BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/2024/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 9 năm 2024
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ NƯỚC KHAI THÁC THẢI, DUNG DỊCH KHOAN VÀ MÙN
KHOAN THẢI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
Căn cứ Luật Tiêu
chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo vệ
môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP
ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP
ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và
Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5
năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm
môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước khai thác thải, dung dịch
khoan và mùn khoan thải của các công trình dầu khí trên biển.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này hai (02) Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường:
1. QCVN 35:2024/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về nước khai thác thải của các công trình dầu khí trên biển (National technical
Regulation on Discharged Produced Water of Offshore Oil and Gas Facilities).
2. QCVN 36:2024/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về dung dịch khoan và mùn khoan thải của các công trình thăm dò, khai thác dầu
khí trên biển (National technical Regulation on Drilling Fluids and Discharge of
Drilling Cuttings from Offshore Oil and Gas exploration and production
Activities).
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26 tháng 3 năm 2025.
Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 42/2010/TT-BTNMT ngày 29
tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về môi trường hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có
trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo; Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Bộ TN&MT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KSONMT, KHCN, PC, CN&NH(230).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỦ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|
QCVN 35:2024/BTNMT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ NƯỚC KHAI THÁC THẢI CỦA CÁC
CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
National
technical Regulation on Discharged Produced Water of Offshore Oil and Gas
Facilities
Lời nói đầu
QCVN 35:2024/BTNMT thay thế QCVN 35:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển.
QCVN 35:2024/BTNMT do Cục Kiểm
soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư số 16/2024/TT-BTNMT
ngày 23 tháng 9 năm 2024.
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ NƯỚC KHAI THÁC THẢI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ TRÊN
BIỂN
National
technical Regulation on Discharged Produced Water of Offshore Oil and Gas Facilities
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chuẩn này quy định giá trị
giới hạn cho phép của hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước khai thác thải của các
công trình dầu khí khi thải xuống vùng biển Việt Nam.
1.2. Đối tượng áp dụng:
Quy chuẩn này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động thải nước
khai thác của các công trình khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ:
- Nước khai thác thải là
nước phát sinh từ các vỉa dầu khí (hỗn hợp của nước vỉa, nước bơm ép và dung dịch
hỗn hợp các chất được đưa vào trong giếng) được tách ra trong quá trình khai
thác dầu.
- Hàm lượng dầu mỡ khoáng
trung bình ngày trong nước khai thác thải là trung bình cộng giá trị tổng
hàm lượng dầu mỡ khoáng của 04 (bốn) mẫu nước khai thác thải, mỗi mẫu được lấy
cách nhau 06 (sáu) giờ trong 01 (một) ngày.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Nước khai thác thải phải được
thu gom, xử lý bảo đảm giá trị giới hạn cho phép của hàm lượng dầu mỡ khoáng
trung bình ngày được quy định tại Bảng 1 sau đây trước khi xả thải xuống vùng
biển Việt Nam.
Bảng
1: Giá trị giới hạn cho phép của hàm lượng dầu mỡ khoáng trung bình ngày trong
nước khai thác thải
STT
|
Vị trí thải
|
Giá trị giới hạn cho phép (mg/l)
|
1
|
Trong vùng biển 03 hải lý; bảo
đảm khoảng cách lớn hơn 01 hải lý tới ranh giới ngoài của các vùng bảo vệ
nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường
|
≤ 5,0
|
2
|
Trong vùng biển từ 03 hải lý
tới 06 hải lý
|
≤ 10
|
3
|
Trong vùng biển từ ngoài 06 hải
lý tới 12 hải lý
|
≤ 15
|
4
|
Trong vùng biển ngoài 12 hải
lý
|
≤ 40
|
3. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH
3.1. Phương pháp lấy mẫu và xác
định hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước khai thác thải được thực hiện theo các tiêu
chuẩn tại Bảng 2 sau đây:
Bảng
2: Phương pháp lấy mẫu và xác định hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước khai thác
thải
TT
|
Thông số
|
Phương pháp phân tích, số hiệu tiêu chuẩn
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
1
|
Lấy mẫu
|
- TCVN 5999:1995 - Chất lượng nước - Lấy mẫu -
Hướng dẫn lấy mẫu nước thải.
