Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 52-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 29/04/1991
Ngày có hiệu lực 01/07/1991
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 1991

 

PHÁP LỆNH

CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 52-LCT/HĐNN8 NGÀY 07/05/1991 VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ 

Để bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ hợp đồng dân sự trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, đề cao trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng; góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hoá, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về hợp đồng dân sự.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng.

Điều 2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự được giao kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, không trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

Điều 3. Cá nhân có quyền giao kết hợp đồng dân sự

1- Cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có khả năng nhận thức, thực hiện quyền, nghĩa vụ hợp đồng và tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ đó, thì có quyền giao kết hợp đồng dân sự.

2- Cá nhân dưới mười tám tuổi được giao kết hợp đồng dân sự, nếu được cha, mẹ hoặc người đỡ đầu đồng ý, trừ hợp đồng có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

3- Cá nhân từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi được giao kết hợp đồng dân sự, nếu họ có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trừ trường hợp pháp luật quy định phải từ đủ mười tám tuổi trở lên.

Điều 4. Tổ chức có quyền giao kết hợp đồng dân sự

1- Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội gọi chung là tổ chức, có tư cách pháp nhân, thì có quyền giao kết hợp đồng dân sự.

2- Pháp nhân là một tổ chức có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

b) Tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Toà án;

c) Được thành lập hợp pháp và được pháp luật công nhận là một tổ chức độc lập.

Điều 5. Giao kết hợp đồng dân sự thông qua người đại diện

Cá nhân, pháp nhân có thể giao kết hợp đồng thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền, có các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng do người đại diện giao kết đúng thẩm quyền.

Điều 6. Đại diện theo pháp luật

1- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân và chỉ được giao kết hợp đồng trong phạm vi thẩm quyền đại diện do pháp luật hoặc điều lệ của pháp nhân quy định.

2- Người đại diện theo pháp luật của người dưới mười tám tuổi, của người mất trí là cha, mẹ hoặc người đỡ đầu và được toàn quyền giao kết hợp đồng dân sự vì lợi ích của người được đại diện.

Điều 7. Đại diện theo uỷ quyền

1- Người được uỷ quyền chỉ được giao kết hợp đồng dân sự trong phạm vi uỷ quyền mà người uỷ quyền và người được uỷ quyền đã thoả thuận. Việc uỷ quyền phải được thông báo cho bên cùng giao kết hợp đồng.

2- Người được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người khác, nếu có sự đồng ý của người uỷ quyền.

3- Việc uỷ quyền, uỷ quyền lại phải được lập thành văn bản hoặc phải có chứng thực của cơ quan công chứng Nhà nước, nếu pháp luật quy định là hợp đồng mà người được uỷ quyền giao kết phải được lập thành văn bản hoặc phải được chứng thực.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