Thông tư 154-BTN/QLHC năm 1958 áp dụng điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh do Bộ Thương nghiệp ban hành

Số hiệu 154-BTN/QLHC
Ngày ban hành 17/12/1958
Ngày có hiệu lực 01/01/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương nghiệp
Người ký Hoàng Quốc Thịnh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-BTN/QLHC

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ HỢP ĐỒNG KINH DOANH

Để các hợp đồng kinh doanh được tôn trọng và thực hiện đầy đủ, góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, phát triển nền kinh tế quốc dân, ngày 11-04-1956 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh nhằm quy định một số nguyên tắc về thể thức ký kết và trách nhiệm thi hành.

Bộ cũng đã có thông tư số 1002 ngày 15-06-1956 giải thích bản điều lệ nói trên. Nhưng trong thời gian qua nhiều hợp đồng ký kết không theo đúng các nguyên tắc đã quy định. Một số hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước, quốc doanh hay hợp tác xã với tư doanh, nhất là các hợp đồng gia công đặt hàng có nhiều thiếu sót, thiếu cụ thể, không quy định rõ phẩm phất quy cách, giá cả, điều kiện, giao nhận, thời gian giao nhận hoặc đặt điều kiện quá khả năng của đôi bên, hoặc không đăng ký hợp đồng theo như điều lệ đã quy định. Do vậy, đã xẩy ra nhiều vụ lợi dụng sơ hở không thi hành nghiêm chỉnh hợp đồng làm trở ngại cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và thiệt hại rất lớn cho công quỹ.

Rồi đây các đơn vị kinh doanh quốc doanh đều đi vào kinh tế hạch toán, việc phân cấp quản lý kinh doanh sẽ được tiến hành thì việc quan hệ buôn bán giữa các đơn vị kinh doanh ngày càng phát triển, việc ký kết hợp đồng kinh doanh giữa các đơn vị kinh doanh ngày càng nhiều. Do vậy chế độ hợp đồng kinh doanh cần được quy định cụ thể và việc chấp hành cần được hướng dẫn cụ thể và đầy đủ hơn.

Để việc ký kết và việc thực hiện hợp đồng được nghiêm chỉnh, Bộ giải thích thêm một số điểm ghi trong bản điều lệ hợp đồng.

I. - MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

- Bản điều lệ hợp đồng kinh doanh được ban hành nhằm mục đích:

1) Đề cao tinh thần trách nhiệm của đôi bên ký kết trong việc thực hiện đúng đắn và đầy đủ những điều cam kết đảm bảo những quan hệ tốt giữa các đơn vị kinh doanh.

2) Góp phần làm cho các hoạt động kinh tế quốc dân dần dần đi vào tổ chức và kế hoạch.

3) Bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, của quốc doanh và hợp tác xã đồng thời cũng bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tư doanh.

II. - NỘI DUNG HỘI ĐỒNG

Để tránh mọi sự hiểu lầm và mọi sự lợi dụng có thể xẩy ra, hợp đồng kinh doanh cần có một nội dung đầy đủ và cụ thể như đã ghi ở điều 5 của bản điều lệ.

Hợp đồng phải quy định cụ thể, có giới hạn:

a) Sự việc cam kết, nhất là các điều khoản về quy cách, phẩm chất, công thức, về ngày giờ địa điểm, cách thức giao nhận, thanh toán.

b) Số lượng, giá cả, tổng trị giá của hợp đồng.

c) Thời gian thi hành.

d) Trách nhiệm của đôi bên trong việc thi hành và những đảm bảo cần thiết, như vấn đề ký quỹ.

e) Điều kiện về bồi dưỡng trong trường hợp một bên không thực hiện đầy đủ hợp đồng.

Hợp đồng là một văn bản về pháp lý cho nên nó càng phải minh bạch về tinh thần cũng như về lời văn, phải ghi rõ ý định cam kết của đôi bên không để hiểu lầm. Hợp đồng phải được ký kết trên tinh thần thỏa thuận và phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, hợp với khả năng và phương tiện kinh doanh của đôi bên. Mỗi khi ký hợp đồng với tư doanh, cơ quan Nhà nước, quốc doanh, hợp tác xã phải điều tra kỹ khả năng thực hiện hợp đồng của tư doanh không để bị động sau khi ký kết. Sau khi ký kết phải theo dõi kiểm tra việc thực hiện. Mặt khác cơ quan quốc doanh, hợp tác xã cũng phải xét lại kỹ và nắm vững khả năng phương tiện và nhu cầu thực tế của mình khi ký kết để tránh những tình trạng thực hiện chậm trễ hoặc không thực hiện được.

III. – CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG

Căn cứ trên mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế, hợp đồng kinh doanh chia làm 3 loại:

1) Hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước với quốc doanh, hợp tác xã hoặc giữa quốc doanh hợp tác xã với nhau.

2) Hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước, quốc doanh, hợp tác xã với tư doanh.

3) Hợp đồng ký kết giữa tư doanh với nhau.

II. THỦ TỤC KÝ KẾT VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG

A. – Ký kết hợp đồng

Người ký hợp đồng về phía cơ quan, xí nghiệp quốc doanh, hay hợp tác xã phải là thủ trưởng của cơ sở trực tiếp kinh doanh. Nếu là cán bộ thì phải được cơ quan, quốc doanh, hợp tác xã ủy quyền bằng giấy tờ (giấy ủy quyền kèm theo hợp đồng).

[...]