Thông tư 154/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Bộ Quốc phòng

Số hiệu 154/2016/TT-BQP
Ngày ban hành 12/10/2016
Ngày có hiệu lực 28/12/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Lê Chiêm
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/2016/TT-BQP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG DÔI DƯ KHI SẮP XẾP LẠI CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU TRONG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Bộ Quốc phòng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, công ty khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu (sau đây gọi là công ty thực hiện sắp xếp lại) quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây viết tắt là Nghị định số 63/2015/NĐ-CP), bao gồm:

1. Cổ phần hóa, bán.

2. Chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

3. Chuyển thành đơn vị sự nghiệp.

4. Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

5. Giải thể, phá sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động theo quy định trong các công ty hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư này (sau đây viết tắt là người lao động), bao gồm:

a) Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng ln cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998, gồm: Người lao động đang làm việc tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm hoặc người lao động không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty không bố trí được việc làm;

b) Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 26 tháng 4 năm 2002;

c) Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21 tháng 4 năm 1998 trở về sau, tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm;

d) Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 26 tháng 4 năm 2002 trở về sau.

2. Các cơ quan, đơn vị, công ty và cá nhân liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu.

Điều 3. Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002

Người lao động dôi dư hướng dẫn tại Điểm a và b Khoản 1 Điều 2 Thông tư này tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, được thực hiện chính sách như sau:

1. Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi; nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), theo Khoản 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi) và được hưởng thêm các chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

b) Trợ cấp 03 tháng tiền lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau);

c) Hỗ trợ 01 tháng tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm nghỉ hưu cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ví dụ 1: Ông Trần Văn Đức, lao động hợp đồng thuộc Công ty Z, Bộ Quốc phòng, làm việc trong điều kiện bình thường, tại thời điểm nghỉ việc (ngày 01 tháng 10 năm 2015) đủ 57 tuổi 04 tháng (nghỉ hưu trước tuổi theo quy định là 02 năm 08 tháng); có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 32 năm 07 tháng; diễn biến tiền lương 05 năm cuối của ông Đức như sau:

- Từ ngày 01 tháng 10 năm 2010 đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2011 (07 tháng), mức lương cơ sở là 730.000 đồng/tháng, hệ số tiền lương: 3,45 (bậc 5, nhóm III, thang lương A.1 ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004);

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