Thông tư 16-BNT/VP/PC năm 1961 giải thích về quyền hạn khám xét, tạm giữ và xử lý của cơ quan hải quan do Bộ Ngoại Thương ban hành

Số hiệu 16-BNT/VP/PC
Ngày ban hành 18/02/1961
Ngày có hiệu lực 05/03/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Phan Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BNT/VP/PC

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 1961 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VỀ QUYỀN HẠN KHÁM XÉT, TẠM GIỮ VÀ XỬ LÝ CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN.

Căn cứ điều lệ hải quan do Nghị định số 03/CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 27-2-1960, Bộ ra thông tư này nhằm giải thích những điểm chính về quyền hạn khám xét, tạm giữ và xử lý của cơ quan Hải quan để các cấp hải quan nắm vững và thi hành cho thống nhất.

I. QUYỀN HẠN KHÁM XÉT VÀ TẠM GIỮ CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN

Để ngăn ngừa và chống buôn lậu, điều 3 và 4 điều lệ hải quan công nhận cho cơ quan Hải quan có quyền khám người, công cụ vận tải, nhà ở, tạm giữ hàng phạm pháp, tang vật giấu hàng phạm pháp, công cụ vận tải chuyên chở hàng phạm pháp. Trường hợp phạm pháp quả tang buôn lậu lớn, có tổ chức, cơ quan Hải quan có quyền tạm giữ người phạm pháp tại trụ sở cơ quan Hải quan trong thời gian lâu nhất là hai mươi bốn giờ (24 giờ).

Chính phủ giao cho cơ quan Hải quan những quyền hạn tương đối rộng rãi trên đây để cơ quan Hải quan có thể thực hiện được những nhiệm vụ của một công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân để kịp thời xử lý với những hành vi phá hoại về kinh tế hay chính trị. Trong khi sử dụng những quyền hạn trên, cơ quan Hải quan cần phải hết sức thận trọng phải theo đúng những luật lệ hiện hành của Nhà nước, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân và phải theo đúng những nguyên tắc về thủ tục dưới đây.

1. Khám người.

Muốn khám xét một người nào, phải có điều tra chính xác và người phải là người có triệu chứng phạm pháp pháp thật rõ ràng mới được khám. Trước khi tiến hành khám xét phải:

- Tuyên bố cho người khám biết lý do khám xét.

- Ở các thành phố, thị xã, hay ở những nơi đông người không được khám người ở đường phố mà phải mời người bị khám vào một trụ sở gần nhất (công an, dân quân tự vệ, Ủy ban hành chính, Hải quan…)

- Khám người phụ nữ nhất thất thiết phải do nữ nhân viên Hải quan hoặc nhờ một phụ nữ khám và phải khám ở nơi kín đáo.

- Khi khám người xong, nếu bắt được hàng lậu thì phải lập biên bản; nếu không bắt được hàng mà người bị khám yêu cầu, thì cũng phải lập biên bản.

2. Khám công cụ vận tải

Cơ quan Hải quan có quyền khám tất cả công cụ vận tải (tàu, thuyền bè, máy bay, xe cộ…) đang chuyển vận hoặc đậu tại bến, tại các hải cảng…, có quyền khám tất cả những bộ phận của công cụ vận tải kể cả buồng máy và máy, buồng thuyền trưởng.Việc khám xét công cụ vận tải và những bộ phận của công cụ vận tải phải theo những công tắc sau đây:

- Tiến hành khám tại các bến, các hải cảng hoặc các trạm kiểm soát của thuế vụ, công an, dân quân tự vệ, hải quan… Trường hợp đặc biệt và thật cần thiết (như phạm pháp quả tang, khẩn cấp) để chạy qua có thể tẩu thoát và mất tang vật phạm pháp, mới bắt dừng lại giữa đường, để khám xét.

- Khám xét công cụ vận tải hoặc những bộ phận động cơ các thiết bị của công cụ vận tải, phải làm trước mặt người chủ công cụ vận tải hoặc người thay mặt và phải khám xét nhanh chóng để khỏi làm chở ngại cho hành khách và giao thông.

- Khám thấy tang vật phạm pháp hay không thấy tang vật đều phải làm biên bản ngay và phải có người chủ công cụ vận tải hay người điều khiển công cụ vận tải ký vào biên bản.

3. Khám nhà.

a) Khám nhà tư nhân:

Chỉ có các cán bộ hải quan sau đây mới có quyền khám nhà (điều 3 điều lệ hải quan):

- Giám đốc, Phó giám đốc Sở hải quan trung ương.

- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Phân sở hải quan.

- Chi sở trưởng, Chi sở phó Chi sở hải quan.

- Những cán bộ hải quan thi hành lệnh viết của các cấp nói trên.

Khi tiến hành khám nhà phải theo những nguyên tắc sau đây:

- Có một ủy viên Ủy ban hành chính xã hay khu phố và một người láng giềng chứng kiến.

- Tiến hành khám xét trước mặt người chủ nhà hay người thay mặt.

- Khi khám xong, dù bắt được hay không bắt được tang vật phạm pháp cũng phải lập biên bản và phải có chữ ký của cán bộ thi hành lệnh khám nhà, của những người chứng kiến, của chủ nhà hay người thay mặt. Trường hợp chủ nhà hay người thay mặt không chịu ký tên thì phải ghi rõ lý do vào biên bản (tham chiếu điều 12 Luật 103-SL/L005 ngày 20-5-1957).

[...]