Thông tư 16-BTC/NN năm 1962 giải thích biện pháp tính thuế nông nghiệp năm 1962 do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 16-BTC/NN
Ngày ban hành 31/05/1962
Ngày có hiệu lực 15/06/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thanh Sơn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BTC/NN

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 1962 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH BIỆN PHÁP TÍNH THUẾ NÔNG NGHIỆP NĂM 1962

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu tự trị, tỉnh và thành phố

Hội đồng Chính phủ vừa ban hành nghị định số 63-CP ngày 26-5-1962 sửa đổi một số biện pháp tính thuế , thu thuế, giảm thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.Căn cứ vào điều 5 của nghị định, Bộ Tài chính xin giải thích cụ thể như sau:

Trước đây, để phục vụ phong trào hợp tác hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số biện pháp tạm thời để tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế nông nghiệp,đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (nghị định số 375-TTg ngày 15-10-1959). Biện pháp đó là : hàng năm căn cứ vào sản lượng thường niên của ruộng đất và nhân khẩu nông nghiệp mà tính thuế cho từng nông hộ xã viên và số thuế của hợp tác xã là số thuế của các nông hộ xã viên cộng lại. Đối với hợp tác xã cấp cao thì hợp tác xã nộp toàn bộ số thuế đã ghi thu của hợp tác xã, xã viên chỉ nộp số thuế tính trên phần diện tích dành lại làm riêng mà thôi. Đối với hợp tác xã cấp thấp thì xã viên phải nộp phần thuế của diện tích dành lại làm riêng và từ 40% đến 50% của phần ruộng đất góp vào hợp tác xã, số thuế còn lại do hợp tác xã nộp. Biện pháp tính thuế như vậy đã có tác dụng khuyến khích nông dân vào hợp tác xã bảo đảm sự đóng góp tương đối công bằng hợp lý trong thời kỳ đầu của phong trào hợp tác hóa.

Đến nay phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc đã căn bản hoàn thành,gần 90% nông dân đã vào hợp tác xã, trong đó có khoảng gần 30% tham gia  hợp tác xã cấp cao. Trên cơ sở quan hệ sản xuất mới, ruộng đất hoàn toàn do tập thể hợp tác xã sử dụng theo kế hoạch sản xuất của hợp tác xã,thu hoạch cũng do hợp tác xã thống nhất phân phối theo lao động.

Ở nhiều nơi cách sử dụng ruộng đất đã hoàn toàn khác trước như : ruộng trước kia cấy lúa, nay hợp tác xã gieo mạ, ruộng chuyên gieo mạ nay đem  giồng mầu vv…có nơi đã phá bờ cũ và hộ xã viên không còn biết đến thửa ruộng cũ của  mình nữa hoặc để được thuận tiện trong sản xuất có hợp tác xã đã đổi chác ruộng đất cho nhau v.v…

Như vậy, về thuế nông nghiệp, nếu tiếp tục thu theo biện pháp hiện nay, nghĩa là vẫn lấy nông hộ xã viên làm đối tượng tính thuế thì hàng năm vẫn phải dựa vào sản lượng ruộng đất và nhân khẩu nông nghiệp của từng nông hộ xã viên. Đó là một việc thực tế rất khó làm và rất phiền phức.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Chính phủ quyết định từ nay coi hợp tác xã là đơn vị tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế. Như vậy biện pháp tính thuế thích hợp với hoàn cảnh mới ở nông thôn, do đó mà phát  huy hơn nữa tác dụng của chính sách thuế nông nghiệp đối với sản xuất, đồng thời củng cố và phát triển hợp tác xã.

Mặt khác, mặc dù sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển và hiện nay sản lượng ruộng đất đã  tăng nhiều so với sản lượng ổn định từ năm 1958, đáng lý phải điều chỉnh lại sản lượng tính thuế, nhưng trong năm 1962, Chính phủ chủ trương vẫn tiếp tục giữ nguyên sản lượng đã ổn định năm 1958. Sản lượng này chỉ bằng khoảng 60% sản lượng thực tế.

Để làm đơn giản công tác thu thuế nông nghiệp, đi đôi với việc giữ nguyên sản luợng tính thuế  cũ, đối với mỗi hợp tác xã, Chính phủ vẫn giữ nguyên mức động viên năm 1961, nghĩa là sẽ lấy thuế suất bình quân năm 1961 để tính thuế năm 1962 cho hợp tác xã ( đối với các hộ nông dân cá thể cũng vậy).

Ổn định mức động viên bằng năm 1961 thể hiện rõ mục đích của Đảng và Chính phủ chiếu cố đến đời sống của nhân dân, đồng thời Nhà nước vẫn bảo đảm huy động hợp lý một phần thu nhập của nông dân để phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đây là một điểm quan trọng trong nghị định số 63-CP cần được thông suốt trong cán bộ và nhân dân.

Có thể có người nghĩ rằng: biện pháp tính thuế mới không tính đến yếu tố tăng giảm nhân khẩu nông nghiệp nữa, thiệt cho nông dân, cho hợp tác xã. Thực ra, năm 1958 Chính phủ tuyên bố ổn định sản lượng trong 3 năm, đáng lẽ đến năm 1961 phải định lại sản lượng tính thuế, tính theo sản lượng cao hơn, nhưng Chính phủ vẫn thu thuế nông nghiệp theo sản lượng đã ổn định từ năm 1958, đồng thời giữ mức động viên năm 1961 là hợp lý.