- TCVN 6663-1:2011 (ISO 5667-1:2006) - Chất lượng
nước - Lấy mẫu - Phần 1: hướng dẫn lập chương trình lấy mẫu và kỹ thuật lấy mẫu.
- TCVN 6663-3:2016 (ISO 5667-3:2012) - Chất lượng
nước - Lấy mẫu - Phần 3: Bảo quản và xử lý mẫu nước.
|
2
|
Tổng dầu mỡ khoáng
|
- TCVN 5070:1995 - Chất lượng nước. Phương pháp
khối lượng xác định dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ.
- TCVN 9718:2013 (ASTM D3912-96) - Chất lượng nước
- Phương pháp xác định hàm lượng dầu, mỡ và hydrocacbon dầu mỏ trong nước.
- TCVN 9718:2013 (ASTM D3921-96) - Chất lượng
nước - Phương pháp xác định hàm lượng dầu, mỡ và hydrocacbon dầu mỏ trong nước.
- SMEWW 5520B&F:2023 -
Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - Oil and Grease
- Liquid-liquid, Partition-Gravimetric method (B) & Hydrocarbon (F).
- SMEWW 5520C&F:2023 --
Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - Oil and Grease
- Partition-Infrared Method (C) & Hydrocarbon (F).
- ASTM D2008-12 (2018) -
Standard Test Method for Ultraviolet Absorbance and Absorptivity of Petroleum
Products.
- ASTM D5412-93 (2017) -
Standard Test Method for Quantification of Complex Polycyclic Aromatic
Hydrocarbon Mixtures of Petroleum Oils in Water.
- ASTM D7066-04 (2017) -
Standard Test Method for dimer/trimer of chlorotrifluoroethylene (S-316)
Recoverable Oil and Grease and Nonpolar Material by Infrared Determination.
- ASTM D7678-17- Standard
Test Method for Total Petroleum Hydrocarbons (TPH) in Water and Wastewater
with Solvent Extraction using Mid-IR Laser Spectroscopy.
- ASTM D8193-18 - Standard
Test Method for Total Oil and Grease (TOG) and Total Petroleum Hydrocarbon
(TPH) in Water and Wastewater with Solvent Extraction Using Non - Disperive
Mid-IR Transmission Spectroscopy.
- EPA method 1664B - n-Heane
Extractable Material (HEM; Oil and Grease) and Silica Gel Treated n- Hexane
Extractable Material (SGT-HEM; Non-polar Material) by Extraction and
Gravimetry.
|
Trường hợp xác định hàm lượng dầu
mỡ khoáng sử dụng nhiều phương pháp thử nghiệm (phân tích) khác nhau và cần
phương pháp trọng tài để xử lý khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện thì
sử dụng phương pháp thử nghiệm xếp đầu tiên tại cột 3 Bảng 2 Quy chuẩn này.
3.2. Chấp thuận các phương pháp
thử nghiệm khác (chưa được viện dẫn tại cột 3 Bảng 2 Quy chuẩn này), bao gồm: TCVN
mới ban hành; phương pháp tiêu chuẩn quốc gia của một trong các quốc gia thuộc
Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Châu Âu
(CEN/EN), các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc hoặc Tổ chức
tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) hoặc các phương pháp chuẩn thử nghiệm nước và nước
thải (Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - SMEWW).
4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ
4.1. Việc xả nước khai thác thải
được đánh giá là tuân thủ và phù hợp với Quy chuẩn này khi kết quả quan trắc,
phân tích của hàm lượng dầu mỡ khoáng trung bình ngày có trong nước khai thác
thải sau khi xử lý không vượt quá giá trị giới hạn cho phép quy định tại Bảng 1
Quy chuẩn này.
4.2. Tần suất quan trắc nước
khai thác thải: tối thiểu 03 tháng/lần, mỗi lần thực hiện phân tích 04 mẫu/ngày,
mỗi mẫu được lấy cách nhau 06 (sáu) giờ trong 01 (một) ngày.
4.3. Phương thức đánh giá sự
tuân thủ và phù hợp với Quy chuẩn này tại mục 4.2 được thực hiện thông qua quan
trắc, phân tích mẫu nước khai thác thải.
