Thông tư 170/2014/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ Tích luỹ trả nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 170/2014/TT-BTC
Ngày ban hành 14/11/2014
Ngày có hiệu lực 01/01/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/2014/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN ÁP DỤNG CHO QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán và kiểm toán,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ tích lũy trả nợ.

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính áp dụng cho Quỹ tích lũy trả nợ để hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt động của Quỹ tích lũy trả nợ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho Quỹ tích lũy trả nợ và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nhiệm vụ của kế toán Quỹ tích lũy trả nợ

Kế toán Quỹ tích lũy trả nợ có nhiệm vụ thu nhập, xử lý, kiểm tra, giám sát và phân tích thông tin về tình hình thu hồi vốn cho vay lại trong nước từ nguồn vay, viện trợ nước ngoài của Chính phủ và các khoản thu phí bảo lãnh của Chính phủ để đảm bảo việc trả nợ các khoản vay nước ngoài về cho vay lại của Chính phủ, đồng thời tạo một phần nguồn xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay nước ngoài và các khoản chi cho hoạt động quản lý Quỹ tích lũy trả nợ (sau đây gọi tắt là Quỹ).

Điều 4. Phương pháp kế toán Quỹ tích lũy trả nợ

Kế toán Quỹ phải thực hiện theo phương pháp ghi kép và theo các quy định của Luật Kế toán, Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 128/2004/NĐ-CP) và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 5. Đơn vị tính sử dụng trong kế toán Quỹ tích lũy trả nợ

1. Đơn vị tiền tệ là đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”). Trong trường hợp phát sinh ngoại tệ, phải mở sổ theo dõi nguyên tệ trên Tài khoản 007 “Ngoại tệ các loại” và quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định.

2. Khi lập báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo quản trị tổng hợp, nếu có số liệu báo cáo trên 9 chữ số thì được lựa chọn sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là nghìn đồng, nếu trên 12 chữ số thì được lựa chọn sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là triệu đồng, nếu trên 15 chữ số thì được lựa chọn sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn là tỷ đồng. Khi sử dụng đơn vị tiền tệ rút gọn, được làm tròn số bằng cách: chữ số sau chữ số đơn vị tiền tệ rút gọn nếu bằng năm (5) trở lên thì được tăng thêm một (1) đơn vị; nếu nhỏ hơn năm (5) thì không tính.

Điều 6. Kỳ kế toán Quỹ tích lũy trả nợ

Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, được quy định như sau:

1. Kỳ kế toán năm là mười hai tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch;

[...]