Thông tư 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 204/2015/TT-BTC
Ngày ban hành 21/12/2015
Ngày có hiệu lực 04/02/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, bao gồm:

1. Thu thập, xử lý, quản lý sử dụng thông tin, dữ liệu liên quan về người nộp thuế.

2. Ban hành bộ tiêu chí quản lý thuế và tổ chức đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.

3. Việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế tương ứng với mức độ rủi ro của người nộp thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh gồm: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình) nộp thuế, phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;

c) Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;

d) Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân là bên Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu;

- Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế khi chi trả thu nhập cho người có thu nhập thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân;

đ) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, bao gồm:

- Người điều hành đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm.

- Công ty điều hành chung đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng điều hành chung.

- Doanh nghiệp liên doanh đối với hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng liên doanh hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

[...]