Thông tư 130/1998/TT-BTC về việc bàn giao, tiếp nhận và xử lý các tồn tại về Tài chính của doanh nghiệp Nhà nước khi sáp nhập, hợp nhất do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 130/1998/TT-BTC |
Ngày ban hành | 30/09/1998 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/1998 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Trần Văn Tá |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/1998/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1998 |
Thực hiện Quyết định số 1179/1997/QĐ-TTg ngày 30/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1998; Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 21/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; Bộ Tài chính hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận, xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp Nhà nước khi sáp nhập, hợp nhất như sau:
1. Quy định chung về sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
1.1. Sáp nhập doanh nghiệp là trường hợp một hoặc nhiều doanh nghiệp nhập vào một doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các doanh nghiệp nhập vào doanh nghiệp khác gọi là doanh nghiệp bị sáp nhập, sau khi sáp nhập không còn tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp tiếp nhận các doanh nghiệp khác nhập vào gọi là doanh nghiệp tiếp nhận vẫn giữ nguyên pháp nhân cũ. Quyền và nghĩa vụ dân sự của doanh nghiệp bị sáp nhập được chuyển giao cho doanh nghiệp tiếp nhận.
1.2. Hợp nhất doanh nghiệp là trường hợp hai hoặc nhiều doanh nghiệp hợp nhất thành một doanh nghệp mới theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Các doanh nghiệp tham gia hợp nhất gọi là doanh nghiệp hợp nhất, sau khi hợp nhất không còn tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp hợp nhất lại gọi là doanh nghiệp mới và mang pháp nhân mới. Quyền và nghĩa vụ dân sự của các doanh nghiệp hợp nhất được chuyển giao cho doanh nghiệp mới.
1.3. Điều kiện sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp Nhà nước:
- Các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, hợp nhất trong đề án sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc sáp nhập, hợp nhất không làm suy giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới.
- Không thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất đối với doanh nghiệp có dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản (là những doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ trong hai năm liên tiếp, tình hình tài chính khó khăn đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn hoặc không trả đủ lương cho người lao động theo thoả ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp). Những doanh nghiệp này phải giải quyết theo Luật phá sản doanh nghiệp và Nghị định 189/CP ngày 23/12/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật phá sản doanh nghiệp.
1.4. Người có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp là người ký quyết định thành lập doanh nghiệp đó. Thủ tục, trình tự sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 và Nghị định số 38/CP ngày 28/4/1997 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp Nhà nước.
2. Nguyên tắc xử lý tài chính khi sáp nhập, hợp nhất.
2.1. Phân định rõ trách nhiệm của người quản lý, điều hành doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất và doanh nghiệp tiếp nhận, doanh nghiệp mới.
2.2. Doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm bàn giao đầy đủ, nguyên trạng toàn bộ tài sản, tiền vốn kể cả quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp có đến thời điểm bàn giao cho doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới.
2.3. Doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới có quyền và nghĩa vụ tiếp nhận toàn bộ, nguyên trạng vốn, tài sản, các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất.
2.4. Doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới có trách nhiệm thừa kế và sử lý những vấn đề về tài chính, vốn, tài sản, các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất.
1. Kiểm kê phân loại tài sản.
1.1. Doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc hợp nhất phải thực hiện việc kiểm kê toàn bộ tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp, xác định rõ số lượng tài sản thực tế, tài sản dôi thừa, hao hụt, mất mát; đối chiếu các khoản công nợ phải thu, phải trả, xác định số nợ phải thu khó đòi, số phải trả không có người đòi, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với trường hợp hao hụt mất tài sản, nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành; khoá sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, xác định rõ các vấn đề tài chính còn tồn tại cần được xử lý để bàn giao cho doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới. Thời điểm kiểm kê, đối chiếu công nợ, lập báo cáo tài chính là thời điểm sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp.
1.2. Doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc hợp nhất phải cùng với doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới phân loại tài sản: tài sản chưa cần dùng, không cần dùng, chờ thanh lý, kém mất phẩm chất; xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với tài sản kém, mất phẩm chất theo qui định chế độ hiện hành.
Việc phân loại tài sản tiến hành đồng thời với việc kiểm kê tài sản, quá trình kiểm kê phân loại tài sản phải có đại diện của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới và phải lập thành biên bản có chữ ký của người có thẩm quyền của doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất và của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới.
2. Bàn giao và tiếp nhận.
2.1. Trên cơ sở báo cáo tài chính kèm theo biên bản kiểm kê, phân loại tài sản, biên bản đối chiếu xác nhận các khoản công nợ, doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất phải bàn giao đầy đủ, nguyên trạng kể cả quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới kèm theo đầy đủ hồ sơ, chứng từ có liên quan.
2.2. Doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới có quyền và trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng kém mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu (kể cả nợ phải thu khó đòi), các khoản nợ phải trả và các khoản lỗ luỹ kế của doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất.
2.3. Sau khi đã bàn giao tài sản và nợ, việc xử lý những tồn tại về tài sản, công nợ, lỗ luỹ kế thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới.
2.4. Thời điểm bàn giao và tiếp nhận tài sản theo thời điểm kiểm kê tài sản (việc ký biên bản bàn giao có thể chậm hơn nhưng không quá 1 tháng sau thời điểm kiểm kê). Trong thời gian chưa bàn giao, doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất có trách nhiệm bảo quản toàn bộ tài sản không để hư hỏng, hao hụt, mất mát.
2.5. Việc bàn giao và tiếp nhận phải lập biên bản có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất và của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới. Đại diện có thẩm quyền bên bàn giao là Giám đốc và kế toán trưởng của doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc doanh nghiệp hợp nhất; Đại diện có thẩm quyền của bên tiếp nhận là giám đốc và kế toán trưởng của doanh nghiệp tiếp nhận hoặc doanh nghiệp mới.