Thông tư 193/2011/TT-BTC hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân đối với chương trình, dự án do Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (OFID) tài trợ của Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 193/2011/TT-BTC
Ngày ban hành 26/12/2011
Ngày có hiệu lực 12/02/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 193/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, GIẢI NGÂN ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TÀI TRỢ BẰNG NGUỒN VỐN QUỸ OPEC VỀ PHÁT TRIỂN QUỐC TẾ (OFID)

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002, Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/06/2009;

Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về Nghiệp vụ quản lý nợ công;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về Cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ Quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính, giải ngân đối với các chương trình, dự án do Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế (OFID) tài trợ như sau:

Phần I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định việc quản lý tài chính, rút vốn thanh toán, kiểm tra, báo cáo, quyết toán, hạch toán ngân sách nhà nước áp dụng đối với các chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn OFID.

2. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn Chính phủ vay từ Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế là đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này.

Điều 2: Giải thích từ ngữ

1. Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế có tên tiếng Anh là The OPEC Fund for International Development (sau đây viết tắt là OFID): là cơ quan cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Quỹ OPEC về Phát triển quốc tế.

2. Hiệp định vay: là thỏa thuận vay vốn ký giữa Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với OFID để tài trợ cho các dự án, chương trình đầu tư phát triển tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Nguồn vốn vay OFID cho các dự án là khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Nguồn vốn này được quản lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn các Luật này, quy định về quản lý nguồn vốn ODA và quy định tại Thông tư này.

2. Các dự án sử dụng vốn vay OFID thuộc diện ngân sách cấp phát là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội, các dự án thuộc lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và là đối tượng chi của ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là NSNN) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, bao gồm cả trường hợp ngân sách địa phương được vay lại vốn vay nước ngoài từ ngân sách trung ương để cấp phát cho dự án, được cấp phát từ nguồn vốn ODA theo cơ chế cấp phát vốn NSNN.

Vốn đối ứng cho các dự án thuộc diện ngân sách cấp phát do NSNN (trung ương, địa phương) đảm bảo, được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm theo nguồn vốn xây dựng cơ bản hoặc hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của dự án.

3. Các dự án sử dụng vốn vay OFID thuộc diện cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần là các dự án có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn, bao gồm cả các dự án tín dụng sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần, cấp phát một phần nguồn vốn ODA tùy theo khả năng hoàn vốn của dự án.

Điều kiện cho vay lại cụ thể nguồn vốn ODA (cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần vốn ODA, đối tượng nhận vay lại, đồng tiền cho vay lại, trị giá cho vay lại, thời hạn cho vay lại, lãi suất cho vay lại, các loại phí theo quy định của nhà tài trợ, phí cho vay lại trong nước, v.v…) được xác định trong quá trình chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt dự án căn cứ theo quy định tại Nghị định 78/CP-NĐ ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và/ hoặc thoả thuận với nhà tài trợ.

4. Vốn đối ứng trong nước:

a. Vốn đối ứng là phần đóng góp của phía Việt nam trong dự án do OFID tài trợ để chi cho các nội dung của dự án bao gồm cả vốn để chi trả chi phí thuế, phí rút vốn, các loại phí ngân hàng, phí bảo hiểm, phí vận chuyển, phí lưu kho, chi phí kiểm toán và các loại chi phí hợp lệ khác nếu các chi phí này không được tài trợ từ nguồn vốn vay nước ngoài theo quy định của Hiệp định vay.

b. Vốn đối ứng trong nước của dự án thuộc diện NSNN cấp phát dự án thuộc nhiệm vụ chi của cấp ngân sách nào do ngân sách cấp đó chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng; vốn đối ứng của dự án vay lại toàn bộ hoặc một phần do chủ dự án vay lại bảo đảm. Chủ dự án phải bố trí hoặc trình cấp có thẩm quyền bố trí đầy đủ vốn đối ứng cho dự án bảo đảm hiệu quả và cân đối với tiến độ giải ngân vốn nước ngoài.

5. Cơ quan chủ quản dự án, chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các dự án theo đúng các cam kết đã quy định trong Hiệp định vay và có trách nhiệm tổ chức quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của Hiệp định vay và các quy định trong nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, quản lý tài sản của dự án, khi kết thúc dự án thực hiện quyết toán theo quy định hiện hành.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