4.4. Việc quan trắc hàm lượng dầu
mỡ khoáng trong nước khai thác thải quy định tại Bảng 1 Quy chuẩn này phải được
thực hiện bởi tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ
quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.
4.5. Kết quả đánh giá sự tuân
thủ và phù hợp so với Quy chuẩn này là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem
xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
5.1. Khi xả nước khai thác xuống
vùng biển Việt Nam, dự án đầu tư, cơ sở khai thác dầu khí phải bảo đảm giá trị
của hàm lượng dầu mỡ khoáng trung bình ngày trong nước khai thác thải không được
vượt quá giá trị giới hạn cho phép theo quy định tại Bảng 1 Quy chuẩn này.
5.2. Chủ đầu tư dự án khai thác
dầu khí trên biển có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quy chuẩn này trong
quá trình hoạt động, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ về việc xả nước khai
thác cho các cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
6.1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
6.2 Trường hợp các văn bản, quy
định được viện dẫn tại Quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng
theo văn bản, quy định mới./.
QCVN 36:2024/BTNMT
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DUNG DỊCH KHOAN VÀ MÙN KHOAN
THẢI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
National
technical Regulation on Drilling Fluids and Discharge of Drilling Cuttings from
Offshore Oil and Gas exploration and production Activities
Lời nói đầu
QCVN 36:2024/BTNMT thay thế QCVN 36:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về dung dịch khoan và mùn khoan thải của các công trình dầu khí trên biển.
QCVN 36:2024/BTNMT do Cục Kiểm
soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư số 16/2024/TT-BTNMT
ngày 23 tháng 9 năm 2024.
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DUNG DỊCH KHOAN VÀ MÙN KHOAN THẢI CỦA CÁC CÔNG TRÌNH
THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN BIỂN
National
technical Regulation on Drilling Fluids and Discharge of Drilling Cuttings from
Offshore Oil and Gas exploration and production Activities
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chuẩn này quy định giá trị
giới hạn cho phép của các thông số liên quan đến môi trường trong dung dịch
khoan được phép sử dụng và giá trị giới hạn cho phép của dung dịch nền bám dính
trong mùn khoan của các công trình thăm dò, khai thác dầu khí khi thải xuống
vùng biển Việt Nam.
1.2. Đối tượng áp dụng:
Quy chuẩn này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sử dụng dung
dịch khoan và thải mùn khoan từ các công trình thăm dò, khai thác dầu khí trên
vùng biển Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ:
- Dung dịch nền là dầu
khoáng, dầu khoáng tinh luyện hoặc dầu tổng hợp được sử dụng làm pha liên tục để
pha chế dung dịch khoan nền không nước.
- Dung dịch khoan là
dung dịch được sử dụng trong quá trình khoan thăm dò và khai thác dầu khí để
làm mát và bôi trơn mũi khoan, truyền năng lượng thuỷ lực đến mũi khoan, trám
kín các chỗ thấm, bảo trì thành giếng, đưa mùn khoan lên khỏi giếng khoan và
cân bằng áp suất trong giếng khoan.
- Dung dịch khoan nền nước
(Water - Based Drilling Fluids - WBDF) là dung dịch khoan sử dụng nước làm
pha liên tục và một số phụ gia khác.
- Dung dịch khoan nền không
nước (Non - Aqueous Drilling Fluids - NADF) là dung dịch khoan sử dụng dung
dịch nền làm pha liên tục và một số phụ gia khác.
- Barit là một sản phẩm
của quá trình tinh tuyển quặng barit, thành phần chính là bari sunfat (BaSO4).
Barit sử dụng làm chất gia trọng cho dung dịch khoan.
- Mùn khoan là hỗn hợp
các mảnh vụn đất đá được mang lên khỏi giếng khoan cùng với dung dịch khoan.
- Khả năng phân rã sinh học là
kết quả đánh giá sự phân huỷ các hợp chất hữu cơ bằng vi sinh vật (trong điều
kiện có hoặc không có oxy) để tạo thành cácbon dioxyt, nước, muối khoáng và
sinh khối mới của vật chất đó.
