Thông tư 17/2022/TT-BKHCN về Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 17/2022/TT-BKHCN
Ngày ban hành 16/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/02/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Hoàng Giang
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2022/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT DỊCH VỤ XỬ LÝ YÊU CẦU XÁC NHẬN NHÃN HIỆU ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ ĐƯỢC BẢO HỘ TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thực hiện Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm: định mức về lao động, định mức sử dụng máy móc thiết bị, định mức sử dụng vật liệu.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm:

a) Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam;

b) Các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến việc sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức có hoạt động xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Định mức này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhãn hiệu đăng ký quốc tế là nhãn hiệu đăng ký theo Hệ thống Madrid (bao gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid) có chỉ định Việt Nam.

2. Xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam là việc xem xét xác định tình trạng bảo hộ của nhãn hiệu đăng ký quốc tế tại Việt Nam tại thời điểm xác nhận.

3. Đơn chỉ định sau là đơn mở rộng phạm vi lãnh thổ bảo hộ.

Điều 5. Phương pháp, cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo các phương pháp được quy định tại Điều 10 Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi là Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN), bao gồm 02 phương pháp:

1. Phương pháp phân tích, thực nghiệm

Phương pháp phân tích, thực nghiệm là phương pháp xây dựng định mức mà trong đó các tiêu hao về thời gian lao động, thời gian sử dụng máy móc, thiết bị và tiêu hao vật tư để thực hiện các nội dung công việc, phần tử công việc được xác định trên cơ sở chụp ảnh, bấm giờ và tiến hành trong điều kiện tổ chức, kỹ thuật hiện tại của đơn vị. Số liệu quan sát thực hiện trực tiếp tại nơi làm việc và các nhân tố ảnh hưởng tới các thành phần hao phí là sở cứ khoa học để phục vụ tính toán các trị số định mức. Căn cứ kỹ thuật của định mức được xác định dựa trên các tài liệu quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị để xem xét và phân tích các nội dung công việc và trị số định mức cần xác định.

Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những nội dung công việc có chu kỳ thực hiện theo ngày và xuất hiện tại thời điểm tiến hành khảo sát.

2. Phương pháp thống kê tổng hợp

[...]