Thông tư 20-TT-ĐH-1964 hướng dẫn thi hành Nghị định 171- CP-1963 về quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 20-TT-ĐH
Ngày ban hành 02/05/1964
Ngày có hiệu lực 17/05/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Khánh Toàn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TT-ĐH

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 171- CP NGÀY 20-11-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ QUY CHẾ MỞ TRƯỜNG, LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
-Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh,
-Các trường đại học và trung học chuyện nghiệp

 

Ngày 20-11-1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành nghị định số 171-CP về quy chế mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp. Theo tinh thần và nội dung của nghị định và căn cứ điều 15 của nghị định, Bộ Giáo dục ban hành thông tư giải thích và hướng dẫn một số điểm cần thiết để cùng các Bộ, các cơ quan có liên quan thi hành đúng đắn nghị định trên.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

1. Đối với việc mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, từ trước đến nay, Chính phủ chưa có văn bản quy định các tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục cần thiết và trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của các cơ quan Nhà nước nhất là của Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, cơ quan có trường.

Nhiều hiện tượng mở trường, lớp, ngành học, hệ thống học tùy tiện, có xu hướng chạy theo số lượng, không đảm bảo tốt chất lượng, thường do Bộ, cơ quan dự định mở trường quyết định sau khi có chỉ tiêu đào tạo của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, các cơ quan phụ trách việc đào tạo cán bộ của Nhà nước (Phủ Thủ tướng, Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) không quản lý được chặt chẽ và thống nhất các loại hệ thống trường, lớp.

Tình hình đó ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng đào tạo, gây khó khăn cho việc quản lý chung của Nhà nước, dẫn đến sự mất cân đối giữa số lượng và chất lượng, giữa yêu cầu và khả năng, giữa đào tạo và sử dụng cán bộ.

2. Xuất phát từ tình hình ấy và yêu cầu nâng chất lượng toàn diện hiện nay, Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về quy chế mở trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp nhằm đưa tổ chức các trường và lớp này vào nền nếp, tăng cường lãnh đạo và quản lý hệ thống trường, lớp một cách chặt chẽ hơn.

Nghị định quy định nhiệm vụ đào tạo cán bộ theo các hình thức tập trung, chuyên tu, tại chức của các trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp, cụ thể những vấn đề về mục tiêu, thời gian, đối tượng, điều kiện vật chất của nhà trường, trách nhiệm, quyền hạn lãnh đạo và quản lý của các cơ quan Nhà nước, và những nguyên tắc, thủ tục trong việc mở, bãi bỏ, hợp nhất hoặc tách trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp.

3. Việc ban hành nghị định đánh dấu một bước phát triển quan trọng của ngành đại học và trung học chuyên nghiệp, đúc kết và phát huy những kết quả, kinh nghiệm đào tạo cán bộ của những năm qua, tiến một bước đưa việc đào tạo cán bộ vào tiêu chuẩn, kế hoạch, đảm bảo chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu mạnh từng bước, đồng thời xây dựng đúng đắn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với vấn đề đào tạo cán bộ từ nay về sau.

II. PHÂN LOẠI TRƯỜNG, LỚP VÀ THỐNG NHẤT TÊN GỌI

a) Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 1, thống nhất gọi tên là trường hoặc lớp đại học.

b) Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 2, thống nhất gọi tên là trường hoặc lớp trung học chuyên nghiệp.

Từ nay không dùng danh từ cao cấp, trung cấp để gọi các trường, lớp đào tạo để tránh sự nhầm lẫn giữa các loại cán bộ do các trường, lớp đào tạo ra với các loại cán bộ phụ trách của Nhà nước.

Những trường hoặc lớp có nhiệm vụ đào tạo như đã quy định tại điều 1 đã mở và sẽ mở, nếu đủ điều kiện của một trường hoặc một lớp đại học, thì gọi là đại học; nếu mới mở chưa đủ điều kiện thì gọi là trường, lớp cán bộ… theo nhiệm vụ đào tạo của trường, lớp đó (trường cán bộ ngoại giao ngoại thương, trường cán bộ thể dục thể thao…); những trường, lớp thuộc các ngành văn hóa, nghệ thuật có những đặc điểm đào tạo riêng tùy điều kiện gọi là đại học hoặc cao đẳng (cao đẳng âm nhạc, cao đẳng mỹ thuật) theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Tuy gọi là cao đẳng như nhiệm vụ, yêu cầu về chất lượng các trường này không được khác các trường, lớp đại học và thuộc hệ thống các trường, lớp đại học Việt Nam.

c) Những trường, lớp đào tạo cán bộ có nhiệm vụ như đã quy định tại điều 1 hoặc điều 2 dành riêng cho đối tượng là cán bộ trong ngành (cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lâu năm trong nghề) gọi tên là trường, lớp đại học chuyên tu hoặc trung cấp chuyên nghiệp chuyên tu.

d) Những trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đào tạo bằng hình thức vừa làm vừa học gọi tên là trường, lớp đại học tại chức hoặc trung học chuyên nghiệp tại chức.

e) Gọi là trường nếu mục đích, nhiệm vụ được xác định rõ, có quy mô phát triển lâu dài, có số lượng học sinh, sinh viên, số ngành học, hệ thống học tới mức thuận lợi cho việc quản lý về các mặt và việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dậy và trường sở, thiết bị của Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Trường có thể gồm chỉ một hệ thống đại học hoặc trung học chuyên nghiệp hoặc cả hai hệ thống thuộc nhiều hình thức đào tạo. Nếu một trường gồm có hai hệ thống đào tạo thì gọi tên trường đó là trường cán bộ…

Ví dụ: trường tài chính gồm hệ thống trung học chuyên nghiệp và đại học gọi tên là trường cán bộ tài chính kế toán.

g) Gọi là lớp nếu quy mô học sinh, sinh viên, ngành học còn bé, thường là mới mở, mới có một hai ngành học, còn dựa vào một trường đã có.

Lớp tập trung có thể mở tại một số trường trung học chuyên nghiệp (nếu là lớp đại học), tại một trường sơ cấp hoặc công nhân hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ (nếu là lớp trung học chuyên nghiệp), hoặc có thể mở riêng (nếu là lớp ban đêm, hàm thụ).

Những trường, lớp đại học và trung học chuyên nghiệp đã mở trước ngày ban hành nghị định, nếu tên gọi chưa đúng với quy định thì qua việc đăng ký, xét duyệt lại và căn cứ tên gọi trong quyết định công nhận của các cơ quan có thẩm quyền mà đổi tên và dùng thống nhất tên gọi là của trường, lớp đó trên các văn bản, giấy tờ, văn bằng, con dấu, biển trường…

III. NHIỆM VỤ, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN ĐÀO TẠO CỦA CÁC LOẠI TRƯỜNG, LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP.

[...]