- Độ độc trầm tích là mức
độ phản ứng bất lợi được quan sát thấy ở sinh vật thử nghiệm khi tiếp xúc với
trầm tích bị ô nhiễm. Độ độc trầm tích được đo lường bằng giá trị LC50
trên sinh vật thí nghiệm là vẹm xanh (Perna viridis) trong 96 giờ (LC50-96h).
- LC50 (50%
Lethal concentration) là nồng độ của một hóa chất gây chết 50% số cá thể thử
nghiệm trong một khoảng thời gian tiếp xúc nhất định.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Quy định về dung dịch
khoan nền nước
Dung dịch khoan nền nước được
phép sử dụng trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển Việt
Nam khi giá trị của thuỷ ngân và cadimi trong barit dùng để pha dung dịch khoan
không vượt quá giá trị giới hạn cho phép quy định tại Bảng 1 sau đây:
Bảng
1: Giá trị giới hạn của thuỷ ngân và cadimi trong barit dùng để pha dung dịch
khoan nền nước
STT
|
Thông số
|
Đơn vị
|
Giá trị giới hạn
|
1
|
Thủy ngân trong barit
|
mg/kg khối lượng khô
|
≤ 1,0
|
2
|
Cadimi trong barit
|
mg/kg khối lượng khô
|
≤ 3,0
|
2.2. Quy định về mùn khoan
và dung dịch khoan nền không nước
2.2.1. Dung dịch khoan nền
không nước được phép sử dụng tại vùng biển Việt Nam khi đáp ứng các yêu cầu
sau:
a) Giá trị của thủy ngân,
cadimi trong barit và PAHs, khả năng phân rã sinh học của dung dịch nền dùng để
pha dung dịch khoan nền không nước đáp ứng quy định tại Bảng 2 sau đây:
Bảng
2: Giá trị cho phép của thuỷ ngân, cadimi trong barit; PAHs và khả năng phân rã
sinh học của dung dịch nền dùng để pha dung dịch khoan nền không nước
STT
|
Thông số
|
Đơn vị
|
Giá trị giới hạn
|
1
|
Thủy ngân trong barit
|
mg/kg khối lượng khô
|
≤ 1,0
|
2
|
Cadimi trong barit
|
mg/kg khối lượng khô
|
≤ 3,0
|
3
|
Các hợp chất hydrocacbon thơm
đa vòng PAHs (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons) trong dung dịch nền
|
mg/kg
|
≤ 10
|
4
|
Khả năng phân rã sinh học của
dung dịch nền
|
%
|
≥ 50
|
b) Dung dịch khoan nền không nước
phải đảm bảo độ độc trầm tích (LC50) đạt giá trị ≥ 10.000 mg/kg trên
sinh vật thí nghiệm là vẹm xanh trong 96 giờ.
2.2.2. Mùn khoan phát sinh
trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí sử dụng dung dịch khoan nền không nước
chỉ được phép thải xuống vùng biển Việt Nam khi đảm bảo hàm lượng dung dịch nền
của dung dịch khoan nền không nước bám dính trong mùn khoan thải không vượt quá
9,0% tính theo khối lượng ướt.
3. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH
3.1. Phương pháp xác định các
giá trị giới hạn của các thông số quy định tại mục 2.1 và mục 2.2 Quy chuẩn này
được thực hiện theo quy định tại Bảng 3 sau đây:
Bảng
3: Phương pháp quan trắc các thông số trong barit, dung dịch nền, dung dịch khoan
và mùn khoan
STT
|
Thông số
|
Phương pháp xác định, số hiệu tiêu chuẩn, tên tiêu chuẩn
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
1
|
Thủy ngân
|
- TCVN 6649:2000 (ISO 11466:1995) - Chất lượng đất
- Chiết các nguyên tố vết tan trong nước cường thủy.
- TCVN 8885:2011 (ISO 22036:2008) - Chất lượng đất
- Xác định nguyên tố vết trong dịch chiết đất bằng phổ phát xạ nguyên tử
Plasma cặp cảm ứng.
- TCVN 8882:2011 (ISO 16772:2004) - Chất lượng đất
- Xác định thủy ngân trong dịch chiết đất cường thủy dùng phổ hấp thụ nguyên
tử hơi - lạnh hoặc phổ hấp thụ nguyên tử huỳnh quang hơi - lạnh.
