Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 14-TTg/TN-1969 về việc cải tiến tổ chức và phục vụ bữa ăn của cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên và học sinh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 14-TTg/TN
Ngày ban hành 08/02/1969
Ngày có hiệu lực 23/02/1969
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TTg/TN

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 1969 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN TỔ CHỨC VÀ PHỤC VỤ BỮA ĂN CỦA CÁN BỘ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, SINH VIÊN VÀ HỌC SINH

Đảng và Chính phủ ta rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống, nhất là bữa ăn hàng ngày của cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên và học sinh, nhằm giữ gìn, bồi dưỡng sức khoẻ để lao động, công tác, học tập tốt. Sau khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết giải quyết từng vấn đề cụ thể trong công tác này. Đầu năm 1968, Hội đồng Chính phủ ra chỉ thị số 13-CP về việc tăng cường, tổ chức quản lý nhà ăn tập thể.

Thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, vừa qua, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, sản xuất và lưu thông có khó khăn, nhưng có một số cơ sở lưu thông phân phối và xí nghiệp, cơ quan, trường học đã cố gắng phấn đấu giữ mức ăn của công nhân, cán bộ và học sinh được bình thường, góp phần gìn giữ sức khỏe, ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất công tác và học tập. Được như vậy, chủ yếu là do các cấp ủy Đảng, thủ trưởng, công đoàn cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của bữa ăn đối với sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập, có quyết tâm chỉ đạo cải tiến quản lý nhà ăn và công tác phân phối lương thực, thực phẩm, giáo dục, động viên công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh nỗ lực tăng gia sản xuất, tham gia cải tiến quản lý nhà ăn, tự tổ chức tốt đời sống.

Tuy nhiên, những đơn vị làm tốt còn quá ít, chưa đều khắp ở các ngành, các địa phương. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt cho gia đình cán bộ, công nhân, cho bếp ăn tập thể chưa tốt. Việc tổ chức mạng lưới ăn uống công cộng còn quá hẹp và không thuận tiện. Việc quản lý nhà ăn tập thể còn rất kém, làm cho sức khoẻ của anh chị em giảm sút, ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu suất công tác, kết quả học tập. Sỡ dĩ có tình trạng trên một phần do ảnh hưởng khách quan: hàng hóa, vật tư có hạn, cơ quan, xí nghiệp, trường học phải sơ tán; nhưng phần khác do những nguyên nhân chủ quan sau đây:

1. Các ngành, các cấp chưa đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống, nhất là bữa ăn của cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên và học sinh, chưa thấy việc chăm lo đời sống là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và là một chính sách lớn để động viên mọi người đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập, do đó mà chưa có quyết tâm phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức quản lý tốt bữa ăn cho anh chị em (kể cả tập thể và gia đình).

2. Việc lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các cơ sở còn lỏng lẻo và thiếu nghiêm túc trên các mặt:

- Việc tổ chức sản xuất, thu mua, phân phối, tiếp phẩm, thực hiện hậu cần tại chỗ còn nhiều mặt quá yếu, thiếu kế hoạch cụ thể, thiếu biện pháp tích cực. Việc thi hành các chỉ thị, nghị quyết về quy vùng sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, khai thác, vận xuất và vận chuyển chất đốt còn nhiều khuyết điểm;

- Việc quản lý nhà ăn tập thể rất kém; việc trang bị đồ dùng, quản lý vật tư, hàng hóa, tài sản, tiền bạc, tem phiếu còn nhiều thiếu sót và sơ hở. Việc giáo dục, đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động trong các nhà ăn chưa tốt, tình trạng bớt xén tiền ăn, lương thực, thực phẩm, lấy cắp đồ dùng của các nhà ăn khá phổ biến, kỹ thuật nấu ăn chưa tốt; nhân viên cấp dưỡng đa số không yên tâm công tác;

- Việc giáo dục, động viên công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ tập thể, nỗ lực tăng gia sản xuất tự cải thiện, tham gia xây dựng và quản lý nhà ăn, quản lý phân phối, bảo vệ của công ở nhiều nơi chưa được các cấp ủy Đảng, thủ trưởng, công đoàn cơ sở quan tâm chỉ đạo đúng mức.

Để tổ chức thực hiện có kết quả tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về việc, chăm lo đời sống, trước hết là chăm lo phục vụ tốt bữa ăn của công nhân, viên chức, sinh viên và học sinh, phát huy kết quả cuộc hội nghị bàn về bữa ăn họp trong tháng 12 năm 1968, trong thời gian tới, các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện các chủ trương và biện pháp chủ yếu sau đây:

I. CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP CỤ THỂ

1. Phải tổ chức nghiên cứu kỹ chỉ thị số 13-CP ngày 16-1-1968 của Hội đồng Chính phủ về việc tăng cường tổ chức quản lý nhà ăn tập thể; liên hệ kiểm điểm những thiếu sót của từng ngành, từng cấp, từng đơn vị cơ sở trong việc lãnh đạo và chăm lo tổ chức bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh nói chung (đối với người ăn tập thể cũng như đối với người ăn ở gia đình). Đồng thời phổ biến cho toàn thể công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh liên hệ với trách nhiệm của mình trong việc tham gia tổ chức bữa ăn, tổ chức tốt đời sống, trên cơ sở đó có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi người (từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên thừa hành), làm cho mỗi người tuy ở cương vị khác nhau đều nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc chỉ đạo và thực hiện các mặt công tác nhằm phục vụ cho bữa ăn ngày càng tốt hơn.

