Thông tư 16-NN/TT-1980 hướng dẫn thi hành Điều lệ kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 16-NN/TT
Ngày ban hành 20/12/1980
Ngày có hiệu lực 20/12/1980
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp
Người ký Nghiêm Xuân Yêm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-NN/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1980

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP SỐ 16-NN/TT NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 1980 QUY ĐỊNH CỤ THỂ VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Để thực hiện Điều lệ kiểm dịch thực vật ( dưới đây gọi là điều lệ) ban hành kèm theo Nghị định số 214-CP ngày 14-7-1980 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành như sau.

I. VỀ NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Thi hành khoản1, Điều 2 của điều lệ, nay công bố bản danh sách sâu bệnh đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (phụ lục số 1 kèm theo thông tư này) bao gồm những loại sâu bệnh nguy hiểm chưa có ở nước ta hoặc mới có trên diện hẹp, có khả năng lây lan giữa các vùng trong nước và từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta.

Bản danh sách này sẽ được sửa đổi, bổ sung tuỳ theo diễn biến của tình hình sâu bệnh.

2. Những vật phẩm, phương tiện công cụ thuộc diện kiểm dịch thực vật( ghi ở điều 3 của điều lệ) gồm những thứ dưới đây:

a. Cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm, cây thức ăn gia súc, cây cảnh, cây rừng, cây làm thuốc,.vv.... và các bộ phận của các loại cây đó như nụ, hoa, hạt, quả, cành, lá, rễ, củ, mắt ghép,.v.v... ở dạng chưa chế biến, không kể tươi hay khô, có khả năng mang theo sâu bệnh đều thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Gạo, lạc nhân, cám, tấm, bột, bánh kẹo làm bằng bột (bánh khảo, bánh quyv.v...), bông xơ, sợi bông, sợi đay sợi gai, dược liệu, các đồ dùng bằng gỗ, bằng song, mây, tre, cói và các thứ tương tự, tuy là vật phẩm đã qua chế biến nhưng vẫn còn khả năng mang theo sâu bệnh nên vẫn thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Mứt kẹo, đồ hộp, vải vóc, quần áo, dược liệu làm thành viên hoặc ngâm trong rượu và những thứ tương tự là vật phẩm qua chế biến không còn khả năng mang theo sâu bệnh nên không thuộc diện kiểm dịch thực vật.

b. Tiêu bản sâu, mầm mống bệnh, cỏ dại, đất lấy làm mẫu để nghiên cứu, đất dùng làm bầu ươm cây con, dâm cành đất bám vào các phương tiện, dụng cụ khác,v.v..

c. Phương tiện,công cụ dùng để sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển những vật phẩm nêu trên như ruộng vườn, nương rẫy, rừng, nhà máy, máy móc, dụng cụ, tàu xe, máy bay, kho tàng, bến bãi, bao bì và đồ chèn lót hàng hoá,v.v..

d. Gia súc, gia cầm, chim rừng, thú rừng, hoặc lông,da của các động vật đó và vật phẩm chế biến từ sản phẩm động vật có khả năng mang theo cỏ dại hoặc côn trùng hại thực vật và sản phẩm thực vật đều thuộc diện kiểm dịch thực vật.

3. Nội dung kiểm dịch thực vật (ghi tại Điều 4 của điều lệ) gồm các biện pháp dưới đây:

a. Phát hiện: Điều tra sâu bệnh trên các phương tiện, công cụ; kiểm tra lấy mẫu phân tích giám định các vật phẩm.

b. Phòng ngừa: Không nhập khẩu những vật phẩm được sản xuất ở những vùng đang có dịch; không đưa vật phẩm nghi có sâu, bệnh, cỏ dại đối tượng kiểm dịch thực vật( dưới đây gọi tắt là nhiễm dịch) đến nơi chưa có dịch hoặc chỉ chế biến, vận chuyên, bảo quản và sử dụng những thứ đó với những điều kiện nhất định. Cách ly, trả về nơi xuất xứ những vật phẩm bị nhiễm dịch,v.v....

c. Trừ diệt: Bằng các phương pháp lý, hoá học, sinh vật học hoặc cơ học kể cả biện pháp tiêu huỷ vật phẩm nhiễm dịch,v.v...

4. Tuỳ trường hợp, người có vật phẩm, phương tiện, công cụ (dưới đây gọi tắt là chủ vật phẩm) thuộc diện kiểm dịch thực vật phải thực hiện một hoặc nhiều biện pháp kiểm dịch thực vật ghi ở điểm 4 trên đây đối với vật phẩm, phương tiện, công cụ của mình.

Chủ vật phẩm phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với bao bì, đồ chèn lót và phương tiện chuyên chở vật phẩm của mình.

Những trường hợp dưới đây thì cơ quanh kiểm dịch thực vật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, phí tổn cho việc thực hiện các biện pháp đó do chủ vật phẩm chịu:

a.Vật phẩm, phương tiện, công cụ không có chủ hoặc chủ không thể có mặt và không uỷ nhiệm cho ai được, như bưu phẩm, bưu kiện mà người nhận ở xa cơ sở bưu điện ngoại dịch; vật phẩm, phương tiện, công cụ trôi dạt vào bờ biển; vật phẩm vứt bỏ từ máy bay xuống,v.v....

b/ Những lô vật phẩm, phương tiện, công cụ nhiễm dịch nghiêm trọng cần phải xử lý ngay để ngăn ngừa sự lây lan của chúng mà vì lý do nào đó chủ vật phẩm (hoặc chủ phương tiện, công cụ) không tiến hành xử lý kịp thời.

II.VỀ TỔ CHỨC CÔNG TÁC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

A. KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CỬA KHẨU

1. Yêu cầu về mặt kỹ thuật kiểm dịch thực vật đối với địa điểm kiểm dịch (ghi tại Điều 6 của điều lệ) là địa điểm đó có điều kiện để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt sâu bệnh, đối tượng kiểm dịch thực vật từ bên ngoài xâm nhiễm vào lô vật phẩm hoặc từ lô vật phẩm lây lan ra ngoài.

Cụ thể là:

a. Địa điểm kiểm dịch nhập khẩu tốt nhất là tại cửa khẩu biên giới đầu tiên,sân bay hoặc cơ sở bưu điện đầu tiên. Trường hợp không thể kiểm dịch ở các nơi đó mới kiểm dịch ở nơi khác, nhưng càng tránh đưa sâu vào nội địa càng tốt.

b. Địa điểm kiểm dịch xuất khẩu tốt nhất là cửa khẩu biên giới cuối cùng. Nếu không kiểm dịch được ở các nơi đó mới kiểm dịch tại nơi khác mà từ đó lô vật phẩm xuất khẩu được chuyên chở thẳng ra nước ngoài (không thay đổi số lượng, khối lượng, bao bì, đồ đóng gói, đồ chèn lót, và không bốc dỡ dọc đường).

[...]