- TCVN 8885:2011 (ISO 22036:2008) - Chất lượng
đất - Xác định nguyên tố vết trong dịch chiết đất bằng phổ phát xạ nguyên tử
Plasma cặp cảm ứng.
- TCVN 8882:2011 (ISO 16772:2004) - Chất lượng
đất - Xác định thủy ngân trong dịch chiết đất cường thủy dùng phổ hấp thụ
nguyên tử hơi - lạnh hoặc phổ hấp thụ nguyên tử huỳnh quang hơi - lạnh.
- EPA Method 3050B - Acid
digestion of sediments, sludges and soils.
- EPA Method 200.7 -
Determination of metals and trace elements in water and wastes by Inductively
coupled plasma-atomic emission spectrometry.
- EPA Method 7471B - Mercury
in Solid or semisolid waste (Manual cold - vapor technique).
- ISO 10416:2008 (mục 8) -
Petroleum and natural gas imdustries - Drilling fluids - Laboratory testing.
- SMEWW 3112B: 2023 -
Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - Metals By
Cold- Vapor Atomic Absorption Spectrometric Method.
|
2
|
Cadimi
|
- TCVN 6496:2009 (ISO 11047:1998) - Chất lượng đất
- Xác định cadimi, crom, coban, chì, đồng, kẽm, mangan và niken trong dịch
chiết đất bằng cường thủy - Các phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa và
nhiệt điện (không ngọn lửa).
- EPA Method 3050B - Acid
digestion of sediments, sludges and soils.
- EPA Method 200.7 -
Determination of metals and trace elements in water and wastes by Inductively
coupled plasma-atomic emission spectrometry.
- ISO 10416:2008 - (mục 9) -
Petroleum and natural gas industries - Drilling fluids - Laboratory testing.
|
3
|
Các hợp chất hydrocacbon thơm
đa vòng PAHs (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons)
|
- EPA Method 1654A - PAH
Content of Oil by HPLC/UV.
- EPA Method 8270E -
Semivolatile organic compounds by gas chromatography/mass spectrometry.
- EPA Method 8275A -
Semivolatile organic compounds (PAHs and PCBs) in Soils/Sludges and Solid
wastes using thermal extraction/gas chromatography/mass spectrometry (TE/GC/MS).
- EPA method 8310 -
Polynuclear aromatic hydrocarbons.
- EPA method 8270E -
Semivolatile organic compounds by Gas chromatography/mass spectrometry.
- SMEWW 6440B:2023 - Standard
Methods for the Examination of Water and Wastewater- Polynuclear aromatic
hydrocarbons - Liquid - Liquid Extraction Chromatographic method (B).
- SMEWW 6440C:2023 - Standard
Methods for the Examination of Water and Wastewater- Polynuclear aromatic
hydrocarbons - Liquid - Liquid Extraction Gas Chromatographic/ Mass
spectrometric method (C).
|
4
|
Độ độc trầm tích
|
- ASTM E1367 - 03 (2014) -
Standard Test Method for Measuring the Toxicity of Sediment - Associated
Contaminants with Estuarine and Marine Invertebrates.
- SMEWW 8610, 8740 A-D: 2023
- Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - Mollusks,
Decapods.
|
5
|
Khả năng phân rã sinh học
|
- OECD 306 - Biodegradability
in Seawater.
- BODIS Marine TC/147.SC5/WG4
N141 (đã được điều chỉnh từ tiêu chuẩn ISO 10708:1997) - BOD test for
Insoluble substances.
- EPA Method 1647 (đã được điều
chỉnh từ tiêu chuẩn ISO 11734:1995) - Protocal for the Determination of
Degradation of Non - aqueous base fluids in a marine closed bottle
biodegradation.
|
6
|
Dung dịch nền trong mùn khoan
thải (Hàm lượng dầu)
|
- EPA Method 1674 -
Determination of the amount of non- aqueous drilling fluid (NAF) base fluid
from drill cutting by a Retort chamber.
- ISO 10414 - 2: 2011 -
Petroleum and natural gas industries field testing of drilling fluids - Part
2- Oil- based fluids - Annex B - Determination of oil and water retained on
cuttings.
|
Trường hợp một chất ô nhiễm cho
phép sử dụng nhiều phương pháp thử nghiệm (phân tích) khác nhau và cần phương
pháp trọng tài để xử lý khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện thì sử dụng
phương pháp thử nghiệm xếp đầu tiên tại cột 3 Bảng 3 Quy chuẩn này.