Mặt khác cần tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm những đơn vị làm tốt công tác nhà ăn để phổ biến và phát huy thành tích, đồng thời phê phán những đơn vị làm xấu và có biện pháp sửa chữa ngay.

2. Tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất nhằm tạo ra nguồn hàng vững chắc, thực hiện hậu cần tại chỗ, cải tiến tổ chức thu mua, phân phối, vận chuyển, bảo đảm nguyên tắc phân phối công bằng, hợp lý, dân chủ, công khai và thuận tiện. Trước mắt phải làm tốt các việc:

a) Tiến hành gấp việc quy vùng sản xuất thực phẩm một cách hoàn chỉnh, nhất là đối với các vùng có nhu cầu tiêu thụ tập trung, đồng thời giúp đỡ các cơ quan, xí nghiệp, trường học về đất, giống, dụng cụ và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm và kinh nghiệm, kỹ thuật, nhằm trong một thời gian ngắn tạo ra nguồn hàng thực phẩm tại chỗ một cách vững chắc và chủ động.

b) Khẩn trương củng cố các cơ sở hiện có và phát triển các cơ sở quốc doanh chế biến bột mì để trong một thời gian ngắn nhất, cung cấp hoàn toàn thành phẩm cho người tiêu dùng; trong khi quốc doanh chế biến bột mì chưa vươn lên kịp, thì cần trang bị dụng cụ, máy móc đủ cho các nhà ăn tập thể để tự chế biến các loại bánh bằng bột mì dùng trong nhà ăn như tinh thần thông tư số 67-TTg/TN ngày 15-7-1968 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Bảo đảm cung cấp đầy đủ và đều đặn chất đốt cho các bếp ăn tập thể và gia đình công nhân, viên chức như chỉ thị số 13-TTg/TN ngày 25-1-1968 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định.

d) Điều chỉnh mạng lưới phân phối lương thực, thực phẩm, chất đốt, sửa đổi giờ giấc và cách thức bán hàng hợp lý, thuận tiện cho việc mua lương thực, thực phẩm, hàng hoá và vé ăn cơm của các bếp ăn tập thể, các gia đình công nhân, viên chức, giảm tình trạng xếp hàng chờ đợi mất nhiều thì giờ, công sức như hiện nay; phấn đấu cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt trị giá 15 đồng trở lên mỗi tháng cho mức ăn 18 đồng; ở miền núi, miền nam khu 4 cố gắng cung cấp từ 12 đồng trở lên.

đ) Tích cực phát triển mạng lưới ăn uống công cộng và các tổ phục vụ ở đường phố, nhằm phục vụ tốt bữa ăn của các cán bộ, công nhân ăn ở gia đình và khi đi công tác; phục vụ tốt việc nấu cơm tháng, bán cơm thu phiếu lương thực, cơm đổi gạo, chế biến thức ăn…

e) Cùng với việc thực hiện các yêu cầu trên, các chủ trương biện pháp trên về cải tiến tổ chức và phục vụ bữa ăn, các ngành, các cấp phải góp phần thực hiện tăng cường công tác quản lý thị trường, sắp xếp tiểu thương, chống ăn cắp, đầu cơ, ổn định vật giá, ổn định đời sống.

3. Tăng cường tổ chức quản lý và biện pháp quản lý nhà ăn tập thể một cách toàn diện, đặc biệt chú trọng:

- Chỉnh đốn tổ chức quản lý nhà ăn hoặc ban sức khoẻ của xí nghiệp, cơ quan, trường học. Lựa chọn người có nhiệt tình, có đạo đức tốt, có năng lực làm quản lý, kế toán, tiếp phẩm, chế biến, kiên quyết không để người đau yếu có bệnh truyền nhiễm, thái độ và đạo đức xấu làm trong nhà ăn, trong các cửa hàng lương thực, thực phẩm. Xây dựng nội quy nhằm quản lý tốt nhà ăn về các mặt: bảo quản tài sản, vật tư, hàng hóa, tiền bạc, tem phiếu, tôn trọng kỷ luật và thể lệ, chế độ về lao động , giữ gìn vệ sinh và cải tiến kỹ thuật chế biến.

- Thường xuyên và định kỳ kiểm tra công việc của nhà ăn, của cửa hàng lương thực, thực phẩm, chất đốt, kịp thời biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, ngăn chặn và có biện pháp xử lý thích đáng những biểu hiện hành động xấu, những cán bộ, nhân viên phạm kỷ luật tham ô, lãng phí nghiêm trọng.

II. BỔ SUNG CỤ THỂ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁC NHÀ ĂN TẬP THỂ

Căn cứ các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ  số 127-TTg ngày 01-4-1961 về việc chuyển chế độ nhà ăn theo hình thức phúc lợi tập thể và số 3316-NT ngày 09-12-1963 bổ sung một số chế độ cho các nhà ăn tập thể, nay quy định cụ thể về chế độ lao động phục vụ, chế độ tiền lương và phúc lợi, chi phí về nhà ăn như sau:

1. Tiêu chuẩn phục vụ

Nay quy định tiêu chuẩn người phục vụ các bếp ăn tập thể như sau:

[...]