Thông tư 19/2017/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 19/2017/TT-BTC
Ngày ban hành 28/02/2017
Ngày có hiệu lực 15/04/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính phải được lập, quản lý, sử dụng và quyết toán đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư này.

3. Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thực hiện đúng theo sự thỏa thuận và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi công tác phí cho những người thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chi điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Chi hoạt động thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

4. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

5. Chi cho công tác hệ thống hóa, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

7. Chi cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

8. Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

9. Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ cho những người làm công tác theo dõi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

10. Chi tổ chức nghiên cứu khoa học về theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

11. Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

12. Chi sơ kết, tổng kết tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

[...]