Thông tư 17/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 101/2005/NĐ-CP về Thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 17/2006/TT-BTC
Ngày ban hành 13/03/2006
Ngày có hiệu lực 09/04/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2006 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 101/2005/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 8 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL_UBTVQH10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thẩm định giá;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thẩm định giá (sau đây gọi là Nghị định số 101/2005/NĐ-CP) như sau:

Thông tư này hướng dẫn các phương pháp thẩm định giá; lựa chọn phương pháp thẩm định giá; giá dịch vụ thẩm định giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định viên về giá; quản lý danh sách thẩm định viên về giá và danh sách doanh nghiệp thẩm định giá.

I. CÁC PHƯƠNG PHÁP THẨM ĐỊNH GIÁ:

1. Phương pháp so sánh:

 Phương pháp so sánh là phương pháp thẩm định giá dựa trên cơ sở phân tích mức giá của các tài sản tương tự với tài sản cần thẩm định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá hoặc gần với thời điểm thẩm định giá để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá.

Phương pháp so sánh chủ yếu được áp dụng trong thẩm định giá các tài sản có giao dịch, mua, bán phổ biến trên thị trường.

  2. Phương pháp chi phí:

Phương pháp chi phí là phương pháp thẩm định giá dựa trên cơ sở chi phí tạo ra một tài sản tương tự tài sản cần thẩm định giá để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá.

 Phương pháp chi phí chủ yếu được áp dụng trong thẩm định giá các tài sản chuyên dùng, ít hoặc không có mua, bán phổ biến trên thị trường; tài sản đã qua sử dụng; tài sản không đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh.

3. Phương pháp thu nhập:

 Phương pháp thu nhập (hay còn gọi là phương pháp  đầu tư) là phương pháp thẩm định giá dựa trên cơ sở chuyển đổi các dòng thu nhập ròng trong tương lai có thể nhận được từ việc khai thác tài sản cần thẩm định giá thành giá trị vốn hiện tại của tài sản (quá trình chuyển đổi này còn được gọi là quá trình vốn hoá thu nhập) để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá.

Phương pháp thu nhập chủ yếu được áp dụng trong thẩm định giá tài sản đầu tư (bất động sản, động sản, doanh nghiệp, tài chính) mà tài sản đó có khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai và đã xác định tỷ lệ vốn hoá thu nhập.

4. Phương pháp thặng dư:

  Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá mà giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá được xác định giá trị vốn hiện có trên cơ sở ước tính bằng cách lấy giá trị ước tính của sự phát triển giả định của tài sản trừ đi tất cả các chi phí phát sinh để tạo ra sự phát triển đó.

   Phương pháp thặng dư chủ yếu được áp dụng trong thẩm định giá bất động sản có tiềm năng phát triển.

5. Phương pháp lợi nhuận:

  Phương pháp lợi nhuận là phương pháp thẩm định giá  dựa trên khả năng sinh lợi của việc sử dụng tài sản để ước tính giá trị thị trường của tài sản cần thẩm định giá.

  Phương pháp lợi nhuận chủ yếu được áp dụng trong  thẩm định giá các tài sản mà việc so sánh với những tài sản tương tự gặp khó khăn do giá trị của tài sản chủ yếu phụ thuộc vào khả năng sinh lời của tài sản như khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu bóng,…

6. Các phương pháp thẩm định giá theo thông lệ quốc tế khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi áp dụng.

Nội dung cụ thể các phương pháp thẩm định giá thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

II. LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP THẨM ĐỊNH GIÁ:

1. Căn cứ vào mục đích thẩm định giá; tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá; điều kiện, tính chất thông tin thị trường mà thẩm định viên về giá lựa chọn phương pháp thẩm định giá phù hợp nhất trong các phương pháp thẩm định giá quy định tại mục I, phần B Thông tư này để áp dụng và có thể kết hợp các phương pháp thẩm định giá khác quy định tại mục I, phần B Thông tư này để kiểm tra, so sánh, đối chiếu lại mức giá ước tính để quyết định mức giá cụ thể.

 2. Việc xác định giá trị công ty nhà nước để cổ phần hóa áp dụng phương pháp theo quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và các phương pháp quy định tại Thông tư này.

Việc xác định giá các loại đất để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố vào ngày 01 tháng 01 hàng năm áp dụng phương pháp theo quy định tại Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất, khung giá các loại đất và Thông tư số 114/2004/TT-BTC ngày 26 tháng 11 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP và các phương pháp quy định tại Thông tư này.

1. Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP và được xác định theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng, được ghi cụ thể trong hợp đồng dịch vụ thẩm định giá.

- Đối với tài sản nhà nước có giá trị theo sổ kế toán hoặc giá dự toán dưới 30 tỷ đồng; hoặc các gói thầu dịch vụ thẩm định giá có giá trị dưới 100 triệu đồng thì cơ quan nhà nước có tài sản phải thẩm định giá có thể tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

[...]