3.2. Chấp thuận các phương pháp
thử nghiệm khác (chưa được viện dẫn tại cột 3 Bảng 3 Quy chuẩn này), bao gồm: TCVN
mới ban hành; phương pháp tiêu chuẩn quốc gia của một trong các quốc gia thuộc
Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Châu Âu
(CEN/EN), các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc hoặc Tổ chức
tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) hoặc các phương pháp chuẩn thử nghiệm nước và nước
thải (Standard Methods for the Examination of Water and Wastewater - SMEWW).
4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ
4.1. Việc sử dụng dung dịch
khoan nền nước được đánh giá là tuân thủ và phù hợp với Quy chuẩn này khi kết
quả phân tích của thuỷ ngân và cadimi trong barit dùng để pha dung dịch khoan
không vượt quá giá trị giới hạn cho phép quy định tại Bảng 1 Quy chuẩn này.
4.2. Việc sử dụng dung dịch
khoan nền không nước được đánh giá là tuân thủ và phù hợp với Quy chuẩn này khi
kết quả phân tích của thủy ngân, cadimi trong barit và PAHs, khả năng phân rã
sinh học của dung dịch nền dùng để pha dung dịch khoan nền không nước đáp ứng
quy định tại Bảng 2 Quy chuẩn này và dung dịch khoan nền không nước phải đảm bảo
độ độc trầm tích (LC50) đạt giá trị ≥ 10.000 mg/kg trên sinh vật thí
nghiệm là vẹm xanh trong 96 giờ.
4.3. Trước mỗi chiến dịch
khoan, chủ đầu tư dự án thăm dò, khai thác dầu khí trên biển tiến hành thử nghiệm
các thông số trong barit, dung dịch nền và dung dịch khoan theo các quy định tại
mục 2.1 và mục 2.2.1 Quy chuẩn này.
4.4. Tần suất quan trắc mùn
khoan thải khi sử dụng dung dịch khoan nền không nước: 02 lần/ngày tại công
trình thăm dò, khai thác dầu khí ngay trước thời điểm thải mùn khoan xuống biển.
4.5. Phương thức đánh giá sự
tuân thủ và phù hợp với Quy chuẩn này được thực hiện thông qua phân tích mẫu
barit, mẫu dung dịch nền để pha dung dịch khoan và mẫu dung dịch khoan.
4.6. Việc xác định các thông số
liên quan đến môi trường trong dung dịch khoan và mùn khoan thải để cung cấp
thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước phải được thực hiện bởi tổ chức
đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
theo quy định pháp luật.
4.7. Kết quả phân tích mẫu
barit, mẫu dung dịch nền để pha dung dịch khoan và dung dịch khoan cho mỗi đợt
sử dụng và xả thải được dùng để đánh giá sự tuân thủ và phù hợp so với Quy chuẩn
này và là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, xử lý theo quy định của
pháp luật.
5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
5.1. Dung dịch khoan nền nước
chỉ sử dụng khi tuân thủ các quy định tại mục 2.1 Quy chuẩn này.
5.2. Dung dịch khoan nền không
nước chỉ sử dụng khi tuân thủ các quy định tại mục 2.2.1 Quy chuẩn này.
5.3. Mùn khoan phát sinh trong
hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí sử dụng dung dịch khoan nền không nước khi
thải xuống vùng biển Việt Nam phải đáp ứng quy định tại mục 2.2.2 Quy chuẩn
này.
5.4. Chủ đầu tư dự án thăm dò, khai
thác dầu khí trên biển có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quy chuẩn này
khi sử dụng dung dịch khoan trước mỗi chiến dịch khoan và xả thải mùn khoan
trong quá trình hoạt động, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ về việc sử dụng
và việc xả thải dung dịch khoan, mùn khoan của các công trình thăm dò, khai
thác dầu khí cho các cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
6.1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
6.2. Trường hợp các văn bản,
quy định được viện dẫn tại Quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp
dụng theo văn bản, quy định mới./.