờ được xác định căn cứ vào nhiệm vụ khối lượng công việc, định mức lao động, kể cả thời giờ chuẩn bị và kết thúc công việc, không bao gồm thời giờ thường trực nghỉ tại chỗ trong quá trình lên ban của người lao động.

Chương II

QUY ĐỊNH THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 4. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên đường sắt làm việc theo ban

1. Các chức danh nhân viên đường sắt làm việc theo ban

a) Nhân viên điều độ chạy tàu thuộc Trung tâm Điều hành Giao thông vận tải đường sắt tại các khu vực;

b) Nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên phục vụ, nhân viên làm việc tại các điểm lên xuống ban, điểm giao nhận hoặc tác nghiệp đầu máy, toa xe;

c) Nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên phục vụ, nhân viên làm việc tại các ga, trạm phục vụ cho công tác chạy tàu và vận chuyển hành khách hoặc vận chuyển hàng hóa;

d) Nhân viên tuần, gác, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt (đường, cầu, hầm, đường ngang, cầu chung, nhà ga);

[...]