Việc không tính yếu tố tăng giảm nhân khẩu nông nghiệp trong năm 1962 chủ yếu là để đơn giản cách tính thuế, tránh cho cán bộ và nhân dân đỡ mất thì giờ vào việc tính thuế. Vả lại, hiện nay do hợp tác xã kinh doanh nhiều ngành, nhiều nghề, nên trong thực tế ở một số hợp tác xã việc xác định ai là nhân khẩu nông nghiệp rất phức tạp và khó khăn, vì có người trước đây chuyên làm ruộng đã được tính là nhân khẩu nông nghiệp thì nay hợp tác xã  lại điều động đi làm nghề khác như làm lò vôi, chăn nuôi vv… hoặc trái lại có người trước đây chuyên làm nghề khác nhưng nay vào hợp tác xã, hàng năm vẫn bảo đảm một số ngày công nhất định trong công việc sản xuất nông nghiệp. Do đó, tính toán chi li hơn thiệt do tăng giảm nhân khẩu nông nghiệp là không hợp tình hợp lý.

Dưới đây, Bộ xin lưu ý về một số vấn đề cụ thể:

1. Về đơn vị tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế.

Nhà nước coi hợp tác xã là đơn vị tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế nông nghiệp, không lấy nông hộ xã viên làm đơn vị tính thuế như trước đây. Ban Quản trị hợp tác xã ( cấp thấp cũng như cấp cao) có nhiệm vụ kê khai đầy đủ diện tích, sản lượng trong toàn hợp tác xã để tính thuế nông nghiệp. Đối với phần diện tích, sản lượng ruộng đất dành lại cho xã viên làm riêng. Ban Quản trị cũng kê khai để tính thuế cùng với diện tích của hợp tác xã. Như vậy số thuế ghi thu cũng như số thuế phải nộp của hợp tác xã là gồm số thuế tính vào ruộng đất công hữu của hợp tác xã (ruộng cấy thêm, ruộng khai hoang, phục hồi đã đến hạn chịu thuế v.v…) ruộng đất của xã viên góp lại và phần ruộng đất để làm riêng cho hợp tác xã. Xã viên sẽ thanh toán lại với hợp tác xã về số thuế tính vào ruộng đất làm riêng. Đối với hợp tác xã cấp thấp, hợp tác xã cũng trực tiếp nộp toàn bộ số thuế của hợp tác xã cho Nhà nước chứ không phân chia chịu thuế như trước nữa.

Khi chia hoa lợi ruộng đất, xã viên sẽ thanh toán lại với hợp tác xã về phần thuế tính vào diện tích dành lại làm riêng và số thuế tính vào phần ruộng đất góp vào hợp tác xã, vì hợp tác xã đã nộp các phần thuế này cho mình.

Cách thanh toán như sau:

a) Đối với những nông hộ và xã viên nếu số diện tích ruộng đất để lại làm riêng và diện tích góp vào hợp tác xã năm 1962 không thay đổi thì số thuế do  xã viên phải thanh toán với hợp tác xã bằng số thuế mà  xã viên đã nộp trong năm 1961.

Ví dụ: Năm 1961, nông hộ ông B có 5 nhân khẩu nông nghiệp, sản lượng thường niên tính thuế là 2000kg, thuế suất là 16% thuế ghi thu cả năm là 320kg, trong đó: ông B có để lại 1 sào làm riêng, sản lượng tính thuế là 100kg, tính thành thuế là 16%. Về số thuế của ruộng đất góp vào hợp tác xã là 304kg, ông B phải nộp 50% là 152kg. Như vậy trong năm 1961 ông B đã nộp tất cả là 152kg+16kg = 168kg.

Sang năm 1962 diện tích ruộng đất của ông B góp vào hợp tác xã cũng như để lại làm riêng  không thay đổi, cho nên số thuế ông B phải chịu vẫn giữ nguyên như năm 1961 tức là 168kg. Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm nộp tất cả cho Nhà nứơc và đến lúc chia hoa lợi ruộng đất sẽ khấu trừ vào phần hoa lợi ruộng đất của ông B.

b) Nếu số diện tích để lại làm riêng  và diện tích góp vào hợp tác xã có tăng giảm thì phải chỉnh lại phần thu thuế do xã viên phải chịu.

- Đối với ruộng đất để lại làm riêng thì lấy thuế suất năm 1961 của mỗi nông hộ nhân với sản lượng thường niên tính thuế của phần diện tính thực tế để lại làm riêng năm 1962.

- Đối với diện tích góp vào hợp tác xã thì căn cứ vào số diện tích góp vào hợp tác xã  năm 1962 còn hưởng hoa lợi ruộng đất để tính toán là : lấy thuế suất năm 1961 của mỗi nông hộ nhân với sản lượng thường niên tính thuế của số diện tích góp vào hợp tác xã năm 1962 còn hưởng hoa lợi ruộng đất để tìm riêng số thuế của diện tích đó, và dựa vào tỷ lệ phân chia chịu thuế giữa hợp tác xã và  xã viên đã quy định năm 1961 để tính số thuế của  xã viên phải chịu trong năm 1962.

Ví dụ:

Năm 1961 nông hộ A, có 4 nhân khẩu nông nghiệp,tổng số diện tích tính thuế là 1mẫu 2 sào, sản lượng tính thuế là 1200kg, thuế suất là 13%,thuế ghi thu 156kg, trong đó thuế tính vào 1 sào 5 thước mà ông A để lại làm riêng là 19kg500. Về số thuế của ruộng đất góp vào hợp tác xã là:

[